Phóng to |
Bộ sách tiếng Việt dành cho người VN ở nước ngoài |
Việc làm đáng kể nhất của đề án này là tổ chức biên soạn chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài cùng hai bộ sách Tiếng Việt vui cho trẻ em và Quê Việt cho người lớn. Mỗi bộ có 18 cuốn, ứng với ba trình độ khác nhau, gồm sách học sinh, sách bài tập và sách giáo viên kèm theo đĩa CD. Thế rồi...
Ngừng ở giai đoạn thử nghiệm
GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên bộ Tiếng Việt vui, cho biết: Trước khi biên soạn chương trình và sách, đề án đã cử các đoàn đi khảo sát tại cộng đồng người Việt ở một số nước và sau khi in sách, chúng tôi đã mang sách đi tập huấn, dạy thử nghiệm tại các nước Ba Lan, Đức, Hoa Kỳ, Lào, Pháp, Czech và Thái Lan. Nhìn chung, kiều bào ta ở các nước đều khao khát cho con em học tiếng Việt. Trước đây, nhiều lớp tiếng Việt tự phát ở các nước chỉ sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của Bộ GD-ĐT (sách dạy cho học sinh trong nước) để dạy, hoặc photo tài liệu, tự biên soạn tài liệu dạy học. Việc dùng sách trong nước dạy cho trẻ chưa biết giao tiếp tiếng Việt là một bất cập lớn.
Vì thế, khi Tiếng Việt vui và Quê Việt tới tay một số thầy cô giáo, họ rất mừng. “Sách thử nghiệm chỉ đủ tiền in 800 cuốn. Ngay ở thời điểm đề án đang triển khai thử nghiệm, chúng tôi đã phải dùng sách photo đen trắng mang đi các nước. Tiếng Việt vui và Quê Việt với những ví dụ, bài tập sinh động, gần với cuộc sống của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Hai bộ sách này đã giải quyết được một khó khăn lớn trong việc dạy học tiếng Việt ở đó. Vào thời điểm dự án triển khai, Đài truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN cũng dựa vào hai bộ sách để xây dựng chương trình dạy tiếng Việt trên các kênh sóng của họ” - GS Thuyết kể lại.
Năm 2010, đề án trên kết thúc. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, các nhóm tác giả sau khi mang sách đi tập huấn xứ người và lắng nghe các thầy, cô giáo góp ý, đã dành nhiều tháng trời để chỉnh sửa hai bộ sách thử nghiệm. Nhưng nhiều năm trôi qua, bản thảo bộ sách chỉnh sửa vẫn để đó vì không có tiền in, không cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm duy trì việc phát hành sách, hỗ trợ cho các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sách thử nghiệm xong thì ngừng chỉ vì lý do đề án hết thời hạn thực hiện.
Theo các tác giả viết hai bộ sách trên, trong đợt tập huấn gần đây nhất tại Hà Nội vào cuối tháng 10-2013 cho những người tham gia dạy tiếng Việt ở các nước, các thầy cô ai cũng mong mỏi có hai bộ sách in màu để mang về làm tài liệu dạy học. “Tôi đã đề nghị anh Sơn (ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) cho in tiếp sách được chỉnh sửa, ít nhất là để có sách phát cho các thầy cô dự tập huấn. Nhưng anh Sơn nói không còn tiền. Tôi nghĩ chỉ cần Chính phủ quyết thì chắc là có tiền in thôi. Tiền in vài trăm cuốn sách có đáng bao nhiêu. Nhưng ý nghĩa của công việc thì lớn lắm, không tính bằng tiền được” - GS Thuyết cho biết.
Đợt tập huấn tại Hà Nội từ ngày 24-9 đến 26-10 vừa qua, có 14 thầy, cô giáo từ Czech, Ba Lan, Đức, Nga, Đài Loan, Lào, Campuchia, Thái Lan về dự. Nhưng các thầy cô đều phải tự lo kinh phí đi về. “Chỉ có lòng nhiệt tình cao, tình yêu luôn hướng về quê hương mới khiến họ tự nguyện đi về để mong mỏi làm tốt hơn nữa công việc gìn giữ tiếng Việt của mình” - thầy Nguyễn Việt Tiến, người tham gia tập huấn cho các thầy cô giáo vừa qua, nhận xét.
Phóng to |
Giờ học tiếng Việt tại Trường Hữu Nghị (Thái Lan) - quà tặng của TP Hà Nội cho tỉnh Nakhon Phanom - Ảnh: GS Nguyễn Minh Thuyết cung cấp |
Góp một bàn tay
Trong khi ở trong nước việc hỗ trợ dạy học tiếng Việt ở nước ngoài chưa được quan tâm thích đáng thì tại các nước, một số tổ chức, đặc biệt là cơ quan truyền thông, vẫn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với việc duy trì, phát triển tiếng Việt và văn hóa Việt.
Nhà báo Nguyễn Diệu Linh - đại diện tờ Tuần Tin Mới (một tờ báo xuất bản cho người Việt tại Czech) - nhân dịp về nước dự hội thảo về vấn đề dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã chia sẻ: “Chứng kiến thế hệ F2 của cộng đồng người Việt ở Czech không nói được tiếng Việt, tôi càng thấy việc dạy tiếng Việt cho kiều bào ta là cần thiết. Khi còn sinh hoạt trong phong trào đoàn thanh niên ở Czech, tôi đã vận động thanh thiếu niên đi học, giúp đỡ việc tổ chức lớp học tiếng Việt. Khi trở thành phóng viên của tờ Tuần Tin Tức (nay là Tuần Tin Mới), tôi cũng tâm đắc với trang dạy tiếng Việt trên báo. Nội dung này đã được duy trì trong nhiều năm và góp phần hỗ trợ nhiều người Việt học tiếng mẹ đẻ”. Theo Diệu Linh, hiện ở Czech có 2-3 tờ báo cho cộng đồng người Việt, dù số lượng phát hành sụt giảm so với sự phát triển mạng điện tử nhưng những tờ báo này vẫn cố gắng duy trì vì đó là nơi duy trì, lưu giữ, cập nhật ngôn ngữ, hình ảnh về đất nước, nó luôn quý đối với những người con xa Tổ quốc.
Nhà báo Vũ Hoàng Lân của kênh truyền hình mạng Phố BolsaTV tâm sự: “ở Nam California (Mỹ) nơi tôi sinh sống, rất may báo chí đã và đang có những đóng góp quan trọng cho việc bảo tồn tiếng Việt tại đây. Bản thân việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong các phương tiện truyền thông, báo chí đã cung cấp một nguồn thông tin, tài liệu trong đời sống hằng ngày. Báo chí, truyền thông Việt ngữ rất quan tâm, đưa tin các sinh hoạt cộng đồng, trong đó có sinh hoạt của các tổ chức, trung tâm Việt ngữ, giúp các tổ chức, trung tâm này sinh hoạt hiệu quả hơn”.
Trong khi đó ở Pháp, nhu cầu học tiếng Việt rất lớn vì đối tượng không chỉ là người Việt xa quê mà còn có những người Pháp quan tâm đến Việt Nam. Cộng đồng vì thế từng có “tham vọng” xây dựng tủ sách tiếng Việt nhưng do điều kiện tài chính hạn hẹp, người gốc Việt sống rải rác khắp nước Pháp nên điều đó không thành hiện thực. Thay vào đó, rất nhiều người đã nỗ lực đưa sách, truyện xuất bản tại Việt Nam vào các thư viện lớn của Pháp. Bà Nguyễn Thanh Hằng, báo Đoàn Kết (Hội Người Việt Nam tại Pháp), cho biết như vậy.
Theo bà Hằng, để có thể gìn giữ tiếng Việt cho các thế hệ trẻ kiều bào, yếu tố quan trọng hàng đầu là sự chăm chút, quan tâm của cha mẹ các em, và quan trọng không kém là mối dây liên hệ giữa trong nước và nước ngoài. “Người ta thấy Việt Nam đẹp, phát triển thì sẽ tự hào. Cho nên có nhiều em từ bé đến lớn sinh ra và học hành ở Pháp, khi trưởng thành về Việt Nam một lần là quyết định bỏ hết để về nước...” - bà Hằng nói.
Góp một bàn tay, kết nối giữa trong nước với cộng đồng nước ngoài là điều nhiều kiều bào, nhiều trí thức VN ở nước ngoài mong mỏi. Nhiều người đưa ra mối quan ngại về việc phai nhạt dần nhu cầu học tiếng Việt theo kiểu tự phát lâu nay. Nhưng khó khăn sẽ vẫn là khó khăn khi “dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài” vẫn phải xếp sau nhiều việc khác.
Cách đây mấy hôm, PGS.TS Nina Grigoryeva ở khoa Đông phương ĐH Quốc gia St. Petersburg nhân sang công tác tại Hà Nội, đã tới gặp tôi đề nghị cho trường của cô in bộ sách Tiếng Việt vui để dạy cho sinh viên khoa Đông phương. Cá nhân tôi đồng ý nhưng tôi khuyên cô ấy gửi thư cho Bộ GD-ĐT vì bộ giữ bản quyền. Việc này cho thấy những nhà giáo dục quan tâm tới tiếng Việt ở nước ngoài cũng quan tâm, đánh giá tốt về bộ sách. Chỉ tiếc là ở VN bộ sách lại bị để lãng phí. Việc hỗ trợ để tiếp sức cho những người có tâm huyết duy trì phát triển tiếng Việt ở cộng đồng người Việt tại nước ngoài là công việc rất lớn và có ý nghĩa, nhưng đáng tiếc không còn cơ quan đầu mối, không có kinh phí để triển khai. Trong khi đó, người ta vẫn có tiền làm nhiều việc khác, kể cả những việc tồi tệ như bỏ hàng chục triệu đôla để mua những cái ụ nổi hay con tàu nát bét về làm đồng nát... GS NGUYỄN MINH THUYẾT |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:
Kỳ tới: Để “tiếng nước tôi” vang mãi nơi xa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận