07/02/2018 19:15 GMT+7

Một lần 'bị' ăn Tết Sài Gòn, tôi đã thấy gì?

CHUNG THANH HUY
CHUNG THANH HUY

TTO - Sài gòn mở rộng vòng tay chở che người tứ xứ đến đây học tập, mưu sinh hay để tìm một cơ hội đổi đời. Vậy mà mỗi dịp năm hết Tết đến, ai nấy cứ lũ lượt rời xa nơi này như thể càng nhanh càng tốt vậy đó.

Một lần bị ăn Tết Sài Gòn, tôi đã thấy gì? - Ảnh 1.

Ừ vì người ta nói ngày Tết Sài Gòn buồn lắm, thậm chí làm gì có Tết ở đất Sài Gòn này.

Không riêng gì họ, mà ngay cả tôi cũng từng suy nghĩ như vậy dù mảnh đất này là quê của Má tôi, giờ lại là nơi chôn nhau, cắt rốn của thằng nhóc con tôi. Từ hồi đi học, tới lúc đi làm, thậm chí có gia đình rồi tôi vẫn cứ canh me buổi thi vừa xong hoặc ngày làm cuối cùng ở cơ quan vừa kết thúc là ra thẳng bến xe mua vé để mà vọt lẹ về quê ăn Tết. 

Vậy mà tất cả những suy nghĩ của tôi đã đổi khác nhiều nhờ một lần "bị" ở lại Sài Gòn vào những ngày Tết.

Lần đó, con trai tôi vừa chào đời chừng hơn một tháng. Nhìn cái cảnh vợ và con trai vẫn còn yếu ớt sau kỳ sinh nở lại thêm quê tôi năm đó vẫn còn lạnh lắm, chúng tôi đã quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết trong cái tâm thế chẳng lấy gì làm vui. Đó là một quyết định khó khăn của cả hai vợ chồng sau một thời gian đắn đo suy nghĩ.

Dù đã cân nhắc kỹ lưỡng vậy mà tới lúc những người hàng xóm gõ cửa chúc Tết sớm để về quê, nghe tiếng kéo vali, tiếng cười nói rộn rã, háo hức sắp được về quê càng làm cho vợ chồng tôi như thêm nao núng. 

Những ngày giáp Tết, nhìn những căn hộ gần bên với 2, 3 lớp khoá cửa, nhìn hành lang chung cư im ắng lạ thường vợ chồng tôi lại thì thầm tự hỏi mình đã quyết định đúng hay sai khi năm nay ăn Tết ở Sài Gòn? 

Rồi lại an ủi nhau, ừ thì dù đúng dù sai thì cũng đã muộn rồi, một lần ăn Tết Sài Gòn cho biết với người ta. Giờ phút này tìm cho được tấm vé xe về quê cũng giống như hái sao trên trời vậy thì làm sao dám mơ đến một chỗ bình yên trên máy bay hay tàu lửa. 

Trong trí tưởng tượng của vợ chồng tôi 3 ngày Tết cũng chỉ hai việc chính là ăn với ngủ vì bạn bè, đồng nghiệp cũng đã rời Sài Gòn từ lâu, mà cũng không thể đi đâu chơi vì con còn nhỏ quá.  

Bất ngờ, sáng sớm 29 Tết có người gõ cửa nhà. Đó là bác Mười tổ trưởng khu phố đến những căn hộ ở lại đón Tết mời gọi mọi người cùng đóng góp và tham gia gói bánh đón Tết. 

Trong lúc vợ chồng tôi còn chưa hết ngạc nhiên về chuyện gói bánh thì bác cười xuề xoà: "Tụi con năm nào cũng về quê nên hổng biết chớ Tết ở đây cũng nhiều cái vui lắm đó con!"

Ngay bữa chiều đó, nhờ tài kêu gọi, nối kết của bác Mười mà mọi người tập trung ở sảnh chung cư đông vui như mở hội. Chung cư có 4 tầng, mỗi tầng có khoảng 10 hộ ở lại ăn Tết, thành ra cũng trên dưới 40 gia đình chớ đâu có ít. Chỗ này ướp thịt, chỗ kia lau lá, chẻ lạt, gốc kia ngâm nếp, đãi đậu. 

Cái không khí rộn ràng làm tôi cứ tưởng đang ở gói bánh ở quê nhà chiều 30 Tết vậy. Chung cư gói cả bánh chưng lẫn bánh tét vì cư dân ở đây hầu như miền nào cũng có. Ngoài số bánh do các gia đình đăng ký trước, chung cư còn gói thêm ra đâu chừng năm sáu chục đòn bánh tét nhỏ hơn mà theo lời bác Mười là để dành tặng những người không có Tết ở xung quanh đây. Cũng vì vậy mà phải gói sớm hơn 1 ngày mới kịp mang tới chỗ này chỗ nọ trước giờ giao thừa. 

Cũng nhờ ngồi lại gói bánh cuối năm mà những người trong cùng một chung cư mới có dịp biết rõ nhau hơn chớ thường ngày chỉ kịp gật đầu chào nhau lúc chờ thang máy hoặc trong bãi xe. 

Có những sinh viên tranh thủ ở lại làm Tết để sang năm có tiền đóng học phí. Là những cô công nhân may ở lại thành phố để tiết kiệm vài triệu bạc gửi về cho cái Tết quê được thêm đủ đầy. Là những đôi vợ chồng trung niên vừa ăn Tết vừa coi nhà cho con cháu đi du lịch xa. Và hình như lầu nào cũng có vài gia đình trẻ có con nhỏ nên lần đầu tiên ăn Tết ở Sài Gòn như vợ chồng tôi.

Ngồi chờ bánh chín bên mấy cái bếp lửa trước sân chung cư cũng là dịp mọi người chuyện trò rôm rả. Kể cho nhau nghe về những cái Tết ở nơi mình đã ra đi. Mỗi người mỗi quê, mỗi người mỗi giọng trong buổi tối cuối năm giữa đất Sài Gòn, tôi như càng thấy yêu hơn cái mảnh đất hào sảng, trù phú này. Một miền đất lành cứ mãi dang tay đón nhận, chở che hết thảy mọi người mà chẳng cần quan tâm người đó là ai, đến đây từ vùng, miền nào.

Ngày 30, nhà nào cũng tất bật mâm cơm rước ông bà về ăn Tết. Mùi hương trầm lan tỏa khắp lối đi chung thật linh thiêng, ấm áp. Buổi tối hôm đó mấy bác có tuổi trong chung cư tự nguyện ở nhà giữ trẻ để các gia đình trẻ chúng tôi được dịp tung tăng dạo phố, ngắm Xuân luôn tiện mang những đòn bánh tét đi chia sẻ với mọi người.

Sài Gòn của những ngày cuối năm là dòng người ngược xuôi tất bật ngày, đêm huyên náo. Trời đã tối mịt nhưng mấy chỗ họp chợ thì đèn đuốc sáng trưng. Ai nấy cũng ráng làm cho xong những gì còn dở dang chứ không để cái tồn đọng đó dây dưa sang năm mới. 

Những nét ưu tư, lắng lo cứ hằn sâu trên gương mặt của người bán, kẻ mua trong phiên chợ sau cùng của năm cũ. Người không dư dả, bận bịu quanh năm thường mới đi chợ giờ này nên ai nấy cũng vội vàng, tất bật. Người bán cũng chẳng khá hơn nên mới nán đến giờ chót mong kiếm thêm đồng quà, tấm bánh cho đám cháu con đang ngóng đợi ở nhà.

Đêm 30, với những đòn bánh tét trên tay, rong ruổi trên những con đường quen thuộc tôi như được gần gũi, biết cảm thông hơn với những mảnh đời không hề biết Tết. Mới thấy hết những nhọc nhằn mưu sinh trong đêm cuối cùng của năm cũ. 

Rồi thì giây phút giao thừa cũng tới, vợ chồng tôi cùng thắp nén hương xuân tạ ơn Đất Trời với những gì mình đang có và cầu mong một mùa Xuân vui tươi, một năm mới may mắn, thành đạt đến với mọi người.

Ngày đầu tiên của năm mới. Trong cái nắng vàng tươi, thấy Sài Gòn tinh tươm như mới, Trên mỗi con đường, từng góc phố vắng lặng, bình yên đến dịu kỳ. Một Sài Gòn vừa lạ lẫm mà cũng rất đỗi thân quen. Chung cư lại rộn rã những bước chân, những lời chúc Tết của hàng xóm láng giềng dành cho nhau. Con gái tôi tuy còn ẵm ngửa nhưng cũng ngập tràn bao đỏ lì xì của ông bà, các bác, cô chú ở chung cư.

Trưa mùng một là bữa tiệc đầu năm có một không hai mà tôi từng được biết tới. Bàn ghế trải dài ngoài hành lang chung cư. Nhà ai có món gì ngon cứ mang góp vào. Chúng tôi gọi vui đó là bữa tiệc ẩm thực ba miền. Mà có sai đâu, trên mâm có món thịt đông miền Bắc, thịt ngâm nước mắm miền Trung đặt bên cạnh tô canh khổ qua của miền Nam. Bánh tét, bánh chưng, bánh tổ, bánh in thứ nào cũng có. Ai cũng muốn đem cái Tết quê của riêng mình về giữa mà góp lại làm thành cái Tết của Sài Gòn.

Ba ngày Tết rồi cũng qua, những người hàng xóm của tôi cũng bắt đầu trở về để chuẩn bị hành trình của năm mới. Và vợ chồng tôi tiếp tục nhận được những lời chúc Xuân cùng những món quà thấm đượm tình quê với lý do đã coi chừng nhà cửa giúp họ trong mấy ngày Tết.

Cảm ơn cái Tết Sài Gòn đã cho tôi những trải nghiệm khó quên về một mùa Xuân nghĩa tình, ấm áp ..

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected] Thông tin bạn đọc, số tài khoản.. xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!


CHUNG THANH HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp