Phóng to |
PGS.TS Dương Thanh Liêm |
* Người thư ký ngày trước của ông khẳng định chắc nịch rằng: “Nếu có một danh hiệu cao nhất nào dành cho thầy, chắc chắn không một ai phản đối”.
* Cả đời, ông đã sống đúng như cái tên của mình: Nhà giáo nhân dân - PGS.TS Dương Thanh Liêm.
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Bây giờ ông đã nghỉ hưu được ba năm, song đó chỉ là một khái niệm có tính ước lệ. Người ta vẫn thấy ông tất tả lên lớp cho các khóa sinh viên chăn nuôi - thú y và cả học viên cao học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Trưa thứ bảy, lại thấy ông quày quả nhảy xe buýt từ Thủ Đức lên Sài Gòn giảng dạy cho sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Thời gian còn lại trong ngày ông vẫn làm bạn với chiếc máy tính trong căn phòng nhỏ ở bộ môn dinh dưỡng. Ông cười hồn hậu: “Nghỉ hưu rồi nhưng mình được ưu ái lắm đấy. Bộ môn dành cho căn phòng này để làm việc đến suốt đời”. Trong cái không gian nhỏ hẹp ấy, ông vẫn lặng lẽ một mình cặm cụi tìm kiếm tư liệu, thông tin trên mạng để soạn thảo, cập nhật các giáo án điện tử.
Cho đến nay, cả ba giáo án độc chất học, sinh lý dinh dưỡng và dinh dưỡng người đều được ông thiết kế với công cụ Power Point đầy sống động. Mỗi lần lên lớp là ông lại mang vác lỉnh kỉnh nào là máy tính, máy chiếu, rồi dây nhợ... và vì thế mà cái biệt danh “Ông già hiện đại” đã xuất hiện từ đó. “Cực một chút nhưng sinh viên rất hứng thú với bài học. Mình già rồi, niềm vui duy nhất là được đi dạy, được đến với sinh viên nên nhiều lúc cũng không thấy mệt” - ông tâm sự.
Nỗi khát khao được đứng mãi với bục giảng ấy cháy bỏng đến mức, ngay sau khi nghỉ hưu đã có không ít công ty nước ngoài mời ông về làm việc với đồng lương hết sức hấp dẫn, nhưng ông vẫn một mực khước từ.
Cứ thế, sau những giờ lên lớp, những buổi tư vấn kỹ thuật cho nông dân... người ta lại thấy ông miệt mài bên chiếc máy tính thu lượm kiến thức, bổ sung, chăm chút cho các giáo án điện tử của mình. Và, những nỗ lực của ông, những công cụ “điện tử” ấy cũng đã tạo được sức hút đối với sinh viên. Sinh viên rồi học viên cao học đều tìm đến ông xin những giáo án điện tử ấy về học, thậm chí sinh viên đến tay không, ông còn tặng luôn cả đĩa CD.
Không ngừng nghỉ, vẫn hăm hở và đam mê như cái thuở ông mới bước chân vào Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội 45 năm trước. Suốt những năm tháng ở giảng đường ĐH, ông đều đạt điểm tuyệt đối ở tất cả các môn (gần 50 môn học) cho đến khi tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa.
Với thành tích học tập sáng chói và hiếm thấy như thế, Trung ương Đoàn đã phát động hẳn một phong trào học tập theo gương Dương Thanh Liêm trong giới trẻ, đồng thời bản thân chàng sinh viên Nam bộ này cũng được đi báo cáo điển hình tại nhiều trường ĐH lúc bấy giờ. Có lẽ vì thế mà chỉ sau hơn hai năm tốt nghiệp, ông đã được cử sang làm nghiên cứu sinh tại Hungary với đề tài về thức ăn cho gà công nghiệp.
Sau ngày miền Nam được giải phóng, ông trở về công tác tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Trong số những công trình, đề tài có giá trị, người ta vẫn thường nhắc đến tên tuổi ông gắn liền với công trình “bột cỏ” làm thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm mà nhờ đó gia súc không thiếu sinh tố A, kháng bệnh tốt và đặc biệt, lòng đỏ trứng gà trở nên có màu vàng đẹp.
Đó là chưa kể hai công trình nghiên cứu khác là “Hợp chất iôt hữu cơ kích thích gia súc tiết sữa, gia cầm đẻ trứng” và “Nuôi dê sữa theo lối công nghiệp” hiện vẫn được ứng dụng ở nhiều nơi. Chính vì thế mà tên tuổi của ông giờ đây đã không còn xa lạ với giới chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc khắp vùng Đông Nam bộ, thậm chí có nơi người ta còn xem ông như “ông tổ” của lĩnh vực này!
Hơn cả nỗi đau!
- Nhà giáo Dương Thanh Liêm sinh năm 1938 tại xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1955 ông tập kết ra Bắc và học tại Trường Học sinh miền Nam, trước khi vào Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội. - Năm 1974, ông bảo vệ thành công luận án PTS tại Hungary, năm 1976 vào công tác tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Năm 2004, ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. |
Cống hiến không ít, sống nhân hậu, khoan dung và lành đến độ không làm phật ý một ai. Thế nhưng trong cuộc sống riêng tư, số phận lại đẩy ông dường như đến giới hạn tận cùng của nỗi đau và bất hạnh.
Chỉ sau ba tháng sinh hạ đứa con trai cho ông, người vợ mà ông hết mực thương yêu bỗng nhiên phát bệnh. Căn bệnh tâm thần quái ác của vợ đã khiến cuộc sống của ông lâm vào thế khốn quẫn về cả vật chất lẫn tinh thần. Cứ sau giờ lên lớp, sinh viên lại thấy ông tất tả trở về nhà lo chợ búa, nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc con nhỏ và thuốc thang cho vợ...
Thật lạ, cứ mỗi lần bị kích động lên cơn là bà lại hung hăng nhắm chỉ mình ông mà rượt đuổi. Những khi như thế, người đàn ông bất hạnh chỉ biết lánh đi nơi khác cho đến khi cơn cuồng nộ dịu đi nơi người vợ.
Một đôi lần ông đã tìm đến rượu như một phương cách để giải thoát mình khỏi nỗi buồn đau, trước khi trở về nhà. Và cũng thật lạ, “cứ mỗi lần tôi say là hình như bà lại tỉnh, lại biết chăm sóc, thay quần áo, chuẩn bị giường gối cho tôi ngủ...” - ông trầm ngâm trong nỗi cay đắng.
Nhưng, “họa vô đơn chí”. Nỗi đau tiếp nối nỗi đau và hơn cả nỗi đau. Năm 1990, đứa con trai duy nhất của ông khi ấy đã 13 tuổi, trong một lần theo bạn bè ra hồ nước cạnh trường tắm đã bị chết đuối, vĩnh viễn không về với ông nữa. Nỗi đau lớn đến độ một người hoạt bát và nghị lực như ông cũng trở nên câm nín.
Mãi bốn năm sau đó, trong một lần tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi khảo sát thực địa vùng đất xây dựng ĐH Quốc gia TP.HCM, người ta đã thấy ông nán lại một mình rất lâu khi đi ngang qua khu vực hồ nước ác nghiệt ấy. Ông nói mà ánh mắt cứ xa xăm: “Cái gì quí nhất thì lại mất. Suốt ba, bốn năm trời tôi không làm được gì cả, người cứ bần thần, lờ đờ như kẻ vô hồn...”.
Anh Phan Văn Nam, một cựu sinh viên của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhớ lại: “Cả một quãng thời gian dài, những bài giảng của thầy lúc nào cũng ẩn chứa một nỗi buồn vô tận, buồn từ gương mặt, đôi mắt, buồn từ giọng nói, từ câu chữ buồn ra... Nhiều lúc chúng tôi thấy thương cho thầy quá, chỉ biết giận ông trời rằng sao thầy ở hiền như thế mà chẳng gặp lành chút nào!”.
Vâng, ông ở hiền và liêm khiết đến mức không cần bàn cãi. Ngay cả khi đã là hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM (1994-1998), người ta vẫn thấy ông ngày hai buổi đến trường với chiếc Honda cà tàng, cũ nát. Có người vì thể diện ngôi trường, không chịu được đã gặp trực tiếp ông mà xắng xả: “Thầy đi chiếc xe như thế là bôi bác nhà trường đó, thầy biết không!”. “Nhưng tính tôi nó thế. Tôi thấy không cần thiết đi xe mới, xe xịn nên thôi” - ông phân bua.
Không hề kiểu cách, mà tính cách của ông vốn vẫn thế. Từ khi về công tác tại ĐH Nông lâm (1976) đến nay, ông và gia đình vẫn sống trong căn nhà tập thể cấp 4 ọp ẹp, nóng thấp của trường. Có người từng đặt câu hỏi: lúc làm hiệu trưởng, một ngôi nhà cho riêng mình có lẽ không khó đối với thầy? Ông bộc bạch: “Dễ có người, chứ tôi thấy điều đó là khó. Hơn nữa, tôi không thích vun vén cho riêng tư, nhiều người cũng ở nhà như mình mà...”.
Có lẽ đó mới là con người ông, là lẽ sống của ông. Dẫu sao chia tay ông, tôi vẫn cứ suy nghĩ miên man về cái triết lý nhân sinh trăm năm phải trải. Đời người ai cũng có được có mất, nhưng cuộc đời, số phận dường như vẫn quá bất công đối với ông - bất công đến cay nghiệt!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận