21/12/2017 20:33 GMT+7

Một khi bạn biết mua sách ắt hẳn bạn là người biết đọc sách

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TTO - Trên Facebook của những người yêu sách, thỉnh thoảng lại thấy chia sẻ hình ảnh "bọn Tây đọc sách". Ngoài bãi biển, trên xe buýt, ở nhà ga, trên tàu điện ngầm...; đâu đâu cũng thấy họ cầm sách đọc say sưa.

Một khi bạn biết mua sách ắt hẳn bạn là người biết đọc sách - Ảnh 1.

Không dễ bắt gặp hình ảnh người Việt tranh thủ đọc sách nơi công cộng, tại sân bay như hình ảnh quen thuộc của người phương Tây - Ảnh: ThoughtCo

Trong khi đó, hình ảnh người Việt đọc sách ở nơi công cộng rất hiếm hoi, thay vào đó là đắm đuối trên màn hình smartphone. Điều gì đã xảy ra vậy? 

Tại sao người Việt không có thói quen đọc sách? Vì thấy sách chưa phải là một nhu cầu thiết yếu. Vì không có thời gian. Vì không có tâm trạng đọc. Vì không có tiền mua sách. Vì không có nhiều sách hay để đọc. Vân vân và vân vân. 

Câu trả lời nào nghe cũng có lý cả. Nhưng ngay cả khi có thời gian và có một không gian lý tưởng để đọc sách, vẫn không thấy mấy người... chịu đọc.

Tại sao không đọc sách, trong khi ai cũng biết và thừa nhận lợi ích của việc đọc sách?! Nhiều lần quan sát và thử lý giải cho điều này, tôi thấy một điều khá rõ ràng rằng: người Việt chưa có thói quen mua sách (!). 

Là một tác giả, tôi xin thú nhận một thực tế: cứ mỗi lần in một cuốn sách, tôi phải dành gần một nửa tiền nhuận bút để mua lại sách và gửi tặng. Không phải vì bạn bè tôi không có tiền mua. 

Họ cũng thường nói: "Thôi đừng tặng, để đi mua ủng hộ tác giả". Nhưng tôi biết là họ rất dễ quên việc đó. Dường như đối với họ, cuộc sống có bao nhiêu thứ cấp thiết hơn là mua sách về đọc, dù là sách của bạn bè.

Nhưng với những người làm công việc chuyên môn chữ nghĩa, dường như họ cũng rất ít khi mua sách. Tôi có quen vài nhà phê bình văn học, mỗi khi thấy tôi ra sách họ nhắn tin gửi sách để họ đọc. Và thường là tôi... không gửi. 

Mới đây, ngồi với một nhà văn đàn anh, sau khi hỏi tôi về một số tác giả trẻ có nội lực thì anh ấy bảo: "Nói mấy đứa đó gửi sách cho anh đi". Tất nhiên là tôi không làm việc đó.

Nhiều năm qua, có rất nhiều chương trình đưa sách về nông thôn, nhiều tổ chức quyên góp tặng sách cho trẻ em nghèo. 

Nhưng thực tế văn hóa đọc vẫn chưa được cải thiện là mấy. Theo tôi, căn nguyên là chúng ta chưa có thói quen mua sách và thường là mua một cách ngẫu hứng. Việc đọc sách cũng thường vì tò mò, hoặc đọc... theo phong trào. 

Có người vài ba năm không cầm lên một cuốn sách, nhưng nghe có cuốn sách... bị thu hồi là phải lùng mua cho bằng được.

Nhưng nói đến đây thì thế nào cũng có người phản ứng: "Lo ăn lo mặc còn chưa xong thì lấy đâu mà mua sách". 

Vâng, chuyện "cơm áo gạo tiền" thì lo cho tới khi chết, có bao giờ là xong? Nhưng chẳng phải chúng ta đều xác quyết rằng sách là một món ăn tinh thần không thể thiếu hay sao? 

Ta bỏ ra rất nhiều tiền để mua các loại thực phẩm chức năng. Nhưng có một thứ "thực phẩm chức năng" chống xơ cứng tâm hồn một cách tuyệt vời, đó là sách, thì chúng ta lại quên béng đi mất. Ta không hề có kế hoạch chi tiêu cho sách.

Nếu bạn đồng ý sách là một "thực phẩm" quan trọng cần phải chi tiêu trong cuộc đời này, vậy thì hãy bỏ tiền ra mà mua sách đi. 

Khi bạn bỏ một số tiền dù là nhỏ nhoi từ sức lao động của mình để mua về một cuốn sách, chắc hẳn bạn sẽ muốn... ngấu nghiến nó. Đôi khi vì... tiếc tiền mà phải đọc. 

Tất nhiên, nếu đã bỏ tiền mua sách thì bạn phải mua những cuốn mà mình cần, mình thích.

Tôi tin rằng, một khi bạn biết mua sách ắt hẳn bạn là người biết đọc sách.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp