Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh hẳn nhiên từ mấy mươi năm nay đã có đến hàng ngàn tác phẩm - đủ các thể loại, trong và ngoài nước, phong phú chủ đề, phục vụ đủ đối tượng độc giả - thế nhưng cuộc đời và hành trình dài dặc đi từ bóng tối đến vĩ đại của Người vẫn còn là một kho tàng bí mật hấp dẫn nhiều thế hệ tác giả, độc giả.
Trong "khu rừng" tác phẩm ấy, "Theo dấu chân Người" - tập truyện ký của nhà văn Trình Quang Phú ra mắt cuối năm 2024 là một tác phẩm đặc biệt. Đặc biệt về thể loại, đặc biệt về nội dung, đặc biệt về tác giả.
Là truyện ký nên chất hư cấu chỉ là hương là hoa dẫn lối độc giả đến với những khối tư liệu, tài liệu đồ sộ mà tác giả đã dày công tìm kiếm, nghiên cứu, nghiền ngẫm để phục dựng lại 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - anh phụ bếp trên tàu vượt đại dương Văn Ba - nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.
Là ký nhưng cái tôi, chất tự sự của tác giả hòa tan vào niềm kính ngưỡng với từng dấu chân nhân vật, nhường không gian cho độc giả được theo dõi chặng đời học hỏi, làm việc, hoạt động, rèn luyện sôi nổi, kiên trì của Người - từ Pháp sang Anh sang Mỹ, trở thành nhà cách mạng quốc tế Nguyễn Ái Quốc thực thụ, chuyên nghiệp ở Liên Xô, Trung Quốc, Hong Kong, chuẩn bị những bước đệm vững chắc cho cả đội ngũ trước khi trở về Việt Nam.
Độc giả còn như được đối thoại với những suy tư, trăn trở của nhóm Ngũ Long - những nhà ái quốc đang mất nước, đi sâu tìm thấu khát vọng, lẽ sống chung và lựa chọn lý tưởng, con đường riêng của mỗi người.
Đọc xong tác phẩm, mỗi độc giả vừa ra khỏi cuộc hội ngộ với thời thanh xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại sẽ nảy ra mong muốn được gặp gỡ tác giả, bởi với nội dung đặc biệt về một nhân vật đặc biệt đến vậy, hẳn nhiên là còn nhiều điều cần phải biết ở ngoài trang sách.
* Chọn 30 năm bôn ba hải ngoại còn ẩn chứa nhiều bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ đề là một lựa chọn dũng cảm. Cơ duyên và cơ sở nào để ông dũng cảm và tự tin như vậy?
- Nhà văn Trình Quang Phú: Bác Hồ là thần tượng của cả thế hệ tôi. Từ khi là thiếu sinh quân miền Nam rồi được ra Bắc học tập, vinh dự gặp Bác nhiều lần trong quá trình học tập, công tác, kể cả làm việc trực tiếp với Người, mỗi lời Bác nói là một động lực to lớn cho tôi phấn đấu.
Trong chiến tranh, ngoài công tác chuyên môn thì tôi còn làm báo, và một chủ đề mà tôi đeo đuổi là tìm kiếm, viết những câu chuyện về Bác cho đồng bào miền Nam đọc. Từ đó, Hồ Chủ tịch trở thành nhân vật mà tôi luôn tìm hiểu trong suốt cả đời mình.
30 năm bôn ba của Bác đương nhiên là một đề tài rất hấp dẫn và rất khó, lúc đầu tôi chưa hề nghĩ mình có thể chạm đến.
Năm 1996, tác phẩm "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" tập hợp nhiều bài viết về Bác của tôi in lần đầu, tôi mang đến tặng chú Tô (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Chú nhận sách, bảo: "Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu khoảng đời Bác ở nước ngoài. 30 năm từ lúc Bác rời Sài Gòn đến ngày Bác về nước là cả một kho tàng quý báu đó…". Cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhắc nhở tôi như vậy.
Và từ đó đến nay cũng đã gần 30 năm tôi đến Pháp - Mỹ - Anh - Nga - Trung Quốc - Hong Kong rất nhiều lần để tìm tòi, sưu tập, nghiên cứu… hôm nay mới thực hiện được lời hứa với các vị tiền bối.
* Tuy nhiên, có một điều lấn cấn với độc giả là ông tái hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời thanh xuân của Người, nhưng từ đầu đến cuối ông dùng danh xưng "Bác Hồ", như thế có phải là không hợp logic với diễn tiến câu chuyện không? Sách kết thúc vào tháng 2-1941, khi đó danh xưng "Bác Hồ" chưa hề xuất hiện…
- Là nhà văn nên tôi rất hiểu cảm giác ấy của người đọc. Nhưng sự kính ngưỡng Bác trong tôi quá lớn nên dù tái hiện Bác trong lứa tuổi 20, 30 thì việc viết ra chữ "anh Ba, anh Thành, anh Quốc" vẫn là quá khó với tôi, viết rồi cảm thấy không phải với lòng mình nên lại xóa đi, viết chữ "Bác" vào đó mới yên lòng. Tôi mong độc giả hiểu cho điều đó.
Tôi có những kỷ niệm đi theo suốt đời: Cuối năm 1954, đang trong đội thiếu sinh quân liên khu 5 chuẩn bị tập kết, đơn vị tôi được đón Thiếu tướng Nguyễn Chánh, tư lệnh quân khu ghé thăm.
Ông thăm hỏi cả đội, và bất ngờ khen ngợi một vài người, trong đó có tôi. Ông tặng tôi một tấm hình Bác Hồ cắt ra từ báo Nhân Dân liên khu 5 bồi trên tấm bìa cứng.
Ảnh trên giấy báo chất lượng kém nhưng đó là lần đầu tôi được nhìn rõ mặt Bác, sung sướng lắm.
Tôi cất giữ, tự hào, ngày ngày lấy ra ngắm Bác. Khi xuống Quy Nhơn tập kết, một bà mẹ đến xoa đầu tôi: "Các con ra ngoài ấy được gặp Cụ Hồ, thưa với Cụ là bà con miền Nam mong gặp Cụ". Bà ước ao có được một tấm hình Cụ.
Tôi nghe xúc động nghẹn ngào và mang tấm hình quý báu của mình ra cho xem, bà ấp nó vào ngực, kể về con gái mình đã hy sinh. Tôi liền quyết định tặng bà tấm hình trong nước mắt của cả hai người.
Ra Hà Nội, dịp 2-9-1956, đơn vị tôi tham gia duyệt binh diễu hành mừng Quốc Khánh ở quảng trường Ba Đình. Khi đi ngang lễ đài có Bác, cả đoàn đi chậm lại, cả dừng lại để được ngắm Bác.
Bác vẫy tay nói lớn: "Các cháu miền Nam hãy đi tới, đi tới, đừng dừng lại". Một nhà văn miền Nam đã viết để nhắc chúng tôi đó là mệnh lệnh của Bác với miền Nam chuẩn bị cho cuộc kháng chiến mới.
Sau buổi lễ ấy, Bác đến thăm đoàn chúng tôi, tặng mỗi đứa mấy viên kẹo. Tất cả chúng tôi đều trân trọng để những viên kẹo ấy vào một chiếc hộp như kỷ vật quý báu, không ai nỡ ăn.
Năm sau, tôi đang học ở trường học sinh miền Nam. Một lần tôi nhặt được cây bút máy hiệu Anh Hùng rất đẹp và mang đến phòng thầy hiệu trưởng Dương Văn Diêu nhờ trả lại người mất.
Đơn giản vậy nhưng thầy Diêu đã báo cáo với Khu giáo dục học sinh miền Nam và khu báo cáo với Bác. Bác gửi tặng tôi huy hiệu và nhà trường long trọng tổ chức trao cho tôi kèm lời khen ngợi, khích lệ của Bác. Suốt cả tuần tôi đã treo tấm áo sơ mi được thầy cài huy hiệu ở đầu giường…
Sau này, tôi còn được gặp Bác trong công việc của tuổi trưởng thành, lần nào cũng cảm nhận được những bài học sâu sắc và cảm giác bồi hồi, thiêng liêng chưa bao giờ phai đi.
Tôi chiến đấu, vượt lên cái chết ở chiến trường bao lần, vượt qua được khó khăn thử thách trong công việc sau này cũng nhờ phần rất lớn vào tình cảm ấy, bài học ấy.
Với tôi, Bác bao giờ cũng là Bác, kể cả khi xuất hiện như một nhân vật văn học.
* Vâng, người đọc chắc cũng sẽ hiểu ngay thôi. Bù vào đó thì một điểm cộng lớn là ông đã tìm ra nhiều người bạn, đồng chí của Bác Hồ, trong đó nhiều người là nữ. Những trang kể về tình bạn này cũng rất trữ tình, hẳn là ông đã phải rất thận trọng? Dưới nhan đề truyện - ký, liệu có bao nhiêu phần trong tác phẩm này là hư cấu?
- Bác Hồ đối với tôi thiêng liêng như vậy, người đọc có thể yên tâm rằng những nhân vật, những sự kiện, những thời điểm, những hoạt động, những câu chuyện được tái hiện trong sách đều là có thật.
Tôi đã tìm đọc nghiên cứu, đối chiếu giữa hàng ngàn tư liệu, đã tìm gặp những người bạn, đồng chí hoạt động cùng Bác, đã đến những địa điểm Bác đi qua, trở đi trở lại những nơi Bác sống đúng trong tháng ấy, mùa ấy đến con đường ấy, vào căn phòng ấy để xem tuyết rơi, lá rụng, sông đóng băng, cảm nhận không khí, thời tiết, văn hóa, xã hội, phong tục, ẩm thực của từng vùng, từng thành phố, từng khu vực.
Thậm chí, có một số chi tiết trong các tư liệu được coi như chính thức từ trước đến nay nhưng khi đối chiếu lại tôi thấy không chính xác, tôi cũng đã chỉnh sửa lại trong sách của mình…
Từ đó mà tôi mường tượng lại 100 năm trước Người đã đi lại, làm việc, học tập, quan hệ bạn bè, đồng chí, bồi đắp lý tưởng, tránh sự truy lùng của cảnh sát như thế nào để cuối cùng xây dựng được một tổ chức vĩ đại để đi tới đích…
Trước khi rời Việt Nam lên tàu Latouche Tréville, Bác đã từng có người yêu, là cô Huệ - một miền nhớ dịu dàng trong đời Bác, bông huệ trắng sau này Bác luôn đặt bên bàn.
Đời hoạt động sau này, Bác còn gặp nhiều cô gái khác, nhiều nữ đồng chí, và là một thanh niên điển trai, thông minh, nho nhã, tinh tế, nhiệt huyết, đầy lý tưởng, dĩ nhiên Bác được nhiều người dành tình cảm. Còn có một nữ giáo sư sử học người Mỹ sau nhiều năm tìm hiểu và viết sách về Bác đã tuyên bố: nếu được sống cùng thời, nhất định tôi sẽ yêu và theo đuổi bằng được Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Cuộc đời chìm nổi được nhiều phụ nữ quan tâm như thế, nhưng Người đã từ chối tất cả, giữ mối tình đầu lặng lẽ một góc trái tim, để dành toàn bộ tâm huyết, thời gian của đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những trang viết của tôi có sự hư cấu trong đối thoại giữa các nhân vật, nhưng dựa trên sự thật là như vậy.
* Tuy vậy, là một người đọc, tôi vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc rất lớn trong tác phẩm, hạnh phúc của nhân vật, của tác giả…
- Đúng vậy, bao năm theo dấu chân Người, tôi rất xúc động, rất hạnh phúc khi đi đến bất kỳ nước nào, dù thể chế chính trị nào, cũng đều cảm nhận được rất rõ sự trân trọng, yêu quý Bác từ người dân cho đến những chuyên gia, những nhà hoạt động chính trị.
Từng dấu tích nơi Bác từng sống, làm việc dù chỉ là một người thợ làm bánh ở Mỹ cũng được giữ gìn, ở Nga, Trung Quốc thì tất cả kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn.
Điều đó gây cho tôi nhiều xúc động, càng thôi thúc tôi tìm cách vượt qua những khoảng cách thời gian, thời đại, tìm lại người thanh niên tràn đầy lý tưởng năm xưa, đối thoại trong tâm tưởng với Người, và viết ra cùng bạn đọc.
Đọc sách, những sự kiện, hoạt động tư tưởng của Bác là từ tài liệu, tư liệu, còn những lời nói, suy nghĩ của Bác là từ mường tượng, suy ngẫm của tôi. Tôi viết ra trong niềm hạnh phúc được biết Bác, yêu Bác, hiểu Bác.
Tôi đã đến đã thử đã trải nghiệm để hiểu cái lạnh cái đói nỗi thiếu thốn, nhọc nhằn Bác đã trải; để yêu sự lựa chọn mà Bác đã chọn: tìm việc làm vừa đủ để sống và dành tâm sức - thời gian cho việc học hỏi và hoạt động vì độc lập dân tộc; để hiểu Bác đã thật sự được là chính mình như thế nào trong lựa chọn sống với lý tưởng gian lao ấy.
Bác đã kiên định đi từ những ngày đơn độc cho đến khi gặp được đồng chí, lập được đội ngũ. Hạnh phúc của Người, tôi cảm nhận được mà chưa thể truyền tải nổi, chỉ có thể chân thực viết ra và chờ độc giả cảm nhận.
Cây bút của tôi như bay lên khi viết về một ngày hè bên khu vực Thúy Hồ (Côn Minh, Trung Quốc), Bác nghe hai đồng chí từ Việt Nam sang tự giới thiệu: "Tôi là Phạm Văn Đồng. Tôi là Võ Nguyên Giáp…". Câu chuyện này tôi đã được nghe chú Tô, nghe Võ đại tướng nhắc kể nhiều lần.
Tôi đã trở lại hồ Điền Trì vào những ngày mùa hè ấy để ngắm cảnh sắc, ăn món lẩu nấm đặc sản bản địa từ quán ăn rất lâu năm bên hồ. Tôi tưởng tượng khi xưa Bác và những người đồng chí cũng đã cùng quây quần bên nồi lẩu nấm ấm áp, thanh lành với những ước vọng đẹp đẽ, lớn lao… Những thanh niên hoàn toàn "tay trắng" mà hạnh phúc biết bao.
Và cuối con đường, Người đã gặp dân tộc, gặp tất cả chúng ta để cùng nhau đi đến Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
* Và người đọc cũng thấy rất hạnh phúc khi qua trang sách như cũng được đi theo dấu chân thanh xuân của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, nhất là khi đường đi ấy được bảo đảm bởi một tác giả đặc biệt như ông, một giáo sư kinh tế từng là chiến sĩ - nhà báo trong chiến tranh, từng là chuyên viên đối ngoại của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, từng tham gia hỗ trợ hội nghị Paris, từng làm trợ lý cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ… Không biết ở tuổi 85, ông có còn tiếp tục theo đuổi đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Tôi học Người mỗi ngày, tìm hiểu về Người mỗi ngày. Khi phát hiện ra điều gì mới, tôi lại viết bài nghiên cứu khoa học để trình bày cho người đọc quan tâm. Ngay cả tập truyện ký này cũng đã hình thành từ những bài nghiên cứu, sau khi nhiều người đọc và nhận xét "viết kiểu nghiên cứu rất khô". Tôi đã tiếp thu và viết lại thành truyện ký.
Hạnh phúc của tôi là khi tác phẩm được độc giả đón nhận, có đời sống lâu dài với người đọc. Cuốn "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" tới nay đã được tái bản đến lần thứ 22, "Đường Bác Hồ đi cứu nước" tái bản lần thứ 18. "Theo dấu chân Người" ra đời mới 6 tháng đã tái bản lần thứ 4. Qua đây cũng thấy rõ rằng từ thế hệ này đến thế hệ sau, dân Việt Nam luôn yêu quý Bác và muốn tìm hiểu về Bác.
LTS: Theo dấu chân 30 năm bôn ba của Người - chàng thanh niên Văn Ba - nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, nhà văn Trình Quang Phú không chỉ tìm hiểu, thu thập, nghiên cứu những bước đường cách mạng.
Ông còn tìm gặp những người bạn, đồng chí, ngắm những cảnh sắc, nếm những món ăn cổ truyền để biết và hiểu được 100 năm trước, Bác Hồ đã sống, đã đi, đã thấy, đã cầm nắm, đã ăn, đã nói, đã nghĩ những gì...
Tuổi Trẻ Xuân Ất Tỵ xin trích đoạn tác phẩm "Theo dấu chân Người" của nhà văn Trình Quang Phú tái hiện những cái Tết thật là Tết, xuân thật là xuân của con đường ái quốc ấy.
Sau hơn 14 năm Bác mới được đón Tết trong không khí chan hòa với những thanh niên Việt Nam đầy nhuệ khí, nên dù nhiệt độ Quảng Châu xuống gần 0 độ và rất ẩm, rất rét nhưng Bác và mọi người vẫn thấy ấm áp với niềm tin về một tương lai phía trước của dân tộc.
Borodin mời Bác ăn mứt Tết, uống trà và bàn công việc đầu xuân. Bác tóm tắt công việc với Borodin: "Tôi đã chọn ra được 9 thanh niên ưu tú để lập ra nhóm trung kiên nòng cốt. Từ nhóm này, tôi kết nạp 5 đồng chí ưu tú nhất làm đảng viên cộng sản dự bị.
Tôi sẽ lập ra "Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội" rồi lan tỏa tổ chức này về Việt Nam, phát triển tổ chức ở các kỳ, các tỉnh và xuống cơ sở, mục đích là để phát động lòng yêu nước, tập hợp, chọn lựa thanh niên, làm cơ sở rèn luyện, tiến tới lập đảng cộng sản.
Sau khi có tổ chức này, tôi sẽ tiến hành mở lớp huấn luyện, đưa những thanh niên Việt Nam ưu tú qua đây học tập rồi đưa trở về Việt Nam.
Chúng tôi sẽ huấn luyện về đường lối cách mạng, về đảng cộng sản, về tư tưởng Lê Nin, về Liên Xô… đồng thời tập cho họ cách xây dựng tổ chức, biết làm báo, biết diễn thuyết, biết vận động quần chúng…".
Từ ngày rời Sài Gòn ra đi, đến xuân Đinh Mão năm 1927 là tròn 15 mùa xuân Bác xa nhà, 16 năm ở chân trời góc bể, ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp…
Và có thể nói, mùa xuân năm 1924 là thời điểm Bác được đón xuân trong bầu trời tự do, độc lập trên đất nước Xô viết, còn mùa xuân Đinh Mão năm 1927 là những ngày xuân Bác được đón Tết cùng 60 anh em nòng cốt của cách mạng.
Mùa xuân đó còn trong không khí tự do, độc lập dưới chế độ tam dân của Tôn Trung Sơn. Đó là những ngày xuân khai mở lớp đào tạo thứ ba cho cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc…
45 ngày trôi qua, khoá học hoàn thành, Quốc tế Cộng sản cử phái viên đến kiểm tra và khen ngợi. Ngày kết thúc khoá học cũng đúng ngày giáp Tết Đinh Mão.
Sau 15 cái Tết xa nhà, nay được quây quần giữa những người con cách mạng đầy nhiệt huyết của cả ba miền Bắc, Trung, Nam nên dù khí hậu Quảng Châu rét, rất rét thì bác và các anh chị em vẫn thấy ấm áp. Vẫn có hoa đào, bánh chưng xanh, dưa hành, thịt đông - những món ăn ngày Tết quê nhà.
Chiều ba mươi, mọi người quây quần trong phòng học để đón Tết. Mấy tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn, có làn điệu quan họ Bắc Ninh, có chèo Thái Bình, bài chòi khu 5, có cải lương Nam bộ với những giọng ca mộc mạc, chan chứa tình yêu cách mạng.
Kết thúc là tiết mục Táo quân do Hồ Tùng Mậu đóng vai Ngọc Hoàng. Sau những tờ sớ lên án bọn thực dân Pháp là những sớ về sự ngu xuẩn đến ngớ ngẩn của bọn tay sai. Lê Hồng Sơn pha trò làm mọi người cười đến chảy nước mắt. Bỗng "Ngọc Hoàng" Hồ Tùng Mậu nghiêm giọng:
- Những chuyện này ta nghe đầy tai. Bây giờ các táo cho ta biết các người sẽ làm sao để dẹp bọn bán nước?
- Dạ thưa Ngọc Hoàng, chúng con nhất trí đồng tâm đứng lên làm cách mạng ạ.
Ngọc Hoàng vuốt râu: - Tốt, nhưng nhớ lời ông Lê Nin, không có đảng tiên phong lãnh đạo thì không có cách mạng thành công, hiểu chưa?
Ngọc Hoàng quay qua mọi người: - Các ngươi có nhất trí không?
Tất cả vui vẻ vỗ tay hô to: - Nhất trí.
Bác đứng lên nói thêm: - Có quyết tâm không?
- Quyết tâm - Và không ai bảo ai, cả 60 con người của ba miền đất nước đều đứng dậy nắm chặt bàn tay giơ cao hô to: Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!
Bác giơ tay ra dấu mời mọi người ngồi xuống: Tốt, rất tốt, các chú biểu hiện rất tốt. Tôi nhắc thêm lời mà "Ngọc Hoàng" chưa nói, đó là Lê Nin dặn: thua hay thắng là ở mưu lược, quyết sách và quyết định của người lãnh đạo, người đứng đầu. Bây giờ ta khai xuân.
Đây là một ngày Tết đặc biệt, rất đặc biệt. Tôi chúc các chú sức khỏe, ý chí khoẻ, tâm thức khoẻ để làm cách mạng. Tôi mong mỗi chú ở đây sẽ trở thành hạt nhân, thành người lãnh đạo của đất nước và cho mỗi kỳ ở Việt Nam.
Nhân những ngày Tết náo nhiệt ở Hồng Kông, Bác đã triệu tập đại biểu ba đảng cộng sản trong nước (Đông Dương cộng sản đảng, An Nam cộng sản đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn) đến họp để bàn việc thống nhất tổ chức. Hội nghị khai mạc ngày mùng 5 Tết, tức 3-2-1030.
Hơn một tháng họp bàn thảo luận sôi nổi dưới hình thức những người du xuân ở công viên, ở sân bóng, ở khách sạn, quán ăn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập.
Tối đó, Bác tổ chức bữa tiệc nhỏ tại một quán ăn đường Tam Kung để mừng thành công của hội nghị thành lập Đảng. Mở đầu bữa tiệc, Bác nói: "Hôm nay ta ăn Tết, để mừng cũng là để chia tay.
Từ Tết đến nay mọi người đều tập trung vào hội nghị". Hội nghị diễn ra trong tiết xuân, hoa dương tử kinh nở tím cả chân đồi. Mọi người qua lại đón Xuân, chúc Tết rộn ràng, các đại biểu dự hội nghị cũng hòa vào dòng người ngược xuôi đó nên rất an toàn.
Tết Tân Tỵ 1941 đến trên đất Quảng Tây, đồng bào Nậm Quang trang trí nhà cửa, treo lồng đèn đỏ cùng các chữ đỏ đón năm mới cùng với hoa tết, cũng vạn thọ, cúc vàng như ở Việt Nam làm cho nỗi nôn nao giục giã về nước trong lòng Bác càng tăng lên.
Tối 29 Tết, Bác dẫn nhóm thanh niên đi xem địa phương tổ chức kịch Choang ở ngoài trời. Kịch Choang là một loại kịch dân gian được mọi người yêu thích, dân làng, già trẻ, trai gái nô nức kéo nhau đi xem. Con trai trong trang phục áo không cổ cài nút vải.
Con gái váy gấp nếp, áo ngắn viền hoa to ở cổ, chạy chéo qua khuôn ngực đầy, đầu đội khăn hoa quấn rất khéo có hai tai xoè hai bên rực rỡ như bông hoa nở trên đầu… Xem kịch Choang với anh em và bà con trong không khí đón xuân, Bác khen: "Loại hình nghệ thuật này độc đáo, kết hợp cả kịch, múa và ca cổ rất phong phú".
Sáng mùng một Tết, Bác cùng anh em đi chúc Tết theo phong tục người Choang. Lương y Đặng Văn Cáp chuẩn bị những đồng bạc tròn bọc trong giấy đỏ để Bác mừng người cao tuổi và kẹo lì xì cho các cháu bé.
Sau đó, ai ở nhà nào về chúc Tết nhà ấy và dự bữa cơm đầu năm. Người Choang nổi tiếng với món cơm nếp ngũ sắc và các loại cơm nếp nấu với bí đỏ, cơm nếp nấu với khoai lang, các loại bánh ăn với thịt lợn quay. Họ còn có món cơm trắng ăn với thịt kho truyền thống.
Đồng bào Choang rất hiếu khách, theo phong tục ngày đầu năm tiếp nhiều khách xa thì cả năm càng có nhiều lộc, nên họ rất vui mừng chào đón anh em Việt Nam. Anh em ta có anh phải đi chúc, ăn Tết uống rượu cả chục nhà trong ngày đầu năm.
Cuối chiều, Bác cho hội ý. Bác phân công anh Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và vài anh em nữa ở lại, trong đó có Phùng Nghĩa, người cận vệ trong suốt những tháng Bác ở Côn Minh. Bác dặn: "Tôi về nước, nhưng phía sau phải có hậu cứ. Các chú lo xây dựng cơ sở, chuẩn bị hậu cần và vũ khí. Có tiền tuyến phải có hậu phương"...
Sáng mùng Hai Tết, trong trang phục người Nùng, khuy cài bằng vải, khoác áo lông chồn, chào tạm biệt bà con Nậm Quang, cả nhóm lên đường. Sáng sớm, trời rét, sương mù phủ trắng, đoàn có các đồng chí: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Lộc, lương y Đặng Văn Cáp, anh Thế An từ Cao Bằng sang dẫn đường.
Thế An đi trước, dừng lại nhắc Bác: Sương mù dày quá, cụ chú ý dễ vấp.
- Ừ - Bác nói cho mọi người cùng nghe - Người sau theo chân người trước. Trời che giữ bí mật cho ta đó.
Đi được vài tiếng đồng hồ trong sương mù dày đặc như đi trong mây, Bác cho cả đoàn dừng chân ăn sáng. Thế An giở gói mo cau đựng món cơm nếp ngũ sắc và gói thịt lợn quay của đồng bào tặng. Ăn xong, mọi người uống nước trong các ống bương lấy lộc đầu năm mang theo. Ai cũng thỏa thuê. Bác nói vui: "Tết vẫn theo ta".
Mặt trời lên, sương mù tan bớt, mới hay cả đoàn đang ngồi ở đồng trống không. Mọi người nhìn nhau ngỡ ngàng giật mình. Bác nói "Phải đi nhanh, không ở giữa đồng trống thế này được", Thế An vội dẫn cả đoàn đi vào chân núi.
Lên dốc, xuống dốc, trên tay cầm một cây gậy tre nhưng Bác đi thoăn thoắt không chống, chỉ khi xuống dốc Bác mới chống. Người giải thích: "Mọi người cứ sợ lên dốc, nhưng thực ra khi xuống dốc mới dễ chùn chân, dễ ngã".
Lên dốc, xuống dốc, lại lên dốc, cả đoàn phải vượt qua sườn núi lởm chởm, hàng lau ngả màu nâu đứng thẳng rung rinh trước gió như chào Bác. Một cây si to sum suê hiện ra trước mặt. Thấy cây có bóng mát, mọi người định xin Bác nghỉ chân thì anh Lê Quảng Ba bước tới reo to: "Cây mậy rẩy đây rồi, sắp đến rồi, đến bia giáp ranh rồi".
Một cột mốc biên giới bằng đá hiện ra. Bác bước đến, dừng lại, xúc động đặt tay lên bia đá, rồi Bác quỳ xuống đặt cả hai tay xuống nền cỏ xanh trên đất im lặng mấy giây như muốn nói với giang sơn đất trời Bác đã về đến Tổ quốc Việt Nam yêu dấu sau 30 năm đi vòng quanh thế giới.
Người cúi khom đọc những dòng bằng chữ Trung Quốc và chữ Pháp ở hai mặt tấm bia đá. Dòng tiếng Pháp ghi: "Biên giới Trung Hoa - An Nam 108". Tiếng Hoa có hai dòng: "Trung Quốc - Quảng Tây giáp giới; Công sức mở cõi phía tây số 108".
Bác khẽ dịch cho mọi người nghe rồi đứng lên nhìn về phía Nam núi non trùng điệp, lòng lâng lâng vui sướng. Không xa lắm, mấy bụi mận rừng đang nở hoa trắng xoá, có cả hoa đào và một mùi thơm thoang thoảng theo gió đưa đến. Bác hỏi: "Hoa gì thơm vậy?". Thế An trả lời: "Thưa, hoa bjooc, chỉ có ở vùng này thôi ạ".
Xuống núi một lúc thì gặp một hồ nước nhỏ, mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra, và từ đây tạo thành dòng suối lượn theo chân núi chảy xuống làng. Bác đưa tay khoát nước rửa mặt, mọi người làm theo, ai cũng khen nước trong và sạch.
- Ở đây là đầu nguồn của suối, tiếng Tày gọi là Pác Bó ạ - Thế An thưa.
- À, Pác Bó, đầu nguồn - Bác nhắc lại - Các chú có thấy duyên trời định không? Ta về đúng đầu nguồn. Cách mạng nhất định sẽ từ đầu nguồn này mà lan tỏa nhanh…
-----------------------------------------------------------------------------
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận