12/12/2012 01:27 GMT+7

"Một cái cớ"

KHỔNG LOAN - ĐÔNG PHƯƠNG
KHỔNG LOAN - ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Đó là đánh giá của tiến sĩ - luật sư Lê Nết về việc Trung Quốc tiếp tục có những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, nhằm hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò” phi pháp.

WnkRcY4d.jpgPhóng to

Cục Khí tượng của cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc thành lập trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: Tân Hoa xã

Theo báo mạng Nam Hải, lãnh đạo của cái gọi là “thành phố Tam Sa” (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) mới đây lại tuyên bố sẽ đầu tư 6 triệu nhân dân tệ (960.000 USD) để đẩy mạnh việc phát triển ngư nghiệp, du lịch, dầu khí tại “Tam Sa”. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đang ráo riết chuẩn bị việc đăng ký thương hiệu địa danh cho 275 đảo thuộc “thành phố Tam Sa” với Tổng cục Công thương quốc gia Trung Quốc.

Việc đăng ký thương hiệu địa danh cho các đảo ở “thành phố Tam Sa” là bước đệm cơ bản để Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch xây dựng và khai thác quần đảo này. Chủ nhiệm văn phòng thành ủy “Tam Sa” Trần Tế Dương trắng trợn tuyên bố sẽ ra sức phát triển ngư nghiệp, du lịch biển, khai thác dầu khí cũng như sử dụng các thế mạnh về tài nguyên và thương hiệu của “Tam Sa” để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư. Mục tiêu là khuyến khích các doanh nghiệp “đăng ký thành lập tại Tam Sa, nộp thuế cho Tam Sa, thương hiệu thuộc về Tam Sa, vận động kinh doanh tại Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông)”.

Các dự án phi pháp

Ông Trần Tế Dương còn tiết lộ sắp tới “Tam Sa” sẽ đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng như sân bay, cầu cảng, các thiết bị cung cấp điện nước...

Ngoài ra, tòa án biển ở thành phố Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam) cũng tuyên bố thành lập tòa án biển tại “thành phố Tam Sa” nhằm “phủ sóng xung quanh, bao quát toàn bộ các đảo” của “thành phố Tam Sa”. Trung Quốc cho biết việc mở rộng tòa án xét xử các vụ án về thương mại biển và xung đột trên biển sẽ tạo cơ hội mới cho chiến lược nâng cao sức mạnh trên biển của tỉnh Hải Nam và chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc.

Tân Hoa xã ngày 10-12 cũng đưa tin Trung Quốc chính thức khởi công xây dựng trạm giám sát tổng hợp khí quyển quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Vẫn với giọng điệu cũ và mập mờ, Tân Hoa xã khăng khăng cho rằng mục đích của trạm này là triển khai công tác bảo vệ môi trường biển Đông, cung cấp các dịch vụ công cộng về giám sát môi trường để phục vụ cái gọi là “nhu cầu thực hiện chủ quyền quốc gia và quản lý các công việc liên quan đến lãnh thổ”.

“Không muốn bị bức chế”

Trong khi đó, theo báo Daily Inquirer, ngày 11 và 12-12 Mỹ và Philippines lại gặp nhau để thảo luận về việc Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự ở Philippines. Thứ trưởng ngoại giao Philippines Carlos Sorreta cho biết cuộc gặp tập trung vào quốc phòng, đặc biệt là sự hiện diện luân phiên của binh lính Mỹ tại Philippines.

Ông cho biết dù các cuộc gặp không tập trung thảo luận về tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên biển Đông, “nhưng các quan chức nhà nước phải đáp ứng những yêu cầu từ nhân dân và từ tình hình an ninh, vì vậy rất khó mà không bàn gì về chuyện biển Tây Philippines (cách Philippines gọi biển Đông)”.

Các quan chức hai nước dự kiến thảo luận về khả năng tăng số lượng binh sĩ, tàu bè, máy bay từ Mỹ đến Philippines cũng như hỗ trợ khả năng tự vệ cho quân đội Philippines.

Tờ South China Morning Post dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nhấn mạnh: “Không một quốc gia có chủ quyền nào muốn bị bức chế. Trung Quốc đang cố gắng bức chế chúng tôi, yêu cầu chúng tôi phải làm thế này thế nọ. Chúng tôi thấy phải dùng tất cả những công cụ để tìm kiếm giải pháp tranh chấp trong hòa bình, phù hợp với lợi ích quốc gia”.

Những công cụ mà Philippines nói đến gồm các cuộc đàm phán đối thoại với ASEAN và các đối tác, ngoại giao song phương với Bắc Kinh, thậm chí xem xét kiện Trung Quốc. Ngoại trưởng Del Rosario cho rằng mục tiêu lâu dài phải mang tính pháp lý và chính trị bền vững. Ông nhấn mạnh: “Hi vọng Trung Quốc sẽ nhận ra việc trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế là lựa chọn tốt hơn là khoe gân cốt”.

Cần khung pháp lý

Reuters ngày 11-12 dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cảnh báo về chuyện “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và những nước khẳng định chủ quyền trên biển Đông. Ông cho rằng cần có một khung pháp lý để khuyến khích các bên tăng cường đối thoại. “Điều chúng ta có thể làm tốt nhất là thiết lập các quy chuẩn và nguyên tắc để giải quyết những vấn đề này khi chúng xuất hiện” - ông Marty Natalegawa nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động phi pháp, ông Natalegawa cảnh báo hậu quả có thể xảy ra khi tình hình căng thẳng leo thang nếu không có bộ quy tắc ứng xử (COC) để kiềm chế hành vi của chính các quốc gia liên quan trên biển.

“Lấy tài sản không thuộc về mình để đăng ký...”

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên thế giới cũng như ở VN, những khái niệm liên quan đến địa danh chỉ có “nhãn hiệu tập thể” hoặc “chỉ dẫn địa lý”, chứ không có khái niệm “thương hiệu địa danh” hay “geographic name mark” mà báo Trung Quốc dùng.

Tôi cho rằng Trung Quốc muốn coi đây là một hành động pháp lý để xác lập chủ quyền với cái họ gọi là “thành phố Tam Sa”, thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Đây là chuyện VN cần phản đối. Không ai có thể lấy tài sản không thuộc về mình để đăng ký nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý được, kể cả đăng ký ở Trung Quốc.

Về phía VN cần cảnh giác, thẩm định kỹ càng với các đơn đăng ký từ các chủ thể là cá nhân, tổ chức Trung Quốc. Từng có khách hàng Trung Quốc thuê chúng tôi đăng ký nhãn hiệu có tên quốc tế của quần đảo Trường Sa (Spratly). Tất nhiên chúng tôi từ chối cung cấp dịch vụ cho họ.

* Luật sư Nguyễn Thanh Hà (giám đốc điều hành Công ty luật S&B)

“Không có giá trị”

Xét cho cùng, đây chỉ là một cái cớ để họ khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đến quyền tài phán của Trung Quốc ở vùng này còn không đúng, không rõ ràng thì việc họ đăng ký cái gì đi chăng nữa cũng không có bất cứ giá trị gì, dù họ có gọi đó là nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu địa danh hay bất kỳ cái gì khác. Luật sở hữu trí tuệ hay luật gì cũng vậy, đều có tính lãnh thổ, văn bằng bảo hộ cũng chỉ có giá trị trên một lãnh thổ nhất định. Lãnh thổ của Trung Quốc không bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì mọi việc họ đăng ký bất kỳ cái gì liên quan đến khu vực này đều không có giá trị.

* Tiến sĩ - luật sư Lê Nết (Đại học Luật TP.HCM)

“Im lặng là công nhận”

Việc này như là một cơ sở để Trung Quốc khẳng định chủ quyền mà họ cho là của họ ở quần đảo Hoàng Sa. Những việc tương tự từng xảy ra rồi và họ cứ làm từng ngày, từng ngày. Nếu VN không phản đối thì họ sẽ cho là VN công nhận. Trong luật quốc tế thì im lặng là công nhận. Họ sẽ diễn giải họ đã thực thi chủ quyền và không gặp phải sự phản đối nào cả.

KHỔNG LOAN - ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp