Phóng to |
Xơ Susan giới thiệu cuốn sách For children cannot wait (Vì trẻ em không thể đợi) - Ảnh: T.T.D. |
Bà là xơ Susan Carol McDonald, người y tá từng chăm sóc cho hàng trăm trẻ em Việt Nam trước và trong chiến dịch babylift 1975.
Xơ Susan đến Sài Gòn năm 1973 khi tròn 26 tuổi để chăm sóc trẻ mồ côi Việt Nam. Xơ làm việc ở trại trẻ mồ côi New Haven nằm ở địa bàn Q.1 ngày nay. Tính đến tháng 4-1974, New Haven có khoảng 100 trẻ em và trẻ sơ sinh với tám nhân viên người Việt Nam. Do trẻ sơ sinh được đưa vào đều ở trong tình trạng rất yếu, bị suy dinh dưỡng nặng lại dễ mắc các bệnh như viêm ruột, viêm phổi... nên tỉ lệ tử vong lên tới 90%.
Xơ nhớ lại: “Trong hai năm ở New Haven, tôi và các đồng nghiệp đã chăm sóc 735 trẻ sơ sinh và trẻ em. Mỗi tháng có 30 em đi và 30 em đến”.
Xơ lật cho chúng tôi xem quyển sách For children cannot wait (Vì trẻ em không thể đợi) chỉ hình một em bé bệnh tật, còm nhom khi mới vào New Haven và khỏe mạnh sau vài tháng. “Đa số khi các em qua khỏi giai đoạn nguy hiểm thì đều khá lên, có sức khỏe tốt”.
Không thể bỏ bọn trẻ
Tháng 4-1975, Sài Gòn rơi vào cảnh hỗn loạn. Người di tản tràn ngập, trong đó có trẻ mồ côi và nhân viên chăm sóc ở nhiều trại trẻ mồ côi từ các tỉnh. Các nhân viên New Haven thường xuyên phải ra ngoài hỗ trợ người di tản. Bà Ngọc Hòa, một trong những nhân viên Việt Nam từng làm việc tại New Haven, kể lại: “Mỗi ngày xơ Susan chỉ ngủ khoảng 2-3 giờ. Toàn bộ thời gian còn lại xơ quay cuồng với những đứa trẻ ốm yếu, bệnh tật, máu mủ hôi tanh và gào khóc”.
Thời điểm này, các trại trẻ mồ côi tại Sài Gòn gặp rất nhiều khó khăn. Cũng như nhiều trại trẻ mồ côi khác ở Sài Gòn lúc bấy giờ, New Haven cũng tính đến việc di tản những đứa trẻ họ đang chăm sóc. “Chúng tôi lo sợ khi rời Việt Nam, bọn trẻ không có người chăm sóc và trong hoàn cảnh loạn lạc đầy khó khăn như thế, có thể chúng sẽ chết” - xơ Susan giải thích cho quyết định của mình.
Xơ Susan nhớ lại: “Có những lá thư hỏi tôi chắc mẹ con ghét con nên bỏ rơi. Có những lá thư nói rằng con tha thứ cho cha mẹ con. Tôi không muốn chúng nghĩ vậy. Tôi chỉ cố làm chúng hiểu cha mẹ chúng không có lựa chọn nào khác là đưa chúng vào trại mồ côi, có lẽ là giải pháp tốt nhất cho sự sống còn của chúng. Mẹ của các con đã yêu các con rất nhiều - tôi luôn nhắc đi nhắc lại điều đó”. |
Xơ kể tiếp: “Phía chính quyền Mỹ liên tục yêu cầu tôi rời Việt Nam bởi tôi là một công dân Mỹ. Nhưng rất nhiều lần tôi khẳng định mình không thể bỏ bọn trẻ. Chúng tôi khẩn cầu chính quyền Mỹ liên hệ với các hãng hàng không tư nhân để sắp xếp máy bay đưa lũ trẻ ra khỏi Việt Nam”.
Đầu tháng 4-1975, chính quyền Mỹ hứa sẽ cử ba máy bay bệnh viện đến. Nhưng đến ngày 4-4-1975, Tổ chức Viện trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thông báo: chỉ có một máy bay vận tải lớn có thể đưa 230 trẻ em đi! Đó là C5A, chiếc máy bay lớn nhất thế giới thời điểm đó, được Mỹ sử dụng trong chiến dịch babylift đầu tiên.
Trong ngày 4-4, những đứa bé khỏe mạnh nhất được đưa lên máy bay C5A. Chỉ 15 phút sau khi máy bay cất cánh, xơ Susan nhận được điện thoại của một y tá gọi từ Bệnh viện Sài Gòn Adventist: “Có rất nhiều đứa trẻ ở New Haven của cô bị thương và đang được chuyển đến chỗ cô đấy”.
Sau phút lặng đi vì bàng hoàng, xơ Susan cùng đồng nghiệp lập tức đến bệnh viện. “Lúc đó tôi không khóc nổi bởi không có thời gian mà khóc. Chúng tôi đưa những bé bị thương về New Haven chăm sóc và liên lạc khắp nơi để tìm máy bay trong tuyệt vọng” - xơ Susan kể, đôi mắt long lanh.
Trong vòng 24 giờ, họ đã liên lạc được với Hãng Pan American Airlines. 350 trẻ em được đưa lên một máy bay Pan Am và một máy bay khác sang Canada. Chiếc máy bay Pan Am đã hạ cánh ở San Francisco.
Trong những ngày cuối cùng sắp kết thúc chiến tranh, xơ Susan và đồng nghiệp vẫn ở lại Việt Nam để chăm sóc cho các bé quá yếu. Họ tiếp tục nhận trẻ em từ các trại trẻ mồ côi ở các tỉnh đưa về.
Đến ngày 26-4, xơ Susan cùng đồng nghiệp đưa 250 trẻ em rời Sài Gòn trên một chiếc máy bay chở hàng USAF-C141 đến căn cứ không quân Clark ở Manila (Philippines).
Trong chuyến bay này, xơ mang theo toàn bộ giấy tờ của các bé, những người sau đó được đưa sang Mỹ, Pháp, Úc... nơi các gia đình nhận nuôi đang chờ đợi.
Bà mẹ đỡ đầu của trẻ babylift Việt Nam
Từ năm 1975, xơ Susan đã làm tình nguyện viên y tế ở rất nhiều chiến trường khác như Bangladesh, Campuchia, Haiti, Nicaragua, Guatemala...
Nhưng những đứa trẻ Việt Nam dường như vẫn ở nguyên trong tim bà. Bà lưu hình ảnh của chúng, sắp xếp lại, ghi chú rồi đi tìm lại chúng qua những hồ sơ tư liệu có được. Bà làm mọi thứ bằng thư tín, điện thoại. Trong suốt thời gian từ 1975-1980, bà đã hoàn thành tư liệu cho quyển sách For children cannot wait sau này của mình.
“Sau chiến dịch babylift, tôi luôn trăn trở về cuộc sống của các bé. Bởi tôi hiểu rằng những đứa trẻ tóc đen da vàng sẽ lớn lên trong một môi trường xa lạ, khác biệt với người da trắng. Khi trưởng thành, chắc chắn chúng sẽ thắc mắc, đặt ra nhiều câu hỏi về quá khứ, về bản thân. Do đó, tôi thường xuyên giữ liên lạc với những gia đình nhận con nuôi và các bé”.
Bằng những lá thư đi, những lời hồi đáp, Susan dần ghép lại từng mảnh vụn rời ký ức rất đau thương của một thời babylift nổi tiếng khắp thế giới. Có những bậc cha mẹ đã gửi bà ảnh vui chơi, văn nghệ, ảnh trẻ lớn lên thế nào. Bà gắn chúng vào trang tư liệu với những gì đã diễn ra ở trại mồ côi khi xưa bà chụp và ghi chép.
Bà thấy các trẻ của mình đã lớn trong từng ngày thế giới chuyển động và đón chúng vào dòng chảy mới.
Suốt những năm qua, xơ Susan đã tạo ra kết nối với hơn 5.000 đứa trẻ trong chiến dịch babylift rời khỏi Việt Nam và những đứa trẻ đã ở trại mồ côi của mình.
Năm 1999, lần đầu tiên xơ Susan trở lại Việt Nam. Ngay khi vào khách sạn, bà đã khóc. Khóc suốt ba ngày liền. “Tôi đã không hề khóc suốt cuộc chiến. Tôi cũng không hề khóc khi đón những thi thể đứa bé từ thảm họa C5A. Tôi đã luôn không khóc. Nhưng khi tôi quay lại nơi này, tôi biết tôi đã yêu nó ra sao” - xơ Susan nói.
Đây là lần thứ tám xơ Susan trở lại Việt Nam. Mỗi lần về bà đều dẫn các babylift đến nhiều trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam để họ tìm lại quá khứ.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, bà còn mang theo ảnh và hồ sơ của một số trẻ em mồ côi Việt Nam được các gia đình ở Ireland nhận nuôi từ năm 2002. Những gia đình này nhờ bà tìm giúp cha mẹ ruột của các bé.
Người phụ nữ này đã chiến đấu mạnh mẽ chống lại căn bệnh ung thư và tiếp tục hành trình không mệt mỏi tìm lại nguồn gốc cho những trẻ babylift của mình.
“Tôi sẽ còn tiếp tục trở lại Việt Nam cho đến khi nào quá yếu đến mức không thể bước chân lên máy bay được nữa” - xơ Susan khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận