29/05/2018 15:27 GMT+7

Một đời đi bộ của tôi

THỊ LÊ
THỊ LÊ

TTO - Nói đến khoảnh khắc là nói chuyện một thoáng qua. Nhưng nhiều khoảnh khắc trong đời tôi, tôi nhớ hoài không quên.

Một đời đi bộ của tôi - Ảnh 1.

Nếu muốn đúc kết điều gì cho cuộc đời đi bộ ấy gửi tới độc giả, tôi mong mọi người đi bộ nhiều thêm, vận động thường xuyên để có thêm sức khỏe, giảm các nguy cơ bệnh tật, nhất là cho xương khớp

Lúc còn nhỏ học trường tiểu học, tôi đã tự đi bộ một mình đi học, ba mẹ tôi không phải đưa đón vì nhà cũng tương đối gần trường học. Nhà tôi ở xóm Đầm, qua cầu Phát Triển, quận 8 là đến chợ Xóm Củi ở Sài Gòn bấy giờ. Tôi học Trường tiểu học Xóm Củi, nay là Trường tiểu học Tuy Lý Vương.

Lớn lên khoảng 12 tuổi, tôi theo mẹ vào chợ Lớn Mới, nay là chợ Bình Tây, mua bắp trái về nấu bán. Mỗi ngày tôi đều đi bộ gánh về 200 bắp, tương đương 20kg. Tôi phụ mẹ công việc này không biết mệt, còn thích và vui nữa.

Kế đến, năm 15 tuổi, khu Xóm Đầm tôi ở ngày xưa nước sinh hoạt rất hiếm, một tuần chỉ có một ngày xe bồn đến đổi nước, mọi người phải xếp hàng hứng nước về xài. Các cô bác nào nhanh chân thì đổi được hai đôi nước. 

Từ đó các chị lớn ở xóm tôi rủ nhau đến sau Bưu điện quận 5 ở gần cầu Chà Và, nơi đó có cây nước công cộng gánh về để gia đình sử dụng, tôi cũng cùng các chị mỗi đêm đi gánh nước về nhà, vừa đi vừa về khoảng 5 cây số cho một đôi nước. 

Vậy mà mỗi đêm tôi gánh được năm đôi nước. Có hôm vượt hơn số đó, để dành cho ngày sau tôi đi học về trễ. Đi như thế mà tôi chẳng biết mệt, còn vui thích nữa.

Xong việc, tôi tiếp tục học bài cho hôm sau, kết quả học tập cũng tiến đều như các bạn, vào lớp cũng hăng say thi đua học tốt, sinh hoạt vui đùa cùng bạn, được thầy yêu bạn mến. Đến lớp không bạn nào biết sự vất vả hằng ngày của tôi như thế.

Năm 18 tuổi tôi tham gia đi dạy học ở Chương trình phát triển quận 8, tiếp tục đi bộ từ nhà đến trường ở gần cầu Chữ Y, khoảng 5 cây số. Sau này tôi chuyển sang đi dạy thêm buổi chiều. 

Buổi sáng, tôi đi bộ tới Trường Lương Văn Can để đi học, đường đi phải qua một chuyến đò, nay chỗ đó đã có cây cầu Chánh Hưng. Hành trình đi bộ ấy của tôi kéo dài đến ngày đất nước thống nhất.

Sau ngày đó, tôi được anh trai mua tặng chiếc xe đạp mini. Những tưởng là không đi bộ nữa, nào ngờ đâu sau ngày thống nhất, tôi chuyển về công tác tại Trường Chánh Hưng gần trụ sở Công an quận 8, nhà tôi lại ở kế Trường Lương Văn Can, tôi tiếp tục đi bộ đến trường mỗi ngày. Thế là tôi chiến đấu thêm 32 năm đi bộ nữa.

Năm nay tôi 66 tuổi. Nhớ lại từ thuở nhỏ đến ngày về nghỉ hưu, tôi đi học, đi làm tất cả đều bằng đi bộ. Giờ đây đi bộ đối với tôi là chuyện bình thường, không như mọi người bây giờ ra khỏi nhà là lên xe. Mỗi chiều tôi dành khoảng một tiếng ra sân vận động quận 8 đi bộ năm vòng, chừng 3 cây số.

Giờ đây nhìn lại bản thân, tôi tự tin rằng sức khỏe của mình tốt hơn nhiều người bạn cùng tuổi, cùng lớp học thời sinh viên và cả bạn đồng nghiệp. 

Tôi nghĩ đó là luật bù trừ, lúc nhỏ quá vất vả, cuộc sống thiếu thốn mọi thứ thì nay được may mắn, thấy hạnh phúc đến rồi. Hầu như cả đời tôi chỉ có đi bộ, hẳn là đi bộ suốt cuộc đời. 

Tôi nhận ra đi bộ mang lại cho mình nhiều điều tốt lành, vì vậy cũng sẽ là sự cần thiết cho sức khỏe của mọi người. 

Nếu muốn đúc kết điều gì cho cuộc đời đi bộ ấy gửi tới độc giả, tôi mong mọi người đi bộ nhiều thêm, vận động thường xuyên để có thêm sức khỏe, giảm các nguy cơ bệnh tật, nhất là cho xương khớp. Tôi cảm ơn trời đã cho tôi niềm hạnh phúc trọn vẹn này.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện

TTO - Tôi nhận kết quả tại phòng khám nhưng không mở ra ngay, mà cầm ra ngoài sân bệnh viện. Chọn một cái ghế đá cạnh gốc cây, tôi bóc ra.

Một đời đi bộ của tôi - Ảnh 4.
THỊ LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp