14/02/2019 06:25 GMT+7

Một câu chuyện đẹp về tình yêu xuyên biên giới

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Chàng là sĩ quan quân đội, công tác ở một trạm rađa miền núi. Nàng là kỹ sư tài năng làm việc cho một tập đoàn thép ở châu Âu. Họ đã viết nên một câu chuyện đẹp về tình yêu.

Một câu chuyện đẹp về tình yêu xuyên biên giới - Ảnh 1.

Ảnh cưới của vợ chồng thiếu tá Trần Trọng Tuấn và tiến sĩ Vũ Thị Trần - Ảnh: VŨ TRẦN

Tình yêu là động lực để làm việc nhiều hơn. Tụi mình yêu nhau một cách thầm lặng, không ồn ào.

Thiếu tá TRẦN TRỌNG TUẤN

Hơn ba năm trước, trong một ngày mùa đông giá lạnh, khi đến công tác tại Trạm rađa 35 (trung đoàn 293, sư đoàn phòng không Hà Nội) ở Sơn La, tôi gặp chị Vũ Thị Tần - người yêu của trạm trưởng Trần Trọng Tuấn. 

Chị vừa từ Tây Ban Nha về, lặn lội từ đồng bằng lên vùng núi thăm bạn trai. Lúc đó Tần 30 tuổi, đã là tiến sĩ, đang làm việc cho một tập đoàn thép ở Tây Ban Nha.

Tình yêu xuyên biên giới

Thật lòng mà nói, lúc đó tôi không nghĩ đến việc họ sẽ có một cái kết có hậu bởi khoảng cách quá xa xôi và một năm chỉ gặp nhau được một lần. 

Bẵng đi mấy năm, tôi khá bất ngờ khi hay tin họ vừa làm đám cưới và cô nàng tiến sĩ đã chuyển về Việt Nam, công tác tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

"Về Việt Nam là quyết định rất khó khăn vì mình đã có công việc ổn định và chỗ đứng ở nước ngoài. Còn anh Tuấn thì rất yêu và tự hào về công việc của mình - một sĩ quan quân đội. Có thể nói mình bỏ tất cả để được ở bên Tuấn" - tiến sĩ Vũ Thị Tần chia sẻ.

Sống ở Tây Ban Nha hơn bảy năm, là 1 trong 10 kỹ sư tài năng của một tập đoàn thép châu Âu, có lời mời của một tập đoàn thép châu Á về Hàn Quốc làm việc với mức lương 200.000 USD/năm (sau thuế) nhưng Tần vẫn từ chối vì thích cuộc sống ở Tây Ban Nha. 

Nói ra điều đó để thấy cô nàng yêu Tây Ban Nha đến nhường nào. Nhưng cuối cùng, tình yêu với chàng sĩ quan Việt Nam đã chiến thắng sự nghiệp, tiền bạc, danh vọng.

"Tụi mình cùng quê Hà Nam, học cùng trường cấp III. Năm 2004, mình thi Học viện Phòng không không quân, còn Tần thi Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội" - thiếu tá Trần Trọng Tuấn, hiện công tác tại một trạm rađa ở Hà Nội, nói. 

Mới nhập học một thời gian thì Tần đi Nga học theo chương trình đào tạo dành cho những sinh viên xuất sắc (năm 2004).

"Tụi mình liên lạc qua Internet, nhưng ở học viện thì Internet chỉ phục vụ nghiên cứu học tập chứ không cho giải trí. 

Khoảng mấy tuần hay mấy tháng mình mới xin ra ngoài được một lần để nói chuyện qua Yahoo!. Chỉ nói chuyện được khoảng một tiếng là phải về rồi" - thiếu tá Trần Trọng Tuấn kể. Lúc đó họ vẫn chưa nói lời yêu.

Ba năm sau, chị về nước nghỉ hè. Anh tỏ tình, chị chưa nhận lời. Chị quay về Nga mà câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. 

Tình cảm cứ thế tự nhiên tiến triển. Đến năm 2010 tốt nghiệp ở Nga, về nước không lâu chị lại đi Tây Ban Nha khi nhận được học bổng của một chương trình đào tạo sau đại học.

Anh Tuấn cho hay: "Công việc của đứa nào cũng bận, lại lệch múi giờ nên tụi mình chỉ nói chuyện vào tối thứ bảy. Ở bên kia khi Tần xong việc thì bên mình là giữa đêm. 

Hai đứa nói chuyện từ 23h đến 1h sáng. Mỗi đứa kể về cuộc sống hằng ngày bên đó và bên này, không bao giờ thấy nhàm chán".

Gặp được nhau thôi là đủ

Hỏi điều gì ở người sĩ quan này khiến mình yêu đến vậy, cô tiến sĩ trẻ cười bảo: "Mình rất quý, trân trọng sự chân thành và tình yêu vô bờ bến của Tuấn dành cho mình. 

Yêu bộ đội lại còn yêu xa, tủi thân lắm. Những ngày đặc biệt chẳng bao giờ được tặng hoa hay quà. Nhưng chỉ cần tin nhắn "em yêu, chúc mừng 8-3 nhé" là đủ".

"10 năm yêu xa, tụi mình chia tay ba lần vì nghĩ con đường hai đứa đi chắc chẳng bao giờ gặp nhau. Công việc của Tần ở Tây Ban Nha rất thuận lợi. Bảo cô ấy từ bỏ đam mê là điều khó khăn vô cùng. Mình thì rất yêu môi trường quân đội. 

Với mình, đơn vị như gia đình thứ hai. Bố mình là lính bộ binh, trải qua chiến tranh. Quá trình học, sống, đào tạo trong năm năm học viện, mình đã gắn bó và yêu quý môi trường này, không thể từ bỏ được" - thiếu tá Trần Trọng Tuấn kể.

Giữa năm 2017, Tần quyết định về Việt Nam. Một đám cưới giản dị, gọn gàng được tổ chức. Hai ngày sau khi cưới, chị đã phải đi công tác suốt ba tháng ở Tây Ban Nha. 

"Giai đoạn trước khi cưới, kỷ niệm đẹp nhất là các lần ở gần nhau vì tụi mình ít có điều kiện gặp nên quý và trân trọng thời gian được gặp nhau lắm. 

Chỉ cần gặp nhau thôi là đủ, không cần trong bối cảnh hữu tình hay lãng mạn. Lấy nhau rồi, tụi mình rất thích buổi chiều ngồi ở bancông uống trà. Vợ rất thích cảm giác vừa uống trà vừa nắm tay chồng" - anh Tuấn cười hạnh phúc.

Nơi đi chơi đầu tiên

10 năm yêu xa, số lần họ gặp nhau đếm trên đầu ngón tay: tám lần. Có khi hai năm họ mới gặp được nhau.

Vì đặc thù công việc trong môi trường quân đội, anh không thể ra nước ngoài thăm chị.

Lần nào họ gặp nhau cũng là khi chị về nước nghỉ hè hoặc nghỉ phép. Đơn vị anh đóng quân ở một tỉnh miền núi, nên lần nào cô gái bé nhỏ ấy cũng đi xe vượt mấy trăm kilômet lên thăm anh! 10 năm yêu nhau, chỉ có hai lần anh được đưa chị đi chơi.

Nơi đầu tiên mà anh đưa chị đến là... nhà tù Sơn La vì gần đơn vị, có lệnh thì có mặt ở đơn vị được ngay.

"Yêu mình, cô ấy thiệt thòi nhiều, luôn là người đến thăm mình. 10 năm yêu nhau, mình chưa tặng cô ấy món quà nào, chưa một lần đi mua sắm, đi du lịch" - thiếu tá Trần Trọng Tuấn tâm sự.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp