03/03/2017 12:25 GMT+7

Một bi kịch không nước mắt

NGUYÊN MINH
NGUYÊN MINH

TTO - Tác phẩm điện ảnh vừa giành giải Kịch bản gốc hay nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc (cho Casey Affleck) đưa lên màn bạc một câu chuyện đầy bi kịch nhưng không đẫm nước mắt.

Cảnh trong Manchester by the Sea

Từ khi ra mắt vào cuối tháng 1-2016 tại Liên hoan phim độc lập Sundance (Mỹ), Manchester by the Sea của đạo diễn Kenneth Lonergan đã nhận vô số lời khen từ giới phê bình điện ảnh. Nhiều hãng thông tấn như AP hay Rolling Stone còn ưu ái gọi bộ phim tâm lý này là “một kiệt tác”.

Tại đêm trao giải Oscar lần thứ 89, Manchester by the Sea được tôn vinh ở hai hạng mục quan trọng -  Kịch bản gốc hay nhất (dành cho chính đạo diễn Kenneth Lonergan) và Nam diễn viên chính xuất sắc (dành cho Casey Affleck với vai diễn Lee Chandler).

Nhân vật chính trong Manchester by the Sea là Lee Chandler -  một người đàn ông có cuộc sống lặng thầm và nhàm chán ở Quincy (bang Massachusettes) với những mùa đông dài lạnh lẽo trong tuyết trắng.

Ban ngày, anh đi từng ngôi nhà để sửa chữa và dọn dẹp theo yêu cầu của những người dân. Khi đêm về, Lee cố gắng tìm niềm vui trong những chai bia cùng những trận đấu bóng. Anh sống một mình, chẳng giao lưu với ai và coi nỗi cô đơn như một người bạn tri kỷ.

Biến cố xảy đến khi Joe (Kyle Chandler thủ vai) -  anh trai của Lee -  đột ngột qua đời. Lee phải trở về thị trấn Manchester-by-the-Sea -  quê nhà của anh -  để lo hậu sự và trở thành người giám hộ bất đắc dĩ cho người cháu trai Patrick (Lucas Hedges đóng).

Ký ức về chuyến ra khơi dưới ánh nắng hè rực rỡ cùng anh trai Joe và cậu nhóc Patrick bỗng nhiên trở lại, dẫn dắt người xem bước vào cuộc đời đầy bi kịch của Lee.

Manchester by the Sea là một bộ phim nói về bi kịch gia đình, sự mất mát, nỗi tuyệt vọng và cách con người đối diện với những đau đớn. Phim không đi theo trật tự tuyến tính thời gian thông thường mà xen kẽ giữa hiện thực và quá khứ theo những ký ức của nhân vật Lee.

Hai mốc thời gian được kể liên tiếp, đai cài vào nhau để khi ráp nối lại tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh bi thương nhưng cũng rất đẹp đẽ về gia đình.

Cảnh trong Manchester by the Sea

Manchester-by-the-Sea là thị trấn mà Lee đã lớn lên cùng anh trai, từng có quãng thời gian hạnh phúc bên người vợ là Randi (Michelle Williams thủ vai). Một biến cố xảy đến đã buộc anh phải rời bỏ mái ấm, nói cách khác là “chạy trốn” đến Quincy để bắt đầu một cuộc sống mới, cố gắng vứt bỏ mọi thứ.

Nhưng quá khứ vẫn ở đó, đeo bám Lee mỗi ngày và biến anh trở thành một con người trầm lặng, bất cần, gần như vô cảm trong các mối quan hệ xung quanh. Khi phải trở lại Manchester-by-the-Sea, mọi đau đớn của những ngày xưa lại hiện về mạnh mẽ hơn bao giờ hết, như cào xé trái tim sâu thẳm bên trong của một người đàn ông từng mất hết tất cả mọi thứ.

Giải Kịch bản gốc hay nhất được trao cho nhà biên kịch Kenneth Lonergan, cũng là đạo diễn phim, là hoàn toàn xứng đáng. Manchester by the Sea tinh tế ở những chi tiết rất nhỏ nhặt, rất đời thường.

Cậu bé ngỗ nghịch tuổi teen - Patrick - khá bình thản khi cha mình qua đời, thậm chí còn không dám nhìn cha lần cuối trong nhà xác. Sau đám tang, cậu nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường, đến trường, đi tập ban nhạc và giữ quan hệ với hai cô bạn gái. Tuy nhiên, Patrick lại có thể bật khóc tức tưởi khi cộc đầu vào tủ lạnh, khi nhìn thấy những khay thịt ướp đá và nghĩ đến cha mình. 

Là một phim nói về bi kịch gia đình và những đau thương, mất mát nhưng Manchester by the Sea lại không đẫm nước mắt. Trái lại, cách kể xen lẫn những câu thoại hay tình huống của Kenneth Lonergan lại khiến phim có nhiều trường đoạn khiến khán giả bật cười.

Phân đoạn cháu trai Patrick “giới thiệu” bạn gái cho ông chú Lee hay cảnh Randi “quát” chồng vì chơi bời thâu đêm dưới tầng hầm với đám bạn già được thể hiện rất hài hước. Nhưng ngay sau đó là những phân đoạn cao trào bất chợt.

Kenneth đã biết cách kìm nén cảm xúc trong kịch bản một cách rất tinh tế để rồi bùng nổ ở thời điểm thích hợp, khiến không ít người xem phải kinh ngạc, bàng hoàng.

Diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên cũng là yếu tố quan trọng tạo nên cảm xúc cho Manchester by the Sea. Nổi bật nhất vẫn là Casey Affleck - “ông hoàng” của Oscar năm nay. Đóng phim từ lâu và đã nhận được đề cử Oscar về diễn xuất nhưng Casey vẫn luôn bị gắn mác “em trai Ben Affleck” do ông anh “phủ sóng” quá rộng rãi.

Tuy nhiên với nhân vật Lee Chandler, Casey đã thực sự bước qua cái bóng của người anh trai nổi tiếng để được công nhận bằng tài năng diễn xuất. Nỗi đau đớn, sự giằng xé trong nội tâm của Lee được Casey thể hiện với vẻ khắc khổ hay ánh mắt buồn.

Anh đã thể hiện đẳng cấp và thuyết phục người xem qua những trường đoạn đòi hỏi sự thay đổi đột ngột trong trạng thái cảm xúc, vừa yếu đuối, lại vừa mạnh mẽ.

Cảnh trong Manchester by the Sea

Ngoài Casey Affleck, Michelle Williams và nam diễn viên mới tròn 20 tuổi -  Lucas Hedges -  cũng là những tài năng góp phần tạo nên một Manchester by the Sea đầy cảm xúc. Lucas đã thể hiện rất tinh tế hình ảnh một cậu bé tuổi teen ngổ ngáo với cuộc sống bận rộn từ đi học, đi chơi nhạc, thể thao và còn phải chăm sóc hai cô bạn gái.

Đó là một cuộc sống hoàn toàn trái ngược với ông chú lầm lũi, chai sạn với cuộc đời. Trong khi đó, Michelle Williams không nhiều đất diễn nhưng mỗi lần xuất hiện là một lần tỏa sáng.

Phân đoạn khi Randi gặp lại Lee, với hình ảnh được chọn làm Poster phim, là cảnh quay khiến người xem nhớ mãi. Những giọt nước mắt muộn màng, giọng nói run run, nụ cười gượng gạo dù chỉ diễn ra trong chốc lát nhưng lại có sức nặng mãnh liệt.

Câu chuyện của Manchester by the Sea là câu chuyện về những con người bình thường, có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tên của thị trấn trong phim giống như một biểu tượng mà ai từng trải qua đau đớn, mất mát cũng có một Manchester-by-the-Sea cho riêng mình.

Bi kịch đôi khi khiến con người muốn vứt bỏ mọi thứ, rời xa thành phố mình đang sống để đến với một chân trời mới, quên đi quá khứ, trở thành một người hoàn toàn khác và lẫn trong đám đông. Manchester by the Sea khai thác vẻ đẹp từ những mất mát để cho thấy rằng trong cuộc sống này, hạnh phúc và khổ đau sẽ luôn song hành cùng nhau.

Khoảng cách giữa sự sống và cái chết, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa yêu thương và bi kịch là rất mong manh. Thời gian vẫn cứ trôi và dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, con người vẫn cứ phải sống bởi đôi khi, cái chết chẳng hề dễ dàng.

 

NGUYÊN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp