Nàng Kiều trong tác phẩm của đạo diễn Hồng Vân
Chương trình do Viện Goeth của Đức hỗ trợ, vừa được tổng duyệt và sẽ ra mắt khán giả Hà Nội đêm 12 và 13-10 tại Nhà hát Tuổi Trẻ và khán giả TP.HCM ngày 19-10 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Đêm diễn có 4 tiết mục về nàng Kiều do 4 đạo diễn dàn dựng: đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer, đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ), đạo diễn - NSƯT Trần Lực (LucTeam) và NSND Hồng Vân (sân khấu kịch Hồng Vân). Mỗi tiết mục kéo dài khoảng 20-25 phút.
Nàng Kiều và Từ Hải trong tác phẩm của đạo diễn Trần Lực - Ảnh: LINH ĐOAN
Tiết mục của đạo diễn Amélie Niermeyer không có nhân vật nàng Kiều trên sân khấu. Lấy không gian ở một nhà hàng, nơi cô Quỳnh được chồng tổ chức buổi sinh nhật và tặng cho cô món quà là quyển Truyện Kiều, vở mở ra những cuộc bàn luận sôi nổi về Kiều giữa nhóm bạn của Quỳnh và các thực khách khác trong nhà hàng.
Đạo diễn Amélie Niermeyer chia sẻ lần đầu tiên đọc Truyện Kiều cách đây 2 năm đã rung động với câu chuyện đoạn trường của Kiều. Bà xây dựng nên cấu trúc và nội dung cho tác phẩm (với sự hỗ trợ của biên kịch Hoàng Trang) sau khi phỏng vấn các diễn viên về Truyện Kiều.
"Tôi muốn khuyến khích những cuộc thảo luận không chỉ về nàng Kiều mà còn về vai trò của người phụ nữ trong xã hội đương đại" - bà nói.
Với tình yêu với nàng Kiều, đạo diễn Trần Lực đã xây dựng cho sân khấu LucTeam một tiết mục độc đáo, có múa đương đại kết hợp với những trình thức của tuồng, nghệ thuật truyền thống. Các nhân vật mặc trang phục hiện đại.
Lối thể hiện vẫn trung thành với sân khấu ước lệ biểu hiện (tả ý). Trên nhạc nền của bộ trống gõ, nàng Kiều trong trang phục vest đen bày tỏ tâm tư, kể lại cuộc đời mình. Lời thoại phối hợp nhịp nhàng với những câu thơ Kiều.
Đạo diễn Trần Lực bày tỏ: "Trải qua bao cuộc bể dâu, bao nhiêu biến cố mà nàng Kiều vẫn rất mạnh mẽ, yêu đời, khát khao sống. Những người phụ nữ như vậy xứng đáng có được cuộc sống hạnh phúc".
Những cuộc tranh cãi về nàng Kiều trong tác phẩm của đạo diễn Amélie Niermeyer - Ảnh: LINH ĐOAN
Từng làm những vở về nàng Kiều, từ kịch hình thể đến kịch nói, nay đạo diễn Bùi Như Lai tiếp tục "đặt tính biểu tượng gần như hàng đầu", kết hợp kịch hình thể, kịch nói với loại hình kịch đọc.
Tiết mục của anh nói lên bốn chủ đề chính: định mệnh, tình yêu, thân phận và tự do. Hai hình ảnh nàng Kiều của thời cổ xưa và nàng Kiều của thời hiện đại cứ như quấn chặt vào nhau, lạ lùng là mấy trăm năm cách biệt nhưng nghịch cảnh và những tâm tư cứ thế tương đồng. Những day dứt cứ thế hoang hoải: Phụ nữ sinh ra cả thế giới, cớ sao họ dễ dàng bị đẩy xuống bùn đen?...
Từ kịch bản của Lê Quốc Nam với sở trường kịch kinh dị, tiết mục của sân khấu Hồng Vân khai thác những cuộc báo mộng của Đạm Tiên với Kiều, khuyên nàng đừng vì hận thù mà sa vào những cuộc báo oán triền miên.
NSND Hồng Vân tỏ vẻ hồi hộp: "Tác phẩm của các anh chị phía Bắc quá công phu, khổ luyện, còn tiết mục của chúng tôi mang đến sự dung dị, chân phương. Cách chúng tôi làm là vận dụng âm nhạc, nhấn vào ca khúc, ca từ. Giai điệu, nhạc phối cho tác phẩm đều do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết.
Với tiết mục này, tôi muốn mọi người cùng suy ngẫm số phận nàng Kiều, và tất cả chúng ta ở đây là do thiên định hay nhân định?".
Nàng Kiều xưa và nàng Kiều hiện đại trong tác phẩm của đạo diễn Bùi Như Lai - Ảnh: LINH ĐOAN
NSƯT Sĩ Tiến - phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, người được phân công phụ trách dự án này - chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện chương trình này như những góc nhìn khác nhau về nàng Kiều thông qua nghệ thuật sân khấu.
Chương trình này không phải đưa Kiều trở lại như một tác phẩm văn chương của quá khứ, mà làm thế nào để tạo ra cuộc đối thoại cùng con người hôm nay, để tìm ra sự liên quan giữa các câu chuyện tưởng như xưa cũ về những vấn đề xoay quanh tình yêu, đạo hiếu, công lý, tha hóa quyền lực...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận