Anh N.V.T., 25 tuổi, cho biết: “Cống này còn đỡ, móc nhanh. Gặp mấy cống bị nghẹt, móc còn kinh khủng hơn”.
Phóng to |
Công việc thường ngày của công nhân móc cống - Ảnh: T.Thắng |
Đó là công việc thường ngày của công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM. Một ngày đi cùng và nghe những chia sẻ của họ, chúng tôi bật ra câu hỏi: công việc cực khổ như vậy, đồng lương trung bình của công nhân có biên chế là 8 triệu đồng, công nhân làm thời vụ khoảng 4 triệu đồng, họ sống làm sao?
Những kẻ bốc mùi
Anh V.T.M.N., 41 tuổi, xòe hai bàn tay đỏ rần cho chúng tôi xem. Anh vừa đứng dưới cống 15 phút. Rác rưởi vây lấy hai đầu gối, vừa cúi gom rác anh N. vừa cố gắng né ống nước thải sát miệng cống đang rỉ xuống đầu mình.
Rồi anh cứ cúi gom đầy rác, lại đưa ki hốt rác lên cho anh N.V.T. đổ vào xô. Mỗi lần như vậy mùi hôi thối lại bốc lên nồng nặc, mấy người đi trên vỉa hè gần đó đưa tay bịt mũi.
Anh T. vừa đổ rác vào xô, ngó qua thấy người ta bịt mũi bèn cúi gằm mặt cắm cúi làm việc. Khi anh N. hốt xong rác cống, người đã ướt mèm, tay chân bọc trong bùn sình và phải một lúc lâu sau anh mới thở lại bình thường vì không khí dưới cống quá ngột ngạt và hôi thối.
Anh N. nhà ở Q.Bình Tân, làm công nhân móc cống 16 năm nay. Anh kể ám ảnh nhất của công nhân móc cống là khi nạo vét cống ở những khu vực buôn bán sản xuất hóa chất, như ở khu vực chợ Kim Biên (Q.5).
“Đứng ở cống trong khu này ớn lắm, nước hóa chất dưới cống ngấm vô da ngứa không chịu nổi, da dẻ phồng rộp. Mỗi lần gặp hóa chất là chúng tôi phải leo lên ngay, rửa cho thật sạch rồi bôi thuốc, mấy ngày sau mới hết” - N. kể. Không những hóa chất mà những khu vực có thuốc nhuộm, sản xuất ximăng, gần công trường xây dựng... việc nạo vét cống cũng vất vả hơn khu dân cư bình thường.
"Đọc báo, tính lương tôi làm ba bốn chục năm cũng chưa bằng lương giám đốc một năm. Phận mình làm thời vụ cũng giống như phụ hồ, chỉ có cái phụ hồ leo cao thì sợ té chết, phận mình chui xuống cống cũng đỡ hơn" Anh T.V.M. |
Anh N. nói đùa: “Tối nào mùi hôi cũng theo tôi về tới nhà, nhiều khi ngồi ăn cơm với vợ con mà có cảm giác vợ con cũng bốc mùi theo mình. Anh em trong đội còn nói làm nghề này toàn người có vợ rồi chứ thanh niên không dám làm vì sợ... ế. Cũng đúng, mình hôi hám vầy ngồi với bạn gái ai mà chịu nổi!”.
Ở những khu vực triều cường, công nhân móc cống phải đi làm lúc 1g-2g khuya. “Tụi tôi chui xuống cống ban đêm lạnh phải biết, đó là chưa kể chạy xe máy đi làm khuya sợ cướp giật, tai nạn. Nếu làm ban đêm thì thời gian cũng tính như ban ngày, như làm lúc 2g khuya thì tới 8g sáng hôm sau về tới nhà thở không ra hơi” - một công nhân nói.
Nếu là hố ga thoát nước thì chỉ cần đứng xuống hốt rác rưởi, còn với những cống lớn anh em phải chui xuống dưới, có khi nước ngập tới ngực, đứng ở dưới cống mà như bơi. Việc bị đứt tay đứt chân là chuyện như cơm bữa với công nhân móc cống.
Mỗi ngày làm việc của công nhân móc cống kéo dài tám tiếng, ngày nào nắng còn đỡ chứ mưa là nước cống bốc mùi nồng nặc. “Chỉ mưa lớn chúng tôi mới nghỉ, còn mưa nhỏ vẫn làm bình thường. Ngại nhất là lúc vừa mưa xong, chui xuống cống ngập ngụa rác nhưng đành bặm môi bịt mũi làm cho xong công việc” - một công nhân cho biết.
Buổi trưa họ được nghỉ hai tiếng, từ 11g-13g. Một người chạy đi mua cơm cho cả tổ, người lấy võng mắc vào cây bên đường để ăn xong ngả lưng cho đỡ mệt.
Họ kể có cái võng cũng đỡ lắm, nếu không phải vào quán nước mới có võng nằm nghỉ, nhưng tốn mười mấy ngàn mua chai nước.
Xót lắm. Bày mấy hộp cơm, ngồi bệt xuống vỉa hè, họ cố gắng ăn nhanh để tranh thủ nghỉ trưa. Thùng trà đá để trên xe nhưng xe đã chạy đi đổ bùn ở huyện Bình Chánh nên anh T. và mấy anh em khác tiếc ngẩn ngơ khi phải mua nước ngọt, hai người uống chung một chai dù khát lắm.
Đối với họ, chi tiêu vài ngàn đồng cũng phải suy nghĩ tính toán. Phía bên kia, anh N. đứng xối nước cho bớt ngứa ngáy vì ban nãy xuống cống nạo vét. Anh đùa: “Tụi tôi tắm “lộ thiên” là chuyện bình thường.
Ngày nào tổ cũng chở theo hai thùng nước, mỗi thùng 200 lít để tắm rửa, không tắm là không chịu nổi. Anh em nhường nhịn nhau cũng đủ nước dùng cả ngày”.
Nhọc nhằn móc cống thời vụ
Mức lương của công nhân biên chế (Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM) khoảng 8 triệu đồng/tháng nhưng họ cho biết phải chi tiêu rất hạn chế mới có thể sống được trong thời buổi này. Còn với công nhân làm thời vụ, một tháng khoảng 4-5 triệu đồng thì khó khăn gấp bội.
Theo một công nhân móc cống thời vụ, nếu chui xuống cống nạo vét mỗi ngày công nhân thời vụ được chấm 17 điểm, tương đương 170.000 đồng.
Còn đứng trên đường đổ bùn sình thì 150.000 đồng/ngày. Ngoài ra không còn gì khác. “Chui xuống cống khổ hơn nhưng anh em làm thời vụ phải tính với nhau sao cho ai cũng được... chui xuống cống để ngày có thêm 20.000 đồng. Chừng đó tiền với chúng tôi lớn lắm - anh N.V.T., 25 tuổi, trẻ nhất trong tổ công nhân này, nhẩm tính - Tiền ăn sáng, tiền cơm trưa rẻ nhất cũng 40.000 đồng, rồi tiền xăng, đôi khi anh em ngồi uống nước với nhau cũng tốn, đó là chưa kể cuối tháng ngồi nhậu mình không có tiền đành kêu rượu đế thay bia”.
Anh T. làm được bốn năm, có vợ và hai con nhỏ. Anh kể: “Con tôi năm nay vào lớp 1 nên tốn khá nhiều tiền cho cháu đi học. Đứa nhỏ 2 tuổi gửi ở nhà cho bà nội giữ, cứ ốm đau quặt quẹo suốt. Tiền sữa cho cháu một tháng cũng đã 3 triệu đồng, đó là chỉ mua sữa nội chứ không dám rớ sữa ngoại. Chi tiêu trong nhà dựa vào đồng lương 4 triệu đồng của tôi mỗi tháng, như muối bỏ bể”.
Còn ông T.T.M., 47 tuổi, từ miền Tây lên TP.HCM làm công nhân móc cống sáu năm nay, cho biết có tháng ông không gửi về quê được đồng nào để phụ nuôi con. Lương ông tính ra một tháng chừng 4 triệu đồng, trừ những khoản ăn uống, tiền xăng chẳng còn lại bao nhiêu, nhín lắm mới gửi về quê được 1 triệu đồng.
Ông nói: “Biết nghề này cực khổ nhưng không làm không được. Tôi chỉ mong công ty xem xét lại mức lương cho chúng tôi. Ngoài lương chúng tôi chẳng có phụ cấp gì, kể cả tiền độc hại. Mức thưởng mấy ngày lễ tết cũng chỉ bằng một phần ba của công nhân biên chế. Sống không nổi!”.
Nhiều công nhân móc cống làm thời vụ sống quây quần trong khu trọ ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. Giá phòng trọ ở đây khoảng 900.000 đồng/tháng. Chiều nay vợ ông T.T.M. từ quê miền Tây lên thăm ông nhưng không dẫn theo đứa con đang học lớp 2.
Vợ ông ngồi bày ra bọc đậu ve, bí đỏ... mua ở chợ quê lên nấu nướng cho đỡ tốn tiền vì rau củ trên đây đắt đỏ quá. Hai vợ chồng ngồi soạn sửa quà quê mừng mừng tủi tủi. Ông M. nói: “Nhiều lúc nhớ con mà đành chịu, đem vợ con lên thì không lo tiền cho con học trên này được, đành để ở quê”.
Sâu trong con hẻm kế bên, anh T.V.M., 37 tuổi, thuê căn nhà giá 3 triệu đồng/tháng rồi chia phòng ra cho mấy anh em khác ở. Anh làm công nhân móc cống đã tám năm. Anh nói cũng may thuê được căn nhà này, tuy xa chỗ làm nhưng mát mẻ, ở xa chủ nhà nên không phiền họ.
Ba đứa con anh, một học lớp 9, một lớp 4, một lớp 3, lương anh mỗi tháng 4 triệu đồng cộng với tiền vợ anh bán vé số chật vật lắm mới lo được cho con đi học. “Nhiều bữa tôi đi làm, trưa vô quán mua chai nước để có chỗ ngồi nghỉ mệt chứ không dám uống, chiều về đem chai nước cho con uống, nó thích lắm. Cơm trưa thì vợ dậy từ sớm nấu cho tôi đem theo, mua cơm tiệm ăn không đủ no. Thuốc lá tôi cũng nhịn luôn để dành tiền cho con học được cái chữ với người ta”. Năm học này anh chưa đủ tiền đóng học phí hết cho con, nhiều khi đi làm về con hỏi ba có tiền chưa mà rớt nước mắt.
Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM, tổng số nhân viên công ty khoảng 1.000 người. Trong đó nhân viên thời vụ (ký hợp đồng từ 3-6 tháng) của công ty là 163 người, 335 nhân viên có thời hạn (ký hợp đồng dưới 1 năm). |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận