12/11/2023 18:18 GMT+7

Một công ty bất động sản tạm ngừng kinh doanh vì hết tiền

Một doanh nghiệp bất động sản đã nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp về việc tạm ngừng kinh doanh một năm để tìm hướng đi mới. Nhiều công ty con của doanh nghiệp bất động sản lớn cũng đang làm thủ tục giải thể.

Doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu trong khi chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp vẫn phải trả - Ảnh: CƯỜNG NGÔ

Doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu trong khi chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp vẫn phải trả - Ảnh: CƯỜNG NGÔ

Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) - một doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết trên sàn UPCOM (sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty chưa niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán) - sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ 15-11-2023 đến ngày 14-11-2024.

Tạm ngừng kinh doanh vì hết tiền

Công ty PVR Hà Nội cho biết vừa nhận được giấy xác nhận từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh một năm. Lý do để doanh nghiệp sắp xếp lại nhân sự và tìm hướng kinh doanh mới.

Hôm 31-10, hội đồng quản trị PVR đã ra quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trong đó nêu ra việc bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023 doanh nghiệp không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh phí hoạt động.

Việc tạm ngừng là thời gian để công ty xem xét tìm kiếm giải pháp, phương hướng để công ty có tài chính hoạt động trở lại.

Tình hình kinh doanh PVR khá khó khăn, từ năm 2022 đến nay không ghi nhận bất kỳ đồng doanh thu nào. Lợi nhuận ít ỏi đến từ hoàn nhập dự phòng khi đầu tư chứng khoán.

Tại báo cáo tài chính quý 3-2023, mục doanh thu để trắng. Trong khi vẫn phải trả chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp, kết quả PVR lỗ 77 triệu đồng quý 3. Còn lỗ lũy kế tại thời điểm 30-9-2023 gần 79 tỉ đồng.

Tại báo cáo tài chính 2022 của PVR, đơn vị kiểm toán lưu ý về một số khoản đầu tư của PVR vào Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (21,35 tỉ đồng) và Công ty cổ phần Khách sạn dầu khí Lam Kinh (5 tỉ đồng). Ngoài ra, PVR còn chịu rủi ro khi dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên bị thu hồi.

Một số doanh nghiệp khác đang làm thủ tục giải thể, bất động sản bao giờ phục hồi?

Khó khăn của thị trường chung khiến những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng khó ngoại lệ. Báo cáo tài chính quý 3-2023 của DXG ghi nhận cơ cấu tổ chức gồm 86 công ty con. Tuy nhiên trong số này, không ít công ty đang làm thủ tục giải thể như Công ty cổ phần bất động sản miền Đông, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Nam Bộ, Công ty TNHH Đất Xanh Finance, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Bình Phước, Công ty cổ phần đầu tư Diamond Tower, Ruby Tower, Sapphire Tower, Emerald Tower.

9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Đất Xanh đạt 2.305 tỉ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ 2022. DXG báo lãi sau thuế 9 tháng đạt hơn 149 tỉ đồng, giảm 84%.

Theo giải thích của lãnh đạo Đất Xanh, lợi nhuận giảm chủ yếu từ mảng dịch vụ môi giới bất động sản. Tuy nhiên sau khó khăn kéo dài của thị trường từ cuối năm 2022, mảng dịch vụ môi giới bất động sản của Đất Xanh vừa mới bắt đầu có sự phục hồi ở quý 3-2023.

Trong báo cáo quý 3-2023 mới công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện, tuy nhiên chưa hoàn toàn và diện rộng.

Mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Nhiều nơi đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, "sống bằng niềm tin" thị trường sẽ khôi phục cuối năm 2023, theo VARS.

Kết quả khảo sát gần đây của VARS với các hội viên, có tới 60% số người được hỏi cho biết khách hàng của họ sẽ đầu tư bất động sản nếu lãi suất tiếp tục giảm.

Cũng theo VARS, lượng giao dịch toàn thị trường đang tăng dần. Quý 2-2023 thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 ở quý 1. Đến quý 3, thị trường đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý 2 và hơn 2 lần so với quý 1-2023.

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ và bằng khoảng 20% so với giai đoạn sốt đất. VARS chỉ ra do thị trường vẫn thiếu vắng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, giá cả tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại.

Hơn 300.000 tỉ đồng bất động sản tồn kho: đại gia nào ôm nhiều nhất?Hơn 300.000 tỉ đồng bất động sản tồn kho: đại gia nào ôm nhiều nhất?

Tổng trị giá hàng tồn kho bất động sản cuối quý 3-2023 có tăng lên so với cùng kỳ, nhưng có sự phân hóa. Một số doanh nghiệp đã 'hạ nhiệt' trị giá hàng tồn sau một quý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp