Hình ảnh con ốc mà cô giáo S. đã ăn, được người nhà mang đến Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn - Ảnh: FACEBOOK
Bác sĩ Trần Quốc Việt - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) - cho biết cô S. được đưa đến bệnh viện cấp cứu lúc 21h ngày 10-7 trong tình trạng tê tay chân, người tái nhợt, nói khó, mạch chậm và ngay sau đó ngưng thở.
"Tôi làm cấp cứu 30 năm, chưa thấy ca ngộ độc nào nặng và diễn tiến nhanh như vậy, hơn cả ngộ độc cá nóc. Chúng tôi chỉ kịp truyền dịch rồi mở ngay nội khí quản cho thở máy, không kịp lấy máu xét nghiệm luôn. Sau đó, bệnh nhân hồng hào trở lại, nhưng trong tình trạng hôn mê" - bác sĩ Việt kể lại.
Vì Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn không có hệ thống lọc máu, nên lãnh đạo bệnh viện chỉ định chuyển cô S. lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để được cứu chữa.
Tuy nhiên, lúc 23h cùng ngày, khi xe cấp cứu đi đến khu vực thị xã An Nhơn, cách Quy Nhơn hơn 30km, thì cô S. đã tử vong.
Cô S. 26 tuổi, là giáo viên dạy môn tin học của Trường THCS Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Bác sĩ Việt cho biết người nhà cô S. có đem đến bệnh viện một con ốc biển lớn bằng ngón chân cái, vỏ màu nâu đỏ và cho biết khoảng 17h ngày 10-7, cô đã ăn 1 con rưỡi loại ốc này, một người cháu ăn nửa con.
Không lâu sau khi ăn ốc, cô S. bị nôn mửa, tê miệng và chân tay, cứng cổ, khó thở.
Bác sĩ Việt khuyến cáo rằng những loài ốc biển lạ có thể chứa độc tố cực độc, do vậy người dân không nên ăn vì có thể dẫn đến ngộ độc cực nặng, tử vong nhanh.
Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hoài Nhơn, cho biết đã đến chia buồn với gia đình cô S..
Bà Anh nói rằng cô S. mới ra trường được 2 năm, chưa lập gia đình, quê ở xã Hoài Mỹ nhưng dạy học tại xã Tam Quan Bắc của huyện Hoài Nhơn.
Chiều 11-7, gia đình đã tổ chức lễ an táng cho cô S..
Những vụ chết người do ăn ốc biển
* Ngày 15-12-2014: anh Nguyễn Văn Quý, ngụ xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), đi cào ven biển bắt được 14 con ốc bùn răng cưa, đem về nhà luộc cho cả nhà cùng ăn.
Khoảng 30 phút sau ăn, cha vợ, vợ, con gái và một người thân khác của anh Quý đều có biểu hiện nôn ói, tay chân co giật, tê lưỡi.
Cả bốn nạn nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu nhưng cháu Nguyễn Thị Ánh Liên (sinh năm 2008, con gái anh Quý) tử vong, ba nạn nhân khác phải chữa trị nhiều ngày mới khỏi.
* Ngày 23-11-2014: ông Lê Hải, ngụ xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên), bắt được một số ốc biển và luộc ăn cùng hai con là Lê Cẩm Hiếu (sinh năm 2007) và Lê Trung Hiên (sinh năm 2000).
Khoảng ba giờ sau đó hai cháu Hiếu, Hiên bị sốt cao, nóng lạnh, co giật phải đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu.
Sau đó cháu Hiếu nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu và tử vong vào sáng 24-11-2014, còn cháu Hiên phải cấp cứu nhiều ngày mới thoát chết.
* Ngày 26-10-2014: anh Lê Văn Dít (sinh năm 1988), ngụ xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), bắt ốc biển đem về nhà luộc ăn.
Người nhà cho hay chỉ vài phút sau anh Dít bị tê lưỡi, có dấu hiệu liệt tay chân nên được đưa đến cơ sở y tế ở địa phương cấp cứu rồi nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng vài ngày sau nạn nhân tử vong.
* Ngày 11-6-2013: ông Nguyễn Ngọc Toàn ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) ăn vài con ốc biển lạ. 20 phút sau đó ông Toàn ói mửa, tê môi và tay chân, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu.
May mắn là sau nhiều ngày thở máy và được điều trị tích cực, ông Toàn đã được cứu sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận