29/03/2019 12:36 GMT+7

Một ngày buồn, vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc trong sáng nay 29-3 đã đồng loạt đăng tải trên trang facebook cá nhân lời thương tiếc với sự ra đi của nhà điêu khắc Lê Công Thành - một bậc thầy của điêu khắc Việt Nam.

Một ngày buồn, vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành - Ảnh 1.

Điêu khắc gia Lê Công Thành trong tư gia của ông trong một khu tập thể cũ ở Hà Nội - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

"Không còn được gặp thầy - nhà điêu khắc đáng kính Lê Công Thành nữa rồi! Thầy đã ra đi về khu vườn cực lạc để làm điêu khắc ...", nhà điều khắc Lê Đình Nguyên (Nguyên "trâu") chia sẻ trên trang facebook cá nhân của ông sáng nay.

Nhà điêu khắc Khồng Đỗ Tuyền cũng viết những lời thương tiếc với bậc thầy tài năng: "Vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành - người đã dành trọn cuộc đời cho Nghệ thuật. Ông và những tác phẩm sẽ còn hiện hữu là nền tảng cho một hành trình điêu khắc Việt Nam."

"Một ngày buồn. Vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành!", giám đốc Nghệ thuật Heritage Space (Hà Nội) Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Một ngày buồn, vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành - Ảnh 2.

Điêu khắc gia Lê Công Thành năm 2008 - Ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN

"Điêu khắc của Lê Công Thành là sự tổng hòa học hỏi từ các tác gia điêu khắc lớn trên thế giới như Picasso, Henry Moore, Brancusi… và các đặc điểm truyền thống Việt Nam như điêu khắc Chăm-pa, chạm khắc đình chùa Bắc Bộ, tượng nhà mồ Tây Nguyên… để tạo ra một ngôn ngữ sáng tác vô cùng độc đáo, vừa có tính cá thể, lại vừa mang tính quốc tế cao".

Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc nghệ thuật Heritage Space

Lê Công Thành sinh năm 1932, tại Hải Châu, Đà Nẵng. Ông nhập ngũ năm 18 tuổi, làm nhiệm vụ viết bài và vẽ minh họa cho báo Quân đội cho đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc, được cử tham gia khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957).

Theo Phạm Út Quyên (Không gian Nghệ thuật Heritage Space, Hà Nội), ông là sinh viên duy nhất của Lớp Điêu khắc Khóa I, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962) dưới sự hướng dẫn của các nhà điêu khắc nổi tiếng đương thời: Diệp Minh Châu, Nguyễn Thị Kim, và Givi V.Mizandari - giảng viên điêu khắc Liên Xô.

Năm 1962, Lê Công Thành được mời làm giảng viên trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp (năm 1965 đổi tên thành Cao Đẳng Mỹ thuật Công Nghiệp) nơi ông gặp gỡ với Nguyễn Kim Thái, lúc ấy đang là sinh viên năm nhất khoa lụa, và kết hôn với bà năm 1965. Thời gian 1968 -1970, Lê Công Thành được cử đi Thực tập Điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Surikov (Moscow, Liên Xô).

Năm 1975 Lê Công Thành thôi dạy học, chuyển về sáng tác tự do và sinh hoạt trong Tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật. Năm 1979, ông tham gia Triển lãm Điêu khắc Quốc tế tại Riga (Latvia). Năm 1983, ông được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó Chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989).

Một ngày buồn, vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành - Ảnh 4.

Điêu khắc của Lê Công Thành gồm tượng tròn và điêu khắc tấm kim loại mỏng . Trong ảnh là một góc trưng bày tác phẩm tại tư gia của Lê Công Thành - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Lê Công Thành có một sự nghiệp điêu khắc đồ sộ và phong cách sáng tác độc lập. Xét về thời gian, sáng tác của ông có thể chia làm hai giai đoạn: Trước và sau 1985. Trước năm 1985, mặc dù vẫn sáng tác dưới những đề tài chính của nền nghệ thuật Hiện thực XHCN như công-nông-binh hay hình tượng Hồ Chí Minh,

Sau năm 1985, nhà điêu khắc Lê Công Thành chỉ tập trung chủ yếu vào mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ cho ra đời hàng loạt tác phẩm tượng tròn có kích thước nhỏ với ngôn ngữ sáng tác khái quát triệt để và có tính ước lệ cao. Ông cũng quan tâm nhiều hơn tới điêu khắc trong không gian và thử nghiệm với điêu khắc tấm mỏng với kết cấu kim loại hoặc bìa carton và dây căng.

Về thể loại, điêu khắc của Lê Công Thành có thể chia thành hai mảng lớn: tượng tròn và điêu khắc tấm kim loại mỏng.

Mảng tượng tròn của Lê Công Thành mang đậm tính phồn thực và tính duy mỹ, ngôn ngữ mạnh mẽ và sống động, hình khối khái quát, đơn giản, nhấn mạnh đến tính vật chất trong khối điêu khắc lý tính, biểu đạt sự uyển chuyển của hình khối.

Một ngày buồn, vĩnh biệt nhà điêu khắc Lê Công Thành - Ảnh 5.

Triển lãm 3. 3. 3 của Lê Công Thành tại Heritage Space năm 2018 - Ảnh: HERITAGE SPACE

Trong khi đó, điêu khắc tấm mỏng của ông lại đặc trưng bởi tính duy lý, ngôn ngữ tạo hình mang tính ước lệ và tính biểu tượng cao, quan tâm nhiều đến cấu trúc không gian lý tính, hình khối cắt lát thành mặt phẳng lớn.

Ông là tác giả của một số tượng đài nổi tiếng như Tượng Mẹ Âu Cơ (hay Người đàn bà và bọc trứng) tại Công viên Biển Đông (đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng), tượng đài tại Núi Thành, Quảng Nam…

Ông từng tham gia một số triển lãm tại Hong Kong (1991), Pháp (1997 và 2004), Hàn Quốc (2007), triển lãm với nhà điêu khắc Nguyễn Kim Thái (vợ của ông) năm 2008 và hai triển lãm tranh cá nhân 2017, 2018 tại Hà Nội.

Hôm nay, gia đình nhà điêu khắc Lê Công Thành đã đăng cáo phó cho biết, điêu khắc gia Lê Công Thành sinh ngày 1-2-1932 đã mất vào 13h ngày 28-3-2019, hưởng thọ 87 tuổi.

Lễ viếng nhà điêu khắc Lê Công Thành sẽ được cử hành vào 13h ngày 30-3 tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Lê Thánh Tông, Hà Nội).

Lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 14h45 cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.

Điêu khắc gia Đinh Rú: một tâm hồn đại ngàn đã qua đời

TTO - Sau một thời gian lâm bệnh, điêu khắc gia Đinh Rú đã về với núi rừng lúc 5h sáng 4-4-2017 tại bệnh viện 115 (TP.HCM).


THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp