02/04/2017 09:46 GMT+7

Một năm chưa trọn của bà Aung San Suu Kyi

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Sau chiến thắng mang tính biểu tượng cho tiến trình dân chủ ở Myanmar là những áp lực lớn lao về nhiều khía cạnh. Thậm chí, bà Aung San Suu Kyi còn bị kêu gọi từ chức.

Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi người dân ủng hộ, chung tay cùng chính quyền để thực hiện cải cách - Ảnh: Reuters
Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi người dân ủng hộ, chung tay cùng chính quyền để thực hiện cải cách - Ảnh: Reuters

Nhiều người trong nước vẫn tin tưởng bà Aung San Suu Kyi, mặc dù cũng có những người thất vọng

AUNG SHIN (biên tập viên Myanmar Times)

Hôm 1-4, cử tri Myanmar đã bỏ phiếu trong đợt bầu cử bổ sung đầu tiên kể từ khi Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng năm ngoái.

Thước đo cho lòng tin

Báo chí quốc tế đánh giá cuộc bầu cử bổ sung này không ảnh hưởng đến cán cân quyền lực tại Quốc hội Myanmar, vì Đảng NLD vẫn đang chiếm đa số.

Tuy nhiên, nó lại phần nào đem đến cơ hội để đo đếm lòng tin của người dân Myanmar đối với chính quyền, một phần cũng vì trước đây không có các cuộc bỏ phiếu công khai, theo Reuters.

Cuộc bầu cử bầu 19 vị trí, trong đó 9 ghế sẽ bổ sung vào Hạ viện, 3 ghế Thượng viện và phần còn lại là đại biểu của các bang, vùng thuộc những khu vực dân tộc thiểu số.

Một số ghế trước đây bị khuyết vì nhiều lý do, như các nghị sĩ được đưa vào nội các, một số người chết hoặc vốn dĩ trước giờ chưa được bổ nhiệm, theo AP.

Sau chiến thắng cùng Đảng NLD, bà Aung San Suu Kyi dù không được làm tổng thống theo luật pháp Myanmar, nhưng được hiểu ngầm là người sẽ dìu dắt đất nước này trên công cuộc cải cách, phát triển.

Tuy vậy, uy tín của nữ chính trị gia 71 tuổi đã bị ảnh hưởng đáng kể, liên quan chủ yếu tới hai vấn đề: xung đột giữa quân đội chính phủ với các nhóm thiểu số và sự phát triển kinh tế chưa khả quan.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-4, Aung Shin - biên tập viên tờ Myanmar Times (Yangon, Myanmar) - cho biết cuộc bầu cử bổ sung vừa qua không thu hút nhiều cử tri như kỳ vọng.

“Cuộc bầu cử bổ sung dù sao cũng sẽ là bài kiểm tra cho tiến trình dân chủ ở Myanmar, mặc dù lượng cử tri không nhiều như trước. Việc người dân ủng hộ chính quyền của Đảng NLD các đảng khác sẽ quyết định qua thùng phiếu” - ông Aung Shin nói.

Trong một phát biểu trên truyền hình đầu tuần trước, bà Aung San Suu Kyi thừa nhận bà hiểu được sự thất vọng của công chúng đối với tiến trình cải cách chậm chạp tại Myanmar.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng ưu tiên hiện tại là chấm dứt các cuộc xung đột với người thiểu số, vốn đã ngăn cản Myanmar phát triển nhiều năm.

Cần thêm thời gian

“Chúng tôi cần thể hiện rằng chính phủ đang làm việc vì người dân. Nhưng chúng tôi cũng cần sự ủng hộ từ người dân. Chúng ta cần nhau” - bà Aung San Suu Kyi nói trên truyền hình Myanmar phát sóng ngày 30-3.

Là một nữ chính trị gia bất khuất, người đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì dân chủ, không màng đến hạnh phúc riêng tư, bà Aung San Suu Kyi được người dân Myanmar đặt nhiều kỳ vọng cũng như tình cảm lớn lao.

Báo Anh Guardian ngày 31-3 viết rằng bà Aung San Suu Kyi là niềm hi vọng của Myanmar, nhưng hi vọng ấy đang khó sống tốt để bắt kịp kỳ vọng.

Trong khi đó, nói như tờ Straits Times (Singapore) thì kỳ vọng đặt vào chính quyền Đảng NLD đang “ở trên trời cao”.

Khi bà Aung San Suu Kyi mở ra thời kỳ dân chủ cho Myanmar, đó cũng là lúc các vấn đề nhân quyền liên quan trực tiếp tới các cuộc xung đột trong nước trở thành tâm điểm.

Cuộc khủng hoảng của cộng đồng người Rohingya theo đạo Hồi ở tiểu bang Rakhine khiến hàng chục ngàn người tháo chạy, mất nhà cửa, bị bắn chết... đã khiến bà Aung San Suu Kyi, người từng đoạt giải Nobel hòa bình, nay bị đặt dấu hỏi về nhân quyền.

Cũng trong lần phát biểu trên truyền hình ngày 30-3, bà Aung San Suu Kyi thừa nhận áp lực, thẳng thắn đối diện vấn đề nhưng khẳng định dân chủ không phải một phép mầu chữa mọi loại bệnh ngay lập tức. Nó cũng cần thời gian.

“Khi tôi bước vào chính trường, tôi nói ‘Tôi hứa một điều, rằng tôi sẽ làm hết sức’. Đó là tất cả. Tôi không thể làm tốt hơn thế. Nếu bạn nghĩ tôi không đủ giỏi cho đất nước và người dân chúng ta, nếu ai đó có thể làm tốt hơn chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng từ chức.

Chúng tôi biết mình không thể đưa tiến trình đi đúng tốc độ như mọi người mong muốn... một năm không phải là quãng thời gian dài” - bà Aung San Suu Kyi phân trần.

* Aung Shin (biên tập viên tại báo Myanmar Times):

Thay đổi không dễ dàng

Ảnh hưởng quan trọng nhất mà chính phủ của bà Aung San Suu Kyi tạo ra là sự thay đổi trong đất nước Myanmar, và khiến tất cả mọi người hiểu được sự thay đổi ấy khó khăn như thế nào.

Dĩ nhiên chỉ trong một năm, tất cả những thứ đạt được đều thấp hơn so với kỳ vọng của người dân. Thậm chí họ còn nghĩ rằng chính quyền Suu Kyi không thể làm được những điều họ đã kỳ vọng.

Nhưng ít ra người dân bắt đầu hiểu và chấp nhận được rằng sự thay đổi không hề dễ dàng hay đơn giản như vậy. Đất nước Myanmar đã bị cô lập trong gần năm thập kỷ.

Bà Aung San Suu Kyi vì thế sẽ đối diện rất nhiều thách thức khác nhau. Một trong số đó là việc đàm phán hòa bình với các tổ chức vũ trang dân tộc thiểu số và vấn đề người Rohingya ở Rakhine.

Thêm vào đó, nhiệm vụ rất cấp thiết là phát triển kinh tế tại một quốc gia vốn dĩ nổi tiếng với nạn tham nhũng. Bà Aung San Suu Kyi chắc chắn sẽ bận rộn hơn bao giờ hết, dù có thành công hay thất bại.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp