Phóng to |
Các đội thi vượt chướng ngại vật trên xe lăn chật vật vượt qua bậc tam cấp - Ảnh: Ngọc Trường |
Cuộc thi gồm ba phần: vượt chướng ngại vật trên xe lăn, di chuyển khi bị bịt mắt và hỏi thông tin mà không được dùng lời nói hoặc chữ viết. Những người thi phải trở thành người khuyết tật trong suốt cuộc thi.
Hội trại do Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật (3-12).
Đường đua dài chừng 15m với các đoạn được trải cát, đá dăm, đá tảng, bậc tam cấp, cửa hẹp và đích đến cuối cùng là di chuyển lên xe buýt. Mỗi đội thi gồm ba thành viên, hai người ngồi xe lăn và một người hỗ trợ, thời gian di chuyển được tính bằng phút. Vừa vượt qua khỏi đoạn đường ximăng bằng phẳng, không ít đội thi đã ngã chúi khi đi vào phần đất cát. Các thành viên chật vật mãi không biết làm sao thoát khỏi cát lún dù đã dùng hết sức, đỏ mặt tía tai để di chuyển xe lăn. Một số thí sinh đành phải chờ bạn hỗ trợ quay lại mới thoát được. Thử thách vẫn tiếp tục khi các đội phải lôi xe lăn qua các bậc tam cấp một cách khó khăn.
Ngọc Giàu - sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM - chưa hết xúc động sau cuộc thi: “Lúc buộc phải ngồi yên trên xe lăn và không thể làm gì với đôi chân, mình cảm thấy rất bất lực và vô dụng”.
Còn trong phần thi bịt mắt tìm đường, các đội phải nắm áo nhau, dò dẫm từng bước chân để đi hết đoạn đường thi ngắn ngủi, thay vì mất chưa tới một phút chạy qua thì có đội phải mất gần năm phút để hoàn thành. Vấp ngã, đi chệch đường... là lỗi chung của các đội. Cuối cùng trong phần thi hỏi thông tin, dù sử dụng tay chân và cơ thể để diễn đạt ý, nhưng không ít đội đã đưa ra câu hỏi sai và không thể hoàn thành bảng hỏi trong thời gian ba phút.
“Khó” là cảm nhận chung của tất cả thành viên tham gia tranh tài. “Đây là cuộc thi đặc biệt nhất mình từng tham gia. Lúc đầu nhìn đường đua, mình nghĩ có thể vượt qua, nhưng mình không thể làm được gì nếu không có bạn hỗ trợ. Mình đã không hình dung được những khó khăn mà người khuyết tật phải chịu cho đến hôm nay”, Thành Việt - sinh viên Trường đại học Bách khoa - chia sẻ. Còn Ngọc Giàu tâm sự: “Mình thường gặp nhiều người khuyết tật, nhưng thái độ chung của mình chỉ là cảm thông trong lòng mà chưa có hành động hỗ trợ nào cụ thể. Từ nay mình sẽ giúp người khuyết tật trong bất cứ chuyện gì mình có thể chứ không chỉ đưa mắt nhìn ái ngại”.
Chị Lưu Thị Ánh Loan, phó giám đốc DRD, cho biết cuộc thi để các bạn sinh viên trải nghiệm khó khăn của người khuyết tật. “Chúng tôi hi vọng các bạn trẻ sẽ tác động được vào cộng đồng của họ, hỗ trợ người khuyết tật trong cuộc sống, nhất là đối với các bạn sinh viên khuyết tật đang học tập tại các trường”, chị Loan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận