19/03/2014 01:21 GMT+7

Một buổi đờn ca tài tử tại... báo Tuổi Trẻ

HOÀNG OANH - QUỲNH NGUYỄN
HOÀNG OANH - QUỲNH NGUYỄN

TT - Gần 300 bạn đọc đã đến tham dự buổi giao lưu chủ đề Tài tử - cải lương, sự tương đồng và khác biệt tại báo Tuổi Trẻ vào sáng 18-3. Đây là con số ngoài mong đợi của những người tổ chức chương trình, bởi trước đó nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng vẫn e dè: “Hi vọng có khoảng 100 người đến là vui!”.

Tìm hiểu về tài tử và cải lương tại báo Tuổi Trẻ

woxOER1M.jpgPhóng to
Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình Tài tử - cải lương, sự tương đồng và khác biệt tại báo Tuổi Trẻ sáng 18-3 - Ảnh: Quang Định

Nhiều bạn đọc đến rất sớm và “xí” ngay những hàng ghế đầu tiên. Càng gần đến giờ giao lưu, người đến càng đông và ngồi kín hết tất cả hàng ghế còn lại. Ban tổ chức phải huy động thêm ghế mới đáp ứng đủ nhu cầu. Ai cũng tỏ ra rất hứng thú với ý tưởng khá lạ lần đầu tiên được thực hiện: “đi tìm hiểu âm nhạc truyền thống tại tòa soạn báo!”. Vì thế, buổi giao lưu tưởng kén khán giả này đã trở thành cuộc trò chuyện nghệ thuật sôi nổi, thú vị, thân tình và ấm áp.

Tấm lòng nghệ sĩ

Dù 9g chương trình mới bắt đầu nhưng từ hơn 8g, GSTS Trần Văn Khê đã có mặt để chuẩn bị cho phần trình bày của mình. Lúc ngồi trên ôtô từ nhà đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ, vị giáo sư 94 tuổi trầm ngâm: “Không biết có nhiều người đến dự không. Nhưng dù ít hay nhiều thì ý tưởng về một chương trình miễn phí như vầy vẫn rất hay, rất đáng được nhân rộng!”.

“Phải hiểu rồi mới thương”

GS Trần Văn Khê băn khoăn khi giới trẻ ngày nay sẵn sàng bỏ tiền triệu để xem các buổi trình diễn ca nhạc mà đôi khi ca sĩ chỉ là hát nhép, hoặc nghe nhạc nước ngoài chứ không tìm đến các sân khấu ĐCTT. Tuy nhiên ông cũng như các đồng nghiệp, học trò của mình vẫn miệt mài phổ biến và biểu diễn ĐCTT mỗi khi có cơ hội với niềm tin mạnh mẽ là mọi người sẽ thích thú nếu một lần được nghe qua. Để thương trước tiên phải hiểu, hiểu rồi mới thương, mới sống đời với nó được. Theo ông, Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ các nghệ nhân ĐCTT để họ có thể sống vui, sống khỏe với kiến thức và tay nghề của mình.

Một góc của hội trường báo Tuổi Trẻ bỗng trở thành “hậu trường sân khấu”, nơi các nghệ sĩ, nhạc công, tài tử đờn, tài tử ca tất bật lên dây, chỉnh âm, trang điểm, chỉnh sửa trang phục. Trong khi đó, NSƯT Thanh Sang thay vì phải lên xe về miền Tây làm chủ hôn cho một đám cưới của gia đình đã tranh thủ nán lại thành phố để tham dự chương trình. Ông đến rất sớm và ngồi chờ đến lượt mình biểu diễn minh họa trích đoạn cải lương Bên cầu dệt lụa. Ở tuổi 72, Thanh Sang một lần nữa hóa thân thành Trần Minh và cùng với nàng Quỳnh Nga (nghệ sĩ Linh Huyền) đưa mọi người trở về với những giai điệu bài bản nổi tiếng của tuồng cải lương kinh điển. Khán giả vỗ tay rần rần mỗi khi người nghệ sĩ xuống xề hay dứt bài.

NSƯT Thanh Sang cho biết: “Buổi sáng hôm nay gợi tôi nhớ lại những buổi sáng đi diễn ở quê ngày xưa, cũng miễn phí nên đông và vui lắm. Bà con băng đồng lội ruộng đi xem, ai cũng mang theo cục gạch để kê ngồi!”. Còn nghệ sĩ Linh Huyền tâm sự: “Từ hôm qua ông xã cứ dặn tôi phải giữ giọng cho tốt để hát minh họa cho đúng. Mấy chục năm đi hát, tôi luôn mong sẽ có dịp được cùng các anh chị em nghệ sĩ biểu diễn miễn phí cho công chúng với mục đích phổ biến kiến thức về âm nhạc dân tộc. Báo Tuổi Trẻ đã có một chương trình rất đúng đắn, kịp thời và tiên phong. Hi vọng sẽ còn nhiều chương trình như thế này được tổ chức”.

Đờn ca tài tử qua màn hình “điện thoại thông minh”

Đến dự chuyên đề cùng chiếc điện thoại thông minh hay một máy tính bảng, máy chụp hình là “hiện tượng” trong buổi nói chuyện về đờn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương. Những “trợ thủ đắc lực” là thiết bị di động, ghi âm, ghi hình nhỏ bé trên tay những bạn trẻ sành điệu hay những khán thính giả “tóc muối tiêu” liên tục được giơ lên cao, làm việc không ngừng. Các “trợ thủ đắc lực” đó thi thoảng được nghỉ ngơi khi chủ nhân bận... vỗ tay.

Độc giả Hồng Minh (45 tuổi, ngụ P.5, Q.3) cho hay bà đã chờ đợi một chuyên đề như thế này từ rất lâu rồi bởi bản thân bà cũng yêu thích ĐCTT, cải lương, vọng cổ nhưng lại không hiểu lắm sự khác biệt giữa những loại hình nghệ thuật này. “Tôi rất muốn dắt con gái theo nhưng kẹt hôm nay là ngày cháu đi học” - bà Minh tiếc nuối nhưng cũng tự an ủi là sẽ ghi âm, chụp ảnh về cho con gái xem.

Chương trình trở nên sôi nổi khi đến phần giao lưu. Rất nhiều câu hỏi và thắc mắc của khán giả được đặt ra xung quanh những vấn đề của ĐCTT và cải lương. Có bạn trẻ hỏi sao không thấy cây đàn sến xuất hiện trong dàn nhạc cổ nữa. Có bạn lại muốn tìm hiểu về những ban nhạc tài tử và gánh hát cải lương của Nam kỳ những năm đầu tiên. Cũng có người lại rất muốn biết những địa chỉ có thể học các nhạc cụ truyền thống và tìm hiểu sâu hơn thế nào là “hò, xự, xang, xê, cống”... GS Trần Văn Khê đã trả lời các câu hỏi bằng nguồn kiến thức sâu rộng và uyên thâm của mình về âm nhạc dân tộc. Cách trò chuyện bác học nhưng vẫn rất dí dỏm của vị giáo sư già khiến mọi người bật cười và vỗ tay không ngớt.

Đến tham dự buổi giao lưu và ngồi lẫn trong hàng ghế khán giả, tay bass của nhóm nhạc rock Black Infinity đã khiến nhiều người bất ngờ khi đặt câu hỏi về ranh giới của sự sáng tạo và lai căng khi kết hợp nhạc cụ dân tộc với những giai điệu âm nhạc điện tử hiện đại. Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng cho rằng: “Việc đưa đàn tranh, đàn bầu, sáo... vào nhạc jazz, rock là một sự kết hợp độc đáo và thú vị, đem lại sự tò mò và thích thú nhất định cho khán giả. Tuy nhiên nó cũng chỉ mang tính màu sắc chứ không nên là một sự thay thế hoàn toàn”.

Sau buổi giao lưu, cảm thấy quá thú vị, anh Vĩnh Nguyên (công tác ở HD Bank, Q.Phú Nhuận) bày tỏ: “Sau chương trình này không chừng tôi sẽ kiếm lớp để đi học về âm nhạc dân tộc đấy!”. Buổi nói chuyện kéo dài đến gần 12g, lâu hơn dự kiến một giờ nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi. Ban tổ chức đành phải xin lỗi bạn đọc và người hâm mộ, hẹn gặp lại một dịp khác với những tiếng đàn, lời ca nồng ấm và nhiệt thành.

“Đi nghe tài tử, đi coi cải lương”

Qua những chia sẻ của GS Trần Văn Khê cùng sự trình bày minh họa của các nghệ sĩ, bạn đọc tham dự buổi giao lưu đã phần nào hiểu được về nguồn gốc, sự tương đồng và khác biệt giữa ĐCTT và cải lương. Theo đó, ĐCTT được hình thành trong cuộc hành trình khai khẩn đất phương Nam, là hình thức giải trí đờn hát với nhau theo kiểu ngẫu hứng, đờn và ca đều quan trọng như nhau. Từ chú bé chăn trâu, chị chèo đò cho đến anh công chức đều có thể đờn và ca rất thong thả và phóng túng.

Trong khi đó, cải lương ra đời sau, bắt nguồn từ ca ra bộ kết hợp với việc du nhập những loại hình kịch hát phương Tây. Theo thạc sĩ Huỳnh Khải (Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM), cải lương mang nặng tính biểu diễn tuồng tích, có sự dàn dựng của đạo diễn và những sáng tạo về diễn xuất của diễn viên theo một nội dung nhất định. ĐCTT cũng có mực thước và khuôn phép nhưng người ca có thể thể hiện khả năng chẻ nhịp, nhả chữ mang dấu ấn riêng. Tóm lại là: “Đi nghe tài tử, đi xem cải lương”.

HOÀNG OANH - QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp