Đoàn chủ tịch của đại hội thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, một trong 2 hiệp hội nước mắm thành lập cùng ngày 27-10 - Ảnh: L.ANH
Cùng ngành nghề nước mắm nhưng lại có đến 2 hiệp hội ra mắt trong 1 ngày, và cùng được Bộ Nội vụ cho phép thành lập. Đó là Hiệp hội Nước mắm Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam.
Theo ông Trần Đáng, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, hiệp hội bao gồm các nhà sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nước mắm, nhà khoa học, quản lý, kiểm nghiệm nước mắm, với doanh số và sản lượng kinh doanh đạt 70% doanh số và sản lượng của toàn bộ ngành nước mắm Việt Nam.
Trong khi đó, bà Trần Thị Dung, phó chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cho biết hiệp hội có trên 120 thành viên, trong đó có trên 80 doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. "Điểm khác biệt của chúng tôi là ở 2 chữ truyền thống, tức là nước mắm ủ lên men tự nhiên từ cá và muối, không có hương liệu, phụ gia và các chất khác" - bà Dung cho biết.
Bà Dung cũng băn khoăn về tiêu chuẩn Việt Nam cho nước mắm hiện nay, theo bà là đang "gò" nước mắm truyền thống, như đánh đồng về tiêu chuẩn axitamin/nitơ tổng số, là chỉ tiêu đánh giá độ "chín" của nước mắm. Khi chỉ tiêu này bị hạ như hiện nay thì các nhà sản xuất nước mắm không theo truyền thống có thể thủy phân các loại đạm khác mà không phải đạm cá để bổ sung vào nước mắm.
"Chúng tôi cũng đã có đề nghị rồi nhưng chưa được chấp thuận, vì vậy mới bổ sung thêm 2 chữ "truyền thống" vào nước mắm chế biến từ cá và muối, theo phương pháp truyền thống Việt Nam" - bà Dung nói.
Tổng giá trị ngành hàng nước mắm hiện nay đạt khoảng 6.000 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân 10 năm qua đạt trên 13%, hiện cả nước có 783 cơ sở sản xuất nước mắm có đăng ký sản xuất kinh doanh và gần 1.500 hộ có tham gia chế biến nước mắm, với tổng công suất chế biến trên 250 triệu lít/năm.
Trong số này có 270 cơ sở có quy mô công suất từ 100.000 lít/năm trở lên, tập trung phân bố dọc bờ biển đất nước, số cơ sở tham gia xuất khẩu là 35 đơn vị, chiếm 4,5% tổng cơ sở chế biến đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường, còn lại tiêu thụ trong nội địa.
Trong số các loại nước mắm có nước mắm từ đạm và cá, nước mắm pha chế từ nước mắm truyền thống và một số thành phần khác, thời gian qua có ý kiến phân biệt tên gọi thông qua độ đạm và thành phần, nước mắm nào có độ đạm thấp thì gọi là nước chấm.
Tuy nhiên một đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng nước chấm là từ chỉ nhiều sản phẩm dùng để chấm, có nước mắm, nước tương, nước muối pha... Tiêu chuẩn quốc tế cũng cho phép lấy tên thành phần có trong sản phẩm để đặt tên sản phẩm, chỉ yêu cầu ghi rõ trên nhãn sản phẩm.
"Việt Nam cũng đã luật hóa điều này bằng quy định về ghi nhãn, vì thế các sản phẩm nước mắm pha chế có thể đặt tên là nước mắm, nhưng phải ghi rõ thành phần và hàm lượng trên nhãn" - vị đại diện này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận