Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khi họ cùng phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 28-6-2022 - Ảnh: Reuters
Hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm nay được coi là cột mốc quan trọng, đánh dấu "sự chuyển biến" của định chế quân sự này ở cấu trúc, tầm nhìn chiến lược và các vấn đề quan tâm sẽ không chỉ còn giới hạn ở hai bờ Đại Tây Dương.
Cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 28 đến 30-6 tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha không chỉ có 30 lãnh đạo các nước thành viên NATO, mà còn có đại diện của các nước hiện không phải thành viên như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand cùng Phần Lan và Thụy Điển.
Châu Âu muốn dẫn dắt NATO
Trong bài phát biểu tại tổng hành dinh NATO trước hội nghị, Tổng thư ký Stoltenberg nói việc hỗ trợ Ukraine chỉ là mục tiêu ngắn hạn của liên minh quân sự. Ông nói: "Tôi kỳ vọng (hội nghị thượng đỉnh) sẽ làm rõ rằng các đồng minh coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của chúng tôi. Nhưng sâu rộng hơn là một Khái niệm chiến lược mới cho liên minh sẽ dẫn dắt các quốc gia trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược".
Do đó, ngoài việc tái khẳng định sự ủng hộ của NATO với Ukraine, cũng như tăng cường hỗ trợ quân sự cho các nước Đông Âu, hội nghị cũng sẽ bàn về việc đảm nhiệm vai trò lớn hơn của các quốc gia châu Âu trong các vấn đề liên quan đến an ninh châu lục.
Hiện NATO chỉ có Mỹ và Canada là hai nước ngoài châu Âu trong tổng số 30 thành viên, nhưng Mỹ lại đã và đang đảm nhiệm vai trò chính yếu trong các hoạt động quân sự cũng như sứ mệnh NATO tại "lục địa già". Xung đột tại Ukraine đã khiến các lãnh đạo châu Âu thấy rằng họ phải đóng góp nhiều hơn cho liên minh và an ninh châu Âu, cũng như đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong các cuộc khủng hoảng an ninh trong tương lai.
Khái niệm chiến lược mới cũng đòi hỏi các nước thành viên NATO phải tăng ngân sách quốc phòng. Năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu. Tổng thư ký Stoltenberg cho biết: "Vào cuối năm nay, họ sẽ đầu tư thêm hơn 350 tỉ USD kể từ khi chúng tôi đồng ý với cam kết đầu tư quốc phòng vào năm 2014".
Cam kết này tương phản với sự trì trệ trước đây của châu Âu trong chi tiêu quốc phòng khi họ vẫn dựa dẫm vào Mỹ. Theo Viện nghiên cứu Brookings, trong 20 năm qua, tỉ lệ phần trăm gia tăng trong chi tiêu quốc phòng tổng hợp của các nước thành viên EU ít hơn Mỹ 3 lần, ít hơn Nga 15 lần và ít hơn Trung Quốc 30 lần.
Ông Stoltenberg cho rằng mục tiêu chi phí quốc phòng chiếm 2% GDP của các nước thành viên NATO ngày càng được coi là mức sàn chứ không phải là mức trần trước những thách thức mới. Ông nói: "Chúng tôi cũng sẽ đồng ý đầu tư nhiều hơn vào NATO vì lợi ích an ninh của mình".
NATO muốn đối phó Nga, Trung
Việc mở rộng cấu trúc châu Âu cũng là một vấn đề lớn của NATO tại hội nghị. Chỉ chưa đầy ba tháng sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga, Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ vai trò trung lập để nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18-5. Hai nước này dù đã liên kết đối tác chặt chẽ với NATO trong nhiều năm nhưng vẫn quyết định gia nhập khối để được kích hoạt hiệp ước phòng thủ tập thể.
Hồi tuần trước, Hàn Quốc thông báo kế hoạch thành lập một phái đoàn ngoại giao tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác với tổ chức này và giúp Hàn Quốc đóng vai trò lớn hơn trên toàn cầu. Ngoài ra, Seoul cũng muốn NATO chú ý tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi đó, Nhật Bản không chỉ e ngại Nga, quốc gia có chung đường biên giới trên biển cũng như những tranh chấp chưa giải quyết ở quần đảo Kuril, mà còn lo lắng trước chính sách quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, nước tuyên bố có quan hệ "không giới hạn" với Nga.
Trong khi đó Úc và New Zealand lại muốn hạn chế tham vọng an ninh và thương mại của Trung Quốc ở các quốc gia quần đảo Thái Bình Dương, khu vực mà Canberra và Wellington coi là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của họ. Gần đây, việc Trung Quốc có thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon tạo nên mối lo về "quân sự hóa" Thái Bình Dương với khả năng Trung Quốc thiết lập các căn cứ hải quân.
Dù cho tham vọng mở rộng của NATO tới đâu nhưng rõ ràng lợi ích an ninh của NATO ngày càng gắn chặt với những biến chuyển an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự gắn kết giữa Trung Quốc và Nga đã khiến NATO thấy rằng mối quan tâm của họ không chỉ còn giới hạn ở hai bờ Đại Tây Dương nữa.
Khái niệm chiến lược mới của NATO không đồng nghĩa với chiến tranh lạnh mới nhưng báo hiệu các quốc gia đồng chí hướng này sẽ gắn kết với nhau hơn trong thời gian tới.
NATO xác lập chiến lược mới
30 nước NATO dự kiến công bố Khái niệm chiến lược mới ở hội nghị thượng đỉnh tại Madrid để đối phó với những thay đổi về các mối đe dọa an ninh toàn cầu. Đó là sự gia tăng ảnh hưởng cũng như thách thức an ninh của Trung Quốc, chiến tranh mạng, chiến tranh hỗn hợp và biến đổi khí hậu. Đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh sẽ được đề cập trong Khái niệm chiến lược mới như là một trong những nhân tố có thể gây thách thức với an ninh NATO trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận