Các doanh nghiệp vận tải lý giải họ biết lực lượng chức năng ra quân nên đã cho xe nghỉ chạy để nghe ngóng tình hình.
Phóng to |
Kiểm tra trọng tải xe trên quốc lộ 5 sáng 9-4 Ảnh: Thân Hoàng |
Ngay sau loạt bài “” (khởi đăng trên báo Tuổi Trẻ từ 5-4), ngày 9-4 Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) ra quân thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các xe chở quá tải, quá khổ trên quốc lộ 5.
Né trạm cân
Trong ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng đặt trạm cân di động tại km79 + km80 trên quốc lộ 5 qua địa bàn xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng. Điều này đã được các chủ xe báo cho nhau nên nhiều xe dừng lại bên quốc lộ 5 và không đi qua trạm cân. Cách điểm đặt trạm cân khoảng 2km đoạn gần trạm thu phí An Hưng, có khoảng năm xe container nối đuôi xếp hàng bên đường để tránh bị kiểm tra chở quá tải.
Buổi sáng, lực lượng liên ngành đã kiểm tra khoảng 10 chiếc xe các loại có dấu hiệu chở quá tải, quá khổ. Tuy nhiên các xe đều không chở hàng hoặc chở hàng không vi phạm quá tải. Đến 19g ngày 9-4, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho hay chỉ có năm trường hợp bị xử lý, trong đó có bốn xe quá tải và một xe quá khổ.
Lý giải về tình trạng xe quá tải né trạm cân, thượng tá Lưu Thanh Hiệp - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - cho biết: “Vì là ngày đầu tiên nên nhiều doanh nghiệp vận tải nghe ngóng xem lực lượng chức năng xử lý có nghiêm hay không để có đối sách. Tuy nhiên, đợt ra quân này làm liên tục trong gần 20 ngày, sau đợt này các cơ quan chức năng cũng có nhiều giải pháp kiên quyết xử lý xe quá tải nên các chủ xe, chủ hàng không thể né mãi được mà phải chấp hành quy định”.
Chưa hiểu thế nào là quá tải!
Cho xe nằm nhà, hàng chục chủ doanh nghiệp, chủ xe đã đến nơi đặt trạm cân di động tìm hiểu về việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý xe quá tải. Họ đưa ra băn khoăn về phương pháp áp dụng để cân trọng tải xe và cách xử lý xe vi phạm. “Các doanh nghiệp vận tải đều không nắm được việc xác định xe quá tải bằng cách cân trọng tải toàn xe hay cân đầu trục xe. Nếu cân cả xe thì ít vi phạm, còn nếu cân đầu trục thì phải 80% xe vi phạm chở quá tải” - ông Tiêu Hà Xanh, giám đốc Công ty vận tải Đông Nam Á, nói.
Một số chủ doanh nghiệp cũng băn khoăn về căn cứ để xác định xe quá tải dựa trên đăng ký xe hay giấy đăng kiểm? Ông Phùng Văn Xuyên, Công ty TNHH vận tải Nhật Minh, nói: “Theo đăng ký xe đầu kéo rơmooc của công ty do công an cấp thì xe được chở tối đa trọng tải 34 tấn, nhưng theo giấy đăng kiểm của Cục Đăng kiểm thì xe chỉ được chở tối đa 28 tấn. Chúng tôi không biết căn cứ vào đâu để xác định xe chở quá tải”.
Ông Lê Minh Tiến, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, cho biết việc áp dụng trạm cân để kiểm soát, xử lý xe quá tải đối với các doanh nghiệp không có vấn đề gì. Tuy nhiên, điều nhiều doanh nghiệp băn khoăn là việc xử lý có triệt để, nghiêm minh không: “Thường thì các doanh nghiệp vận tải cũng không muốn chở quá tải vì vừa tốn nhiên liệu vừa mau chóng hỏng xe. Quan trọng là lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm để tạo môi trường kinh doanh sòng phẳng cho các doanh nghiệp thì không bên nào dùng chiêu chở quá tải để tranh khách”.
Chưa xử phạt xe quá tải đầu trục Ông Nguyễn Xuân Cường - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết: “Bước đầu chưa áp dụng xử phạt xe quá trọng tải đầu trục mà chủ yếu tuyên truyền để các chủ xe không vi phạm. Có nhiều trường hợp chở hàng dưới trọng tải xe nhưng do cách xếp hàng hóa không đúng cũng gây quá tải đầu trục làm hư hỏng cầu đường”. Cũng theo ông Cường, căn cứ để xác định xe quá tải là sau khi cân sẽ đối chiếu với trọng tải tối đa được cấp phép trên giấy đăng kiểm. Ông Cường cho biết thêm sau đợt ra quân này, Tổng cục Đường bộ tiếp tục triển khai cân xe quá tải trên các quốc lộ khác để kiên quyết xử lý tình trạng xe chở quá tải, quá khổ đang phá nát nhiều tuyến đường. “Hiện Bộ GTVT đã lập dự án đầu tư xây dựng 11 trạm kiểm tra trọng tải xe và trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013 - 2015. Về lâu dài, trong quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra trọng tải xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, cả nước sẽ đầu tư xây dựng 45 trạm cân xe cố định và 142 bộ cân lưu động” - ông Cường nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận