Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo về dự thảo đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư chiều 26-3.
Mỗi năm tiết kiệm hơn nghìn tỉ đồng
Ông Ngô Hải Phan - cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp - cho biết hiện nay có khoảng 1.300 thủ tục hành chính trong mẫu đơn tờ khai yêu cầu khai thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực một số giấy tờ sau: giấy khai sinh/chứng sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử.
Ngoài ra, theo ông Lê Hồng Sơn, trong các giao dịch thường ngày người dân phải dùng đến rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, vì vậy luôn phải mang theo người, ví dụ bản thân ông phải có trong người hai loại giấy phép lái xe cho môtô và ôtô. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tiến tới hợp nhất được một số loại giấy tờ có liên quan sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân.
Nội dung chính của dự thảo đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai cấp số định danh cá nhân là ban soạn thảo đề án không đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu mới, chỉ đưa ra yêu cầu điều chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Dự thảo đề án cũng xác định số định danh cá nhân cấp cho công dân chính là số chứng minh nhân dân mới (12 số) mà Bộ Công an đã triển khai cấp thí điểm. “Số định danh cá nhân sẽ là chìa khóa mở vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy, thay vì người dân đến cơ quan nào đó làm thủ tục hành chính phải chứng minh thông tin công dân của bản thân mình bằng cách kê khai hoặc xuất trình giấy tờ có liên quan, nay chỉ cần cung cấp mã số định danh cá nhân, việc còn lại do các cơ quan tự tìm hiểu bằng cách truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu” - Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nói.
Về lợi ích cụ thể, ông Ngô Hải Phan cho biết: “Theo tính toán của Bộ Tư pháp, việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí điền thông tin trong mẫu đơn, tờ khai cho công dân ước tính khoảng 198 tỉ đồng. Cắt giảm chi phí cho việc xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực các giấy tờ ước tính khoảng 1.445 tỉ đồng/năm. Như vậy, tổng chi phí tiết kiệm được cho công dân là khoảng 1.643 tỉ đồng”.
Cũng theo ông Ngô Hải Phan, ban soạn thảo đề án có tính đến vấn đề bảo mật thông tin, trong cơ sở dữ liệu có nhiều thông tin khác nhau về mỗi công dân, cho nên phải thiết kế theo hướng ngành nào chỉ khai thác được các thông tin có liên quan của ngành đó, tránh trường hợp lộ bí mật thông tin cá nhân không cần thiết.
Dự thảo đề án đã xác định một số nguyên tắc và thời hạn hoàn thiện cơ sở pháp lý (tháng 5-2014) để thực hiện phối hợp giữa hai ngành công an và tư pháp trong việc triển khai cấp số định danh cá nhân sau khi Luật hộ tịch có hiệu lực thi hành (dự án luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong năm 2012 và ban soạn thảo được giao tiếp tục hoàn thiện thêm). Việc cấp số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh từ ngày Luật hộ tịch có hiệu lực sẽ được triển khai từ thời điểm Luật hộ tịch có hiệu lực thi hành; đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật hộ tịch có hiệu lực, việc cấp số định danh sẽ được thực hiện từ năm 2013 đến hết năm 2020.
Chưa triển khai thẻ tích hợp thông tin công dân
Ông Phạm Xuân Phương, phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, cho rằng nếu triển khai được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã số định danh cá nhân, không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà chi phí quản lý hành chính của Nhà nước cũng sẽ giảm rất nhiều. Trong tương lai, khi hội đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng thì có thể nâng lên mức cao hơn là không cần đến các giấy tờ liên quan, những công việc như cập nhật thông tin án tích, xóa án tích, thông tin về hôn nhân của công dân... hoàn toàn có thể được cập nhật vào cơ sở dữ liệu này.
Đề cập việc hình thành thẻ điện tử tích hợp các loại giấy tờ công dân, ông Trần Thất - nguyên vụ trưởng hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp - nói: “Chúng ta chưa làm ngay được đâu, tham khảo Đài Loan thì họ làm tương tự như thế nhưng điều kiện họ khác ta”. Đại tá Vũ Xuân Dung, cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), cũng cho biết ý tưởng thẻ tích hợp đã được Hiệp hội Phần mềm khuyến nghị, nhưng mục tiêu trước mắt là xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp số định danh cá nhân, còn thẻ phải tính đến phù hợp với hạ tầng, việc này ngay cả Hà Nội và TP.HCM cũng chưa đủ điều kiện hạ tầng để làm.
Kết luận hội thảo, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như cấp số định danh cá nhân, đây là cơ sở để thực hiện cải cách thủ tục hành chính và cải cách quản lý dân cư, khắc phục tình trạng cát cứ thông tin, không minh bạch, gây phiền hà tốn kém cho cả xã hội. Do vậy cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự thảo đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Ông NGUYỄN MINH THẢO (phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN): Rất có lợi thực hiện chính sách an sinh xã hội Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo cho biết Bảo hiểm xã hội VN và Bộ Y tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã nhóm họp một phiên về việc xây dựng mã số an sinh, y tế và bảo hiểm y tế thống nhất. Theo ông Thảo, nếu mỗi người có một mã số ổn định suốt cuộc đời sẽ dễ dàng theo dõi thời gian tham gia bảo hiểm y tế, các loại thuốc và biện pháp điều trị từng sử dụng, tên tuổi chính xác của công dân và những người làm chính sách sẽ dễ dàng hơn. Cũng theo ông Thảo, trong năm 2013-2014 dự kiến sẽ làm trước việc mã hóa các bệnh, các dịch vụ, thuốc, chính sách khám chữa bệnh, xây dựng mã an sinh xã hội..., tiến tới có thể thí điểm triển khai loại thẻ thông minh (smart card) tại một tỉnh dùng cho công dân khi đi khám chữa bệnh và lĩnh lương hưu. L.ANH |
Sẽ cấp chứng minh nhân dân mẫu mới trên diện rộng Trả lời báo chí bên lề hội thảo, đại tá VŨ XUÂN DUNG cho biết: - Chúng tôi đã triển khai thí điểm cấp chứng minh nhân dân mẫu mới (12 số) từ ngày 21-9-2012 tại Công an TP Hà Nội, công an các quận huyện Hoàng Mai, Tây Hồ và Từ Liêm. Đến nay đã cấp được hơn 30.000 chứng minh nhân dân. Trong quá trình thí điểm, chúng tôi đã gửi công văn thông báo đến các ngân hàng về việc Bộ Công an triển khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu mới, việc này nhằm tạo điều kiện cho giao dịch của người dân được bình thường. Chứng minh nhân dân mới có 12 số là đi trước một bước để sau này tạo ra mã số công dân. Chứng minh nhân dân vừa là căn cước đồng thời người dân có thể xuất trình số chứng minh nhân dân như mã số công dân của mình. * Như vậy sau khi thí điểm thì chứng minh nhân dân mẫu mới sẽ được cấp ở diện rộng? - Đúng vậy. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ: một là cho sửa nghị định theo hướng bỏ tên cha mẹ (trên chứng minh nhân dân mẫu mới), hai là tiếp tục triển khai dự án này. V.V.THÀNHghi |
Lo ngại về an ninh thông tin Tại Mỹ, mã số an sinh xã hội gồm chín chữ số từ lâu được xem như mã số căn cước mà mọi công dân phải có để sử dụng trong hầu như tất cả thủ tục từ mở tài khoản ngân hàng, lấy giấy phép lái xe đến đóng thuế và tham gia các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên lỗ hổng bảo mật thông tin luôn là một vấn đề của hệ thống này. Một báo cáo của Tổ chức nghiên cứu và chiến lược Javelin tháng 3-2013 thống kê trong năm ngoái có 12 triệu người bị trộm thông tin căn cước, tức cứ mỗi ba giây lại có một người trở thành nạn nhân, gây thiệt hại 21 tỉ USD. Javelin cũng cho biết những người bị đánh cắp mã số an sinh xã hội từ năm lần trở lên sẽ có nguy cơ bị lừa đảo rất cao. Các kiểu đánh cắp thông tin căn cước và lừa đảo tài chính thường xảy ra trong giao dịch trực tuyến hoặc bằng các phương pháp đột nhập, dò tìm thông tin của những kẻ tội phạm. Nội các Nhật Bản hồi đầu tháng 3-2013 đã thông qua dự luật yêu cầu cấp cho tất cả công dân một mã số nhận diện duy nhất gồm 11 số để sử dụng trong tất cả hoạt động từ nhận phúc lợi xã hội đến các thủ tục hành chính khác. Hệ thống quản lý, còn chờ quốc hội chấp thuận và dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2016, sẽ giúp chính phủ quản lý hiệu quả từ thu nhập, thuế, lương hưu... của người dân. Nhưng theo Japan Times ngày 25-3, vấn đề an ninh vẫn là lo ngại lớn nhất. “Trong giao dịch trên Internet, cá nhân có thể thay đổi mật mã để đảm bảo an ninh. Nhưng theo hệ thống căn cước được đề xuất này, mỗi công dân sẽ mang một mã số suốt đời” - báo này viết và khẳng định hệ thống này sẽ tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ nhưng lại không mang lại nhiều lợi ích. TRẦN PHƯƠNG(Theo Japan Times, Daily Yomiuri, Economist, Los Angeles Times, American Chronicle, BBC) |
Phóng to |
Người dân đến làm chứng minh nhân dân mới tại Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội. Số chứng minh nhân dân mới cũng chính là số định danh cá nhân - Ảnh: nguyễn khánh |
Phóng to |
Mẫu chứng minh nhân dân mới gồm 12 số. Có thể đây cũng là mã công dân - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận