28/03/2015 10:36 GMT+7

​Một ngày mẹ mong con quay về...

MAI HOA
MAI HOA

TT - Cuộc sống bận rộn cuốn chúng ta đi. Hay chính chúng ta đã nhảy vào vòng cuốn đó và đẩy gia đình sang mức “ưu tiên sau”?

Có gì bù đắp được khi giữa những thành viên trong gia đình xuất hiện khoảng cách vời vợi...?

1. Bà nhờ cô giúp việc kê cái đầu hướng về cửa sổ. Một cơn mưa rào bất chợt khi trời đang nắng chang chang. Sài Gòn lại mưa trái mùa. Bà còn nhớ mình nằm ở phòng bệnh này từ cuối mùa mưa năm trước. Những người cùng phòng cứ đến rồi đi.

Người thì chết. Người khỏi bệnh được về nhà. Bà cũng muốn về nhà. “Ở đây buồn lắm, con cháu đi làm tối ngày, chẳng ai thăm” - bà nói được một câu mà đầy khó nhọc.

“Cố gắng hết sức”

Khi viết bài này, chúng tôi thực hiện hơn 10 cuộc phỏng vấn với những người trong độ tuổi ngoài 30, đã có công việc ổn định, đã lập gia đình.

Với câu hỏi: anh/chị đã cảm thấy dành đủ thời gian chăm sóc gia đình hay chưa, câu trả lời thường nhận được là: Dù thấy đủ hay chưa đủ, tất cả đều khẳng định đã cố gắng hết sức lo cho gia đình mình.

Một phụ nữ 42 tuổi là giám đốc công ty bao bì có 120 công nhân chia sẻ để có 4-5 tiếng ở nhà mỗi ngày, chị đã chia sẻ bớt công việc cho cấp dưới.

Ông xã chị vì thấy vợ cố gắng nên cũng biết quan tâm đến gia đình hơn.

Còn anh B.V.G. - 30 tuổi, trưởng phòng giao dịch một ngân hàng ở Gò Vấp - nói có những hôm buổi trưa vẫn tranh thủ chạy xe về nhà vì nhớ con quá, dù nhà cách cơ quan 8km.

Chị Mười, người giúp việc, âu yếm kê người bà cho ngay ngắn lại.

Chị ngồi bên nghe chuyện, chốc chốc lại đưa chiếc khăn mềm lau những giọt nước chảy ra bên khóe miệng bà vì cứ nói chuyện được vài câu, bà lại chảy nước dãi.

Hồi mới qua đây, cả phòng ai cũng tưởng chị Mười là con gái bà. Chị ở bên bà suốt ngày, làm vệ sinh cho bà, cho bà ăn, trò chuyện, tối đến còn đọc kinh cho bà nghe.

Một buổi sáng cuối tuần, vợ chồng anh con trai út qua thăm, mang theo rất nhiều thuốc bổ và đồ ăn ngon. Bà vui lắm, cố ngồi dậy nói chuyện.

Nhưng những cuộc thăm viếng cứ thưa dần, thưa dần. Những cuộc gọi điện cũng thưa dần vì chẳng có chuyện gì để nói. Bà bảo với chị Mười chắc chúng nó bận.

Lâu lâu, bà đau nặng. Bác sĩ cấp báo cho người nhà. Chị Hai, anh Ba, cậu Út đến ngay. Nhưng đến lần cấp báo thứ hai, thứ ba... thì chỉ còn mình cậu Út tới.

Cậu làm công ty xây dựng, hay phải tiệc tùng tiếp khách. Có bữa cậu tới khi đã ngà ngà say, cứ giành cho mẹ ăn cháo.

Cháo rớt cả ra giường nhưng bà vui quá, ăn hết sạch một tô bự. Bà bảo: “Mày đưa con Thỏ qua đây chơi với mẹ cho vui”. “Mẹ à, Thỏ bận đi học từ sáng tới tối luôn, không qua được...” - con trai bà nói. 

Câu chuyện cũ dừng ở đó. Bà níu tay tôi, khoe về con cháu mình một cách tự hào. Bà có tới bảy đứa con, đều đã khôn lớn, thành đạt và sống quanh Sài Gòn cả. Người mở công ty riêng, người làm lãnh đạo cấp phòng, cấp quận... Nhưng cuối cùng, bà im lặng một lúc rồi thở hắt ra một câu: “Chúng nó quên mất bà già này rồi, con ạ”.

2. Gần một giờ khuya. Con hẻm nhỏ trên một con đường thuộc P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM vang lên tiếng xe máy quen thuộc. Anh Út đã về. Sáu căn nhà trong hẻm này đều là anh em một nhà, sau khi lập gia đình tách ra ở riêng. Căn nhà trong cùng là của vợ chồng anh Út sống chung với người cha đã gần 80 tuổi. Anh năm nay 40 tuổi, là trưởng phòng của một công ty lớn.

Công việc cuốn anh vào những buổi nhậu nhẹt thâu đêm. Khi anh trở về nhà, vợ con đã ngủ, chỉ có cha anh thức chờ, ra mở cổng. Anh làu bàu trong hơi men: “Sao ba không ngủ đi, chờ con làm gì?”.

“Con chưa về, ba chưa yên tâm”, câu nói ấy hình như có vớt vát được đôi phần lý trí của đứa con. “Rồi, để mai con về sớm”. Người cha im lặng. Câu hứa hẹn ấy ông đã nghe nhiều, nhưng có bao giờ thấy con làm được. Kể từ ngày lên chức, những buổi tối về sớm của anh đếm trên đầu ngón tay.

Đến giờ, vợ anh đã bỏ thói quen chờ cơm chồng. Con gái cũng không còn thức đợi cha về giúp giải giùm một bài toán khó. Người cha già cũng thôi không mong đợi những lời hứa của con sẽ trở thành sự thật. Ngày giỗ mẹ, anh chỉ ghé về nhà một chút buổi trưa, nhoáng một cái rồi đi mất. Cuối tuần, anh cũng kín lịch từ sáng tới khuya.

Một lần, anh trầm ngâm nói: “Lâu lắm tôi không ngồi cùng cha một bữa, không ăn cùng vợ một bữa cơm. Việc duy nhất tôi làm được là đưa con đi học vào sáng sớm. Bận rộn quá, lo nghĩ nhiều quá, có lúc tôi nổi khùng lên khi cha cứ ngồi kể lể những chuyện tôi cho là tào lao vớ vẩn. Vợ trách thì lại cãi nhau, đi nhiều mệt chứ, tôi đâu sung sướng gì. Nghĩ đi nghĩ lại, thật ra mình vẫn có thể sắp xếp công việc để về nhà, nói chuyện với cha, làm ngựa cho con cưỡi, làm cùng vợ mấy việc vặt. Nhưng đã quá lâu rồi... giờ làm những việc đó tự nhiên thấy gượng gạo làm sao ấy, lạ lắm! Thậm chí có lúc ngồi bên nhau mà chẳng biết hỏi chuyện gì”.

Bạn đã dành đủ thời gian cho gia đình chưa?

Trong một cuộc thăm dò trên tuoitre.vn với 61.000 lượt bạn đọc tham gia, chỉ 1.000 người trả lời dành hơn một giờ mỗi ngày cho gia đình. Trong khi đó hơn 21.000 người tham gia khảo sát cho biết họ dành cho gia đình dưới 20 phút mỗi ngày.

Còn với câu hỏi thời gian cho bữa ăn gia đình, chỉ có 800 bạn đọc trả lời một tuần cùng ăn tối với gia đình trên 3 lần. Còn hơn 21.000 bạn đọc khác trả lời chỉ ăn tối cùng gia đình 1-3 lần.

_________

Mời bạn đọc chia sẻ cùng [email protected] những kỷ niệm sâu sắc về gia đình của mình. Bài viết vui lòng không quá 800 chữ.

 

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp