Một nhóm nhảy freestyle biểu diễn trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM thu hút đông đảo người xem - Ảnh: Quang Định |
Một chiều chủ nhật tình cờ (19-7), nhiều người đi bộ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ “ngỡ ngàng” khi thấy một dàn... trai đẹp lực lưỡng, ta có Tây có, vừa đi vừa giương bảng hô to khẩu hiệu “Your body reflects your lifestyle” (Thân hình bạn phản ánh lối sống của chính bạn).
Hóa ra, họ đến từ một CLB tập thể hình, thể thao và đang cố gắng cổ vũ cho lối sống chăm vận động ở lớp thanh niên trẻ, dân văn phòng... Sự xuất hiện của họ lập tức làm “náo động” cả một góc phố với sự tò mò xen lẫn thú vị từ những người qua đường.
Và người đi bộ ở phố Nguyễn Huệ lúc nào cũng trong tâm trạng ấy, tâm trạng “mình sẽ được xem cái gì hay ho đây!”. Hay nhất có lẽ quảng trường này giờ đây đã trở thành sân sinh hoạt chung của rất nhiều loại hình nghệ thuật - thể thao đường phố khác nhau.
Duy, thành viên của nhóm trượt patin nghệ thuật Iskate - một trong những nhóm patin được thành lập lâu đời nhất Sài Gòn, chia sẻ: “Trước đây khi chưa có phố đi bộ, tụi mình thường rất khó tập hợp nhau. Hoặc phải tụ tập ở Q.Thủ Đức, Q.10...
Nhưng giờ thì ngày nào nhóm cũng có thể gặp nhau, tập luyện, biểu diễn. Để đi được một đôi giày patin, bạn có thể chỉ mất năm ngày. Nhưng để có thể điều khiển chúng một cách nhuần nhuyễn, vượt qua các chướng ngại vật, phô diễn được kỹ thuật khó thì phải cần rất nhiều thời gian và cần có không gian để thực hành”.
Nói đoạn, Duy cười tươi rói biểu diễn “vài đường cơ bản”: trượt patin với tốc độ... ánh sáng lách qua một hàng chướng ngại vật xếp thẳng hàng, mỗi cái chỉ cách nhau chừng 20cm và không làm đổ bất cứ chướng ngại vật nào.
Cứ tầm chiều tối 6 - 7g là nhiều người lại tụ tập thành những hàng cổ động viên đông đảo quanh hội patin để xem các màn trình diễn thú vị. Một đôi nhảy nam với phong cách “thiên nga đen” khiến đám đông ồ lên thán phục khi vừa trượt patin vừa khiêu vũ ballet vượt qua dàn chướng ngại vật.
Những đôi giày trượt nhiều màu vừa đi vừa phát sáng, những cô bé cậu bé thậm chí chỉ tầm 5 - 6 tuổi cũng hăm hở thử sức mình, không gian của phố Nguyễn Huệ đã được “điểm tô” bằng những nhóm, hội sôi động và duyên dáng như thế!
Một bạn nữ mừng sinh nhật 23 tuổi của mình bằng cách bịt mắt lại và ôm (free hugs) mọi người trên phố đi bộ Nguyễn Huệ chiều 12-7 - Ảnh: Q.Đ. |
Ở một góc khác gần nhà sách Nguyễn Huệ, Khiêm - một họa sĩ đường phố - trưng bảng: vẽ tranh, 5 USD/bức và chăm chú ngồi họa lại chân dung một thiếu nữ từ một bức ảnh cũ nhòe nhoẹt.
Anh ngồi đó, vừa như hòa lẫn vào đám đông vừa như có chút gì đó tĩnh tại. Người qua đường lâu lâu dừng lại thật lâu xem anh họa tranh. Khiêm kể mình không kiếm sống bằng nghề “vẽ dạo” này, chỉ là muốn có thêm chút gia vị cho cuộc sống của mình. “Ngắm phố, ngắm người cũng hay mà” - anh nói.
Làm một bài “kiểm tra” nhỏ bằng cách đến phố đi bộ vào nhiều thời điểm khác nhau để cảm nhận “phố thở” thế nào mới thấy người dân Sài Gòn đã dành cho con phố này thật nhiều tình cảm.
Buổi sáng sớm, người trẻ ríu rít rủ nhau đến đây để “lợi dụng” ánh sáng ban mai tuyệt đẹp và thời điểm hai sân khấu nhạc nước hoạt động ban ngày để ghi lại những hình ảnh ấn tượng cho một bộ ảnh thời trang.
Bạn Phạm Ngọc Bảo Trâm (nhóm Iskate) với kỹ thuật crazy slalom trượt né chướng ngại vật trên phố đi bộ tối 24-7 - Ảnh: T.T.D. |
Trưa là thời điểm phố im ắng hơn một chút, nhưng cũng không thiếu khách du lịch vãng lai và là “thời điểm vàng” để những chương trình truyền hình ghi hình, quay MV ca nhạc...
Chỉ đến chiều tối, phố mới thật là phố! Cô Tuyết (gần 70 tuổi, một tay đẩy xe nôi cháu nội, một tay dẫn cún cưng đi dạo) kể:
“Trong lúc đợi con đi làm về, chiều nào hai bà cháu cũng dắt nhau dạo bộ ở đây. Ồ lại phát hiện ra có rất nhiều ông bà khác cũng thế nhé! Hỏi thăm nhau dăm ba câu, ở Sài Gòn nhiều khi nhà sát vách nhau đó mà cũng không mấy giao tiếp đâu... Chỉ đến khi ra phố gặp nhau thế này mới biết: hóa ra nhà đó ở ngay trong khu nhà mình!”.
Trẻ con sung sướng chạy chơi không rời mắt khỏi những chú hề làm bóng đủ hình dạng, kích cỡ, giá 25.000 - 30.000 đồng/chùm bóng. Rất nhiều người trong số những chú hề đó là sinh viên tỉnh lên học ở TP, tranh thủ kiếm thêm sau giờ tan trường.
Họ hóa trang sặc sỡ, đội mũ tua rua, đeo chiếc mũi giả to và đỏ như quả cà chua. Không ai biết họ vui hay buồn giữa phố phường hoa lệ...
Trình diễn nhạc dân tộc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: T.T.D. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận