29/12/2013 08:41 GMT+7

Một đời trẻ thơ

trunguyen-audio
trunguyen-audio

TT - Hơn nửa thế kỷ sân khấu VN, nếu có một người mà khi nhắc đến tên hầu như không ai trách móc, oán giận thì đó là NSND Ðoàn Dũng.

Lạ một cái anh không phải loại người lành như đất, mà luôn ăn nói oang oang, thẳng thắn, đốp chát..., thậm chí nổ hơn đại bác trong tất cả các cuộc hội họp liên quan đến đời sống sân khấu, con người và thời đại.

CVa5tBZ5.jpg
Nsnd Đoàn Dũng - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ðã có nhiều nhà báo, nhiều đồng nghiệp viết về Ðoàn Dũng - một trong những diễn viên hàng đầu của nền kịch nghệ VN. Với thể loại kịch chính luận, bi kịch cổ điển (giống như dòng nhạc giao hưởng của sân khấu) thì cái bóng sừng sững của Ðoàn Dũng, Trọng Khôi... vẫn là một cái ngưỡng cho người ta vươn tới.

Không phải gánh hàng rong!

NSND Đoàn Dũng tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu VN khóa đầu tiên. Anh từng là phó giám đốc Nhà hát Kịch VN, hiệu trưởng Trường Điện ảnh VN tại TP.HCM, hiệu trưởng Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM. Được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đợt 4-1997. Đã đi nghiên cứu ở các nước Liên Xô, Đức, Trung Quốc, Úc, Pháp... về sân khấu, điện ảnh và công tác đào tạo.

Đoàn Dũng đã diễn xuất sắc trong các vở Một đêm dông tố của Carazian, Đêm đen, Nhân chứng và lịch sử, Người cha thô bạo, Người cầm súng, Những bông hoa anh túc... Trong vở Vụ án người đốt đền - một đỉnh cao của sân khấu kịch cổ điển, Đoàn Dũng đã biến hóa, nhấn nhá lời thoại, xử lý tiếng cười vô cùng phong phú, lúc thành tiếng lúc không. Anh đã khéo kết hợp nhuần nhuyễn những biểu hiện tâm lý chặt chẽ của sân khấu phương Tây và tính cách điệu, tượng trưng của sân khấu truyền thống trong việc xử lý đạo cụ. Những động tác cắn đồng xu gợi cho người xem cảm giác về cái thật giả, đỏ đen, gian manh, cơ hội, tham vọng, đê hèn, cờ bạc bịp... mà đến ngày nay vẫn là bài học về biểu diễn cho các nghệ sĩ trẻ.

Anh còn đóng các phim Biển lửa, Rừng O Thắm, Bức tường không xây, Ngõ hẹp, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Trong phim Thủ lĩnh áo nâu, Đoàn Dũng đóng vai Đề Thám. Ngay tại quê hương Yên Thế có tạc tượng cụ Đề, mọi người cứ tưởng bức tượng được làm từ nguyên mẫu nhân vật trên phim. Khi con gái cụ Đề Thám - bà Hoàng Thị Thế - về VN, bà cứ rưng rưng nắm chặt tay Đoàn Dũng mà bảo “Con ơi, trông con rất giống ông, giống cái thần của ông...”. Đó là một kỷ niệm thành công về điện ảnh mà anh không sao quên được.

Có lần tôi đùa anh: "Ông Ðoàn Dũng ơi, liệu ông có biết diễn hài cho các nhà hát bán vé?". Anh trợn mắt: "Ơ! Thế là bồ không biết tôi nổi danh từ vai hài ÐumitrátKê trong vở Một đêm dông tố của NSND - đạo diễn Ðình Quang năm 1964, rồi còn diễn nắc nẻ vai lý trưởng trong vở hài Nghêu sò ốc hến của NSND - đạo diễn Dương Ngọc Ðức... Nhưng nói thật, diễn hài kiểu thị trường chọc lét khán giả thì tôi chịu...". Tôi dồn anh: "Mấy bố cứ hay cao đạo, cứ tưởng trời sáng là do mình...". Anh thật thà: "Mình không coi thường sân khấu đại chúng. Nhưng như NSND - đạo diễn Nguyễn Ðình Nghi từng một thời trăn trở nếu chỉ có sân khấu đại chúng mà không có một nền sân khấu tiên phong chính thống thì sân khấu chúng ta cũng chỉ như những gánh hàng rong...".

Có một dạo, tôi từng là kẻ ngoại đạo duy nhất được mời ghế xúp trong buổi họp mặt của lớp diễn viên khóa 1 Trường Sân khấu - điện ảnh VN tại nhà anh Ðoàn Dũng ở Sài Gòn. Hôm đó chị vợ anh (cô giáo Thanh Ðương) thổi xôi đậu xanh và nấu bún riêu cua rất ngon. Trước hết là ngon ở ngữ cảnh. Bởi các ông bà này dù ăn đông ăn tây, nhưng chả có món gì ngon bằng gặm nhấm tình nghĩa một thời tươi đẹp. Nhìn họ chan húp xì xoạp mà phát thèm. Ðó là tấm chân tình cố hương và bạn bè nghệ sĩ với nhiều tiếc nuối tuổi xuân. Ðoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang, Trần Minh Ngọc, Nguyệt Ánh, Thế Anh... mày tao chi tớ, nói cười ha hả như sợ ai cướp lời. Lớp trẻ bây giờ có thể nhiều người không biết ngày ấy mấy ông bà này ghê gớm lắm.

Tôi nhớ có một lần chen chúc đi xem bóng đá ở sân vận động Hàng Ðẫy, Hà Nội. NSND Thế Anh (đang nổi như cồn sau vai trung úy Phương - phim Nổi gió) dẫn 4-5 cô đào Nhà hát Kịch VN đẹp như chim sa cá lặn bước đi ngời ngời giữa đường Trịnh Hoài Ðức. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà hàng trăm khán giả ngơ ngác, đắm đuối nhìn theo như họ vừa bước ra từ thế giới cổ tích. Cái hào quang nghệ thuật thời bấy giờ thánh thiện và đắm say lòng người một cách vô cùng trong trẻo. Tôi không bao giờ mơ có ngày được ngồi chung bàn với họ - những công chúa, hoàng tử lộng lẫy của một thánh đường phù hoa trong ánh mắt người đời. Và ở cái thời hoàng kim rực rỡ của sân khấu ấy, Ðoàn Dũng đã là một diễn viên vơđét trên sân khấu "nhà hát anh cả đỏ" - Nhà hát Kịch VN.

Một người bạn nghề - NSND, họa sĩ Doãn Châu từng dí dỏm khi tả về Ðoàn Dũng: "To béo, phục phịch, râu ria xồm xoàm, bề ngoài trông có dáng vẻ Trương Phi võ biền hơn là một nghệ sĩ, nhưng con người đó lại rất dễ xúc cảm. Ðôi khi rất mau nước mắt... Người đàn ông xù xì luôn đặt tình nghĩa, trọng chữ tín lên trên hết. Có lẽ cũng chính vì thế mà NSND Ðoàn Dũng đã tạo nên một hình ảnh và phẩm chất độc đáo của một nghệ sĩ sân khấu - điện ảnh đặc biệt từ đỉnh đầu đến tận ngón chân như chúng tôi vẫn thường đùa ông.

Ngay cả cái tên Ðoàn Dũng đâu phải do cha mẹ đặt cho. Tên thật của ông là Nguyễn Anh Dũng. Từ ngày còn cắp sách đi học ở Trường Ngô Sĩ Liên trên phố Hàm Long, cậu Dũng "bệu" của chúng ta đã rất khác người, đầy chất lãng mạn. Cậu sớm luyến ái thầm một cô bé kém mình một tuổi tên là Ðoàn Quế Hương. Thế rồi cuộc tình một chiều thầm lặng đó cũng chẳng đi đến đâu, vì đó chỉ là trò mơ mộng viển vông của tuổi học trò. Nhưng hình ảnh của cô bé Hương mãi vẩn vơ trong đầu Dũng "bệu", tới mức để ghi nhớ nó, người đàn ông xù xì đã ghép đôi tên mình và họ của cô bé năm xưa thành nghệ danh Ðoàn Dũng...".

Ha ha... Lấy tên một cô gái chưa từng được nắm tay ghép với tên mình thành nghệ danh thì đúng là ông Ðoàn Dũng lãng mạn như trong tiểu thuyết.

Ông hộ pháp... khóc nhè

"To béo, phục phịch, râu ria xồm xoàm, bề ngoài trông có dáng vẻ Trương Phi võ biền hơn là một nghệ sĩ, nhưng con người đó lại rất dễ xúc cảm. Đôi khi rất mau nước mắt..."

NSND, họa sĩ Doãn Châu

Năm tháng qua đi, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh Ðoàn Dũng ngày cha vợ tôi - nhà văn, nhà viết kịch Ngọc Linh - mất. Ðâu khoảng bốn, năm giờ sáng, khi nghe đạo diễn Doãn Hoàng Giang từ Hà Nội gọi vào báo tin, anh phóng ào xe đến, không một câu chào hỏi, run run giở tấm khăn còn đang đắp trên mặt người bạn nghề và khóc hu hu như đứa trẻ. Tôi cảm anh từ đó và tâm niệm có ngày sẽ đặt bút viết về người đàn ông này. Ðoàn Dũng sống rất thủy chung với nghề, với thầy, với bạn bè đồng nghiệp và gia đình. Nếu có một người bạn, một đồng nghiệp, hay một học trò chỉ cần thốt lên "anh Dũng ơi, hãy cứu tôi" thì anh luôn là người đầu tiên có mặt và xòe rộng đôi cánh như con đại bàng che chở. Buồn cười là nhiều khi anh không phải con đại bàng, gươm của anh rút ra chỉ là thanh gươm gỗ của chàng Ðông Ki Sốt... Anh chỉ có một tấm chân tình của người nghệ sĩ.

Với Ðoàn Dũng gần như không có khái niệm kẻ thù, ai anh cũng coi là bạn, cứ bỗ bã, chân thành trong mọi ngữ cảnh và mọi đối tượng mà anh quan hệ. Người ta biết nhiều về Ðoàn Dũng với tư cách là một diễn viên sân khấu - điện ảnh, một thầy hiệu trưởng khả kính của Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, nhưng ít ai biết Ðoàn Dũng làm thơ tình rất hay theo phong vị thơ Ðường. Và đặc biệt cái ông hộ pháp, râu ria xồm xoàm ấy lại rất hay... khóc nhè. Ðồng nghiệp có rất nhiều giai thoại về Ðoàn Dũng. Lâu không gặp thầy, gặp bạn, khóc. Nằm bệnh lâu ngày, xa sân khấu, nhớ, khóc. Nhận điện thoại của bạn, khóc. Tết nhớ thầy, nhớ bạn, khóc. Ðón Nhà hát Kịch VN vào diễn ở Sài Gòn, khóc. Vợ hiểu lầm, khóc... Và đặc biệt là tình cảm với Hà Nội. Hà Nội là tất cả những gì tốt đẹp của cuộc đời anh. Chỉ cần xem trên tivi thấy Hà Nội trở gió mùa là cũng đủ cả đêm anh trằn trọc, nhớ thương và... khóc.

Nhà văn Nguyễn Tuân khi sinh thời có lần nửa đùa nửa thật về khái niệm nghệ danh và chức danh. Ông bảo nghệ danh là người nghệ sĩ sống chết vì danh, còn chức danh là khi cái danh ăn theo cái chức. Ở cái tuổi ngoài thất thập, đúng là Ðoàn Dũng đã sống trọn đời mình bởi chữ danh của người nghệ sĩ. Trải qua biết bao vinh nhục với nghề, anh vẫn mang một tâm hồn và cách ứng xử rất trẻ thơ. Có lẽ tất cả sự sâu sắc, bản lĩnh anh dồn hết cho các vai diễn của mình và tâm huyết đào tạo, dạy dỗ cho biết bao tài năng trẻ. Gần đây anh luôn xưng hô với tôi "bồ thế này, bồ thế kia...". Tôi cảm thấy vinh hạnh được anh coi là bạn tri âm, bởi anh lớn hơn tôi bằng khoảng tuổi trăng tròn thiếu nữ. Dân nghệ sĩ chúng tôi nhiều khi hơi cổ quái, tôi chơi rất thân với những người bạn tâm giao của bố vợ tôi như đạo diễn Văn Thơm, Doãn Hoàng Giang, Ðoàn Dũng, Thế Ngữ... và các ông ấy rất tự hào khi được chơi với bọn trẻ, bởi luôn tin mình còn trẻ. Ðời nghệ sĩ không có thứ bậc, quan cách mà trọng nhau về chữtình, nên chỉ thường kháo nhau thằng này chơi được, thằng kia chơi không được... mà thôi.

Tài năng mà không có nhân cách đôi khi trở thành tai họa. Nếu nói một câu ngắn gọn về Ðoàn Dũng, tôi không sợ bị đồng nghiệp cả nước chê trách, bắt bẻ, anh là một trong những người sống đẹp nhất, nghệ sĩ nhất trong giới nghệ sĩ...

LÊ CHÍ TRUNG

25tUCJ1w.jpgPhóng to
Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tâm không nặng!

Đoàn Dũng có một người thầy mà anh vô cùng yêu quý, kính trọng là GS-TS Đình Quang. Gần như năm nào lớp học trò già các anh, như NSND Đoàn Dũng, NSND Doãn Châu, NSND Thế Anh, họa sĩ hóa trang Xuân Chính... đều tổ chức cho vợ chồng thầy một chuyến du hí.

Về nghề nghiệp, thế hệ các anh đã được vinh danh, đã làm thầy thiên hạ, nhưng vẫn không quên người thầy đầu tiên của mình thì đó là điều thật đáng trân trọng. Cách đây ít ngày, tôi ngồi với thầy trò anh tại một quán ăn trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn. Sau vài chai bia, cụ Đình Quang gật gù bảo: “Sống như Đoàn Dũng có khi lại sướng. Tâm không nặng. Nó cứ mang tâm hồn trẻ thơ với đời và nghề...”.

trunguyen-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp