Điêu khắc gia Romania Bogdan Adrian Lefter tạo khuôn đất sét cho tác phẩm của anh - Ảnh: Q.T. |
Mỗi ngày, các thợ đá làm việc từ 6g30 đến 11g30, 13g30 đến 17g30, 18g đến 20g. Công việc của thợ đá là cưa, đục đá theo sự hướng dẫn của các điêu khắc gia.
Dưới cái nắng chói chang, công trường của Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM ở Công viên văn hóa lịch sử dân tộc (Q.9) là một nơi để làm việc chứ không phải để tán gẫu. Bởi ở đây lúc nào cũng vang lên tiếng rít chói tai, rung màng nhĩ của hơn 40 máy cắt đá thay nhau hoạt động hết công suất.
Đá thì cứng, nhưng công việc tạo ra các tác phẩm điêu khắc đương đại ở trại có vẻ “mềm” hơn so với các thể loại điêu khắc khác khi Đinh Danh Vương - một tổ trưởng tổ đá - chia sẻ: “Làm điêu khắc ở trại này không khó vì chỉ vỡ khối cho đúng ý tác giả. Làm tượng đài hay tượng chân dung mới khó vì tượng chân dung đòi hỏi phải... giống!”.
Khoái cái nắng Sài Gòn
Lần đầu làm trại điêu khắc quốc tế, công tác tổ chức của TP.HCM không thể không có sự cập rập. Điều này thấy rõ ở ngày khai mạc trại, theo lịch là giữa tháng 11 nhưng sau cùng phải dời đến đầu tháng 12. Nhưng các điêu khắc gia quốc tế dường như cũng không đến đây tìm kiếm sự tiện nghi. Cái họ cần là một khối đá trước mặt, để phủ đầy bụi bặm trên người cả ngày và làm công việc của mình: đục đẽo!
Đơn giản vậy. Còn lại là tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam...
Bogdan Adrian Lefter là điêu khắc gia Romania 32 tuổi, từng dự trại điêu khắc quốc tế ở Thụy Sĩ, Đan Mạch, Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran... Anh biết thông tin về Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM khi tham dự một trại ở Iran. Đơn giản với quần short cũ mèm, áo công nhân (chắc mới mua đâu đó ở Sài Gòn), Bogdan Adrian Lefter lấm lem với đống đất sét tạo khuôn cho tác phẩm Ballet trong gió trước khi đi đúc đồng.
Nói về tác phẩm của mình, Bogdan Adrian Lefter giải thích: “Tôi muốn nó đặt trên một cái bệ và có thể quay được. Một tác phẩm điêu khắc ballet có thể quay được mọi hướng!”.
Nói về điều kiện làm việc, Bogdan Adrian Lefter cho biết không có sự vướng mắc nào to tát: “Tôi thấy mọi thứ đều tốt ngoài việc trả lời email của ban tổ chức có vẻ hơi chậm. Khi tôi gửi email thì phải chờ đợi thư phản hồi hơi lâu. Nhưng không hề gì, ý nghĩa của trại điêu khắc là phục vụ cộng đồng nên chúng tôi ở đây để làm điều tốt nhất. Sau đó tôi có thể tiếp tục đến các trại điêu khắc khác, tất nhiên. Nhưng trước tiên tôi phải tìm một món quà lưu niệm về Việt Nam trước đã!”.
Điêu khắc gia say mê đục đẽo để tạo ra tác phẩm. |
Trong khi đó, cái nắng chói chang của Sài Gòn lại là điều mà điêu khắc gia 38 tuổi Mikhail Sobolev (người Nga) tỏ ra thích thú. Anh cho biết bây giờ ở Matxcơva đang là mùa đông, không khí lạnh, ẩm ướt và trời tối. Cho nên có vẻ Mikhail Sobolev đang tận hưởng khí hậu nhiệt đới.
Nói về tác phẩm, Mikhail Sobolev cho biết vì chủ đề của Trại điêu khắc TP.HCM kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, nên tác phẩm của Mikhail Sobolev là một tổ chim. Điêu khắc gia người Nga này muốn gửi gắm một thông điệp rằng tổ chim là cội nguồn dân tộc, là ước mơ hòa bình, cũng là sự hòa hợp, gắn kết...
Khi đục đá lại là sự... tận hưởng!
Trước khi đến Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM, điêu khắc gia người Trung Quốc Liu Yang đã có bề dày tham dự 30 trại điêu khắc quốc tế của hơn 20 quốc gia như Pháp, Phần Lan, Úc, Mexico, Costa Rica, Brazil, Argentina... Liu Yang cho biết năm nay do một trại điêu khắc ở Mexico bị hoãn, anh liền nộp đơn ứng cử đến Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM.
Gặp Liu Yang ở Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM, người anh bám đầy bụi đá từ đầu tới chân. Thật bất ngờ khi người đàn ông 43 tuổi này lại tốt nghiệp đại học với tấm bằng công nghệ thực phẩm, rồi từng là bình luận viên nổi tiếng của truyền hình trung ương Trung Quốc trước khi bỏ ngang tất cả để đi theo tiếng gọi của điêu khắc cách đây sáu năm.
Cuộc sống của Liu Yang bây giờ là nửa năm sống tại quê nhà, nửa năm còn lại ở các trại điêu khắc quốc tế tại các nước khác. Với Liu Yang, trại điêu khắc quốc tế ở mỗi nơi vừa là cơ hội làm điêu khắc, vừa là một thú vui xê dịch, khám phá văn hóa thế giới.
Yang kể: “Dĩ nhiên khi bạn là một nhân vật nổi tiếng của truyền hình như ở Trung Quốc thì bạn sẽ có danh tiếng, tiền bạc, sự trọng vọng từ người khác... Nhưng đôi khi bạn cũng biết như thế nào là đủ, như thế nào là cuộc đời phải sống cho ước mơ của mình.
Sở hữu vật chất như chiếc xe hơi đẹp vậy, nhưng hai thành phố tôi sống và làm việc là Bắc Kinh và Harbin (Bắc Trung Quốc, cách biên giới CHDCND Triều Tiên 600km) xe hơi nhiều quá.
Hằng ngày, khi lái xe trên đường tôi phải căng thẳng, tránh va quẹt, tìm chỗ đậu... Nhưng nếu bỏ chiếc xe hơi đi, tôi có thời gian để thư giãn, tận hưởng âm nhạc hay niềm đam mê điêu khắc. Khi ấy, vợ tôi cũng nói với tôi: Thôi được, với anh như vậy là đủ rồi. Đã đến lúc sống cho ước mơ của mình!”.
Khi chìa tấm danh thiếp có in bản đồ thế giới với những địa điểm được đánh dấu của hơn 20 quốc gia từng đến, Liu Yang chia sẻ một nguyện vọng:
“Tôi muốn sau này con gái tôi đi nhiều nước trên thế giới sẽ thấy tác phẩm của cha mình ở đó. Hi vọng điều này cũng là sự bù đắp cho con gái tôi, vì khi cháu còn nhỏ tôi hay xa nhà!”.
Một tác phẩm đang dần hình thành. |
Tạo cái mới cho điêu khắc TP.HCM Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM diễn ra từ ngày 1 đến 20-12 với sự tham dự của 39 điêu khắc gia trong nước và 11 điêu khắc gia quốc tế đến từ Iran, Nga, Trung Quốc, Ukraine, Bỉ... Đến nay, trại đã nhận được những ý kiến tích cực từ giới chuyên môn. Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình - phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, đơn vị quản lý trại - cho biết: “Tuy đây là lần đầu tiên tổ chức trại quốc tế, nhưng thành phố đang làm rất tốt từ chỗ ăn, chỗ làm, chỗ nghỉ... cho khách quốc tế. Lực lượng y tế, phiên dịch... cũng túc trực thường xuyên. Điều đáng kể ở trại lần này là thành phố tỏ ra rất thoáng, chấp nhận mọi khuynh hướng sáng tác quốc tế lẫn chất liệu. Lúc đầu chỉ định làm điêu khắc đá, nhưng sau đó có những điêu khắc đồng, sắt, inox... thì trại cũng đồng ý, bố trí thêm xưởng. Có thể thấy trại lần này đang tạo ra điều mới mẻ cho điêu khắc TP.HCM”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận