27/04/2017 09:20 GMT+7

Monsanto đang làm gì tại Việt Nam?

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Sau hơn 50 năm chất độc da cam do Monsanto sản xuất được rải xuống Việt Nam, Monsanto đưa vào Việt Nam một sản phẩm khác là hạt giống biến đổi gen (GMO), kèm với đó là chất trừ cỏ glyphosate.

Bà Aruna Rachakonda, tổng giám đốc Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh Monsanto tại Việt Nam), trong buổi tiếp xúc với Tuổi Trẻ chiều 26-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà Aruna Rachakonda, tổng giám đốc Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh Monsanto tại Việt Nam), trong buổi tiếp xúc với Tuổi Trẻ chiều 26-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại diện của Monsanto tại Việt Nam cho biết Monsanto hiện nay không liên quan gì đến Monsanto trong quá khứ, còn hạt giống GMO là một tiến bộ công nghệ sinh học đem lại lợi ích cho nông dân.

Không liên quan?

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-4, bà Aruna Rachakonda, tổng giám đốc Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh Monsanto tại Việt Nam), cho biết Tòa án quốc tế về Monsanto (Monsanto Tribunal) là một tổ chức tự phát, không có tính pháp lý do các cá nhân tự thành lập, vừa là người tổ chức, vừa là người đánh giá, vừa là “thẩm phán”. Phiên tòa trên là hành động của các tổ chức cạnh tranh không lành mạnh với Monsanto và với các công ty nông nghiệp công nghệ cao.

Khi được hỏi về mối liên hệ giữa Monsanto hiện nay và Monsanto trong quá khứ, cụ thể là việc chất độc da cam được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam những năm 1960-1970 của thế kỷ trước, bà Aruna Rachakonda cho biết: “Tôi mới đến Việt Nam được khoảng 8 tháng nên không thực sự biết rõ về những gì mà Monsanto đã làm ở chiến tranh Việt Nam”. Cũng theo bà Aruna Rachakonda, kể từ khi thành lập năm 1901 đến nay, Monsanto đã có rất nhiều cuộc thay đổi lớn về cấu trúc và đường lối phát triển của công ty, từ một công ty chuyên sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đến nghiên cứu giống, công nghệ sinh học. Năm 1993, văn phòng đại diện đầu tiên của Monsanto có mặt tại Việt Nam. Tới năm 2010, Monsanto thành lập Công ty TNHH Dekalb Việt Nam. Trong giai đoạn 1993-2014, Monsanto chủ yếu bán hạt giống bắp lai và các hóa chất bảo vệ thực vật. “Vì vậy, Monsanto ngày nay hoàn toàn không liên quan gì đến tổ chức trước đây. Cá nhân tôi không thấy Tập đoàn Monsanto trong quá khứ và Monsanto bây giờ có liên quan gì đến nhau cả” - bà Aruna Rachakonda khẳng định.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho biết Monsanto không thể phủ nhận những gì họ đã làm trong quá khứ. Một công ty dù đã thay đổi sản phẩm hay mô hình kinh doanh thì cũng không thể rũ bỏ được hết những gì họ đã từng làm, nhất là với những tác động kinh khủng mà chất độc da cam đối với tính mạng con người và môi trường Việt Nam. “Không chỉ có chất độc da cam, Monsanto cũng là nhà sản xuất và đưa nhiều thuốc trừ cỏ độc hại như Glyphosate, Paraquat vào Việt Nam. Gần nhất là hạt giống biến đổi gen là vấn đề đang tranh cãi rất lớn trên thế giới” - TS Nguyễn Đăng Nghĩa nói.

Monsanto hiện là một trong ba công ty được cấp phép thương mại hóa hạt giống biến đổi gen tại Việt Nam (hai công ty còn lại là Syngenta và CP). Cùng với quá trình Việt Nam cho phép trồng đại trà giống bắp GMO, những tranh cãi về tính an toàn của GMO và hóa chất trừ cỏ glyphosate bùng lên mạnh mẽ trên toàn thế giới. Glyphosate là thành phần chính trong thuốc diệt cỏ dành cho bắp GMO do Monsanto sản xuất với tên thương mại Roundup, còn ở Việt Nam là Maxer.

Diện tích bắp GMO tăng 10 lần

Dù Công ty Monsanto khẳng định hạt giống GMO là những giải pháp tiên tiến đem lại lợi ích cho nông dân, các nhà khoa học vẫn tranh cãi và cảnh báo về ảnh hưởng của GMO cũng như tác hại của glyphosate đến môi trường và sức khỏe con người.

Một chuyên gia nông nghiệp đề nghị giấu tên cho hay để được cấp phép cho cây trồng biến đổi gen, các công ty công nghệ sinh học đã có nhiều hình thức để vận động các nhóm ủng hộ từ các cơ quan chức năng đến các viện nghiên cứu của Việt Nam. Đó là các chương trình tài trợ, hợp tác nghiên cứu, hội thảo khoa học về cây trồng biến đổi gen... với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các chương trình tài trợ học bổng cho sinh viên, đào tạo chuyên gia dinh dưỡng.

PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý nông nghiệp, cho biết ngay từ khi có thông tin các tập đoàn lớn đưa giống GMO vào Việt Nam, nhiều nhà khoa học trong nước đã phản đối. “Đây là một quyết định sai lầm, đi ngược lại với xu hướng phát triển chung của nông nghiệp” - ông Khải nói. Theo ông Khải, đến nay tính an toàn của cây trồng và thực phẩm GMO vẫn là đề tài tranh cãi trên thế giới vì các nhà khoa học chia ra hai phe ủng hộ và phản đối. Nhưng cái nguy hiểm của cây trồng GMO là khi dùng thì phải kèm với thuốc trừ cỏ độc hại. “Đã dùng thuốc trừ cỏ tức là hủy hoại môi trường. Trong khi đó thế giới đang chuyển về với nông nghiệp tự nhiên, nông nghiệp hữu cơ không dùng hóa chất và không dùng giống GMO” - ông Khải nhận định.

GS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Úc), cũng cảnh báo phong trào phản đối thực phẩm biến đổi gen trên thế giới, nhất là ở những thị trường cao cấp và khó tính. Đây cũng là những thị trường chủ lực cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc cho phép trồng đại trà cây bắp GMO làm thức ăn chăn nuôi sẽ dẫn đến nguy cơ các sản phẩm chăn nuôi sử dụng thành phần này tại Việt Nam như cá tra, tôm bị ngưng xuất khẩu nếu xảy ra vấn đề về an toàn với sản phẩm GMO.

Bất chấp những lo ngại của các nhà khoa học, đã có 21 giống biến đổi gen (bắp và đậu nành) được Việt Nam cấp phép đủ điều kiện làm thực phẩm và khảo nghiệm hoặc thương mại hóa. Giống bắp đầu tiên của Monsanto được cấp phép thương mại hóa (bán và trồng rộng rãi) tại Việt Nam từ tháng 10-2014. Theo Monsanto, trong năm đầu tiên, hạt giống bắp GMO của công ty đã được trồng khoảng 10.000-15.000ha tại Việt Nam. Kế hoạch của Monsanto là nâng diện tích lên khoảng 10 lần, tức là khoảng 100.000-150.000ha trồng bắp GMO trong năm 2017.

Mới đây, Monsanto và Công ty chăn nuôi CP đã liên kết với nhau để sản xuất bắp giống GMO tại Việt Nam với tham vọng biến Việt Nam thành nơi xuất khẩu giống GMO của khu vực.

Khi được hỏi về trách nhiệm của Monsanto đối với quá khứ, nhất là việc gần đây tòa án Hàn Quốc đã buộc Monsanto phải bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam, Monsanto có nghĩ tới việc bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam không, bà Aruna Rachakonda nói “xin không bình luận” và sẽ chuyển vấn đề này tới Monsanto toàn cầu, nơi có riêng một bộ phận giải quyết các vấn đề liên quan tới chất độc da cam trong chiến tranh.

N.HUY

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp