Sinh viên là nhóm có nhu cầu đi xe buýt rất cao, họ có ý thức và kỹ năng khi thường xuyên đi xe công cộng. Mong muốn lớn nhất của những sinh viên bạn bè tôi khi lên xe buýt vẫn là mong muốn những hành trình ngày càng văn minh hơn.
Từ những chuyện không nhỏ
Văn minh phải có từ hành khách nhưng trước tiên từ tài xế, phụ xe và dịch vụ xe buýt. Thường xuyên đi xe buýt từ quận 1 đến trường ở TP Thủ Đức (TP.HCM), bạn Bảo Trâm, sinh viên năm 2 Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), thấy phiền nhất về việc có những tài xế, tiếp viên trên xe hay lớn tiếng với khách.
Thậm chí có người chửi tục dù trên chuyến xe có nhiều hành khách mặc đồng phục học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Xe buýt có máy lạnh, mọi xe đều có bảng cấm hút thuốc. Tuy nhiên, đôi khi hành khách vẫn thấy chính tài xế của xe là người vi phạm. Khi hút thuốc tài xế liên tục gạt tàn thuốc trực tiếp xuống đường, mùi thuốc lá trong xe gây khó chịu cho hành khách suốt chuyến đi.
Một điều mà người tham gia giao thông dễ bắt gặp trên đường chính là xe buýt thường xuyên phải chuyển làn để đón khách nhưng có tài xế lại rất ẩu.
Một nữ sinh viên bạn tôi đã từng quá sợ hãi sau một lần bị chấn thương khi ngồi trên xe vì tài xế xe buýt đã thắng gấp khi đang chạy nhanh.
Một số xe khi tấp vào lề thả khách cũng không dừng hẳn, việc này gây mất an toàn cho khách lên xuống và tăng nguy cơ tai nạn đối với những xe máy đang chạy lên từ phía sau.
Xe buýt văn minh với hành khách trẻ
Những chuyện chưa đẹp nói trên vẫn là số ít. Những chiếc xe buýt đang hiện đại hơn, an toàn, thân thiện với môi trường và đặc biệt là có thái độ phục vụ tốt, tôn trọng và lịch
sự với hành khách. Với hành khách sinh viên, không gian và thời gian trên xe còn là nơi giao tiếp, thư giãn và tận hưởng mấy mươi phút hành trình.
Muốn xây dựng xe buýt văn minh thì chính người trên xe phải văn minh. Bạn Hải Nam, sinh viên Trường đại học FPT, chia sẻ mong muốn: "Hành khách nào cũng mong gặp tiếp viên nhẹ nhàng và niềm nở.
Đặc biệt là tiếp viên phải giúp đỡ những hành khách gặp khó khăn khi họ cần". Thường xuyên đi tuyến xe buýt chạy từ bến xe buýt Sài Gòn đến trường, lần nào cũng vậy, tiếp viên luôn chào khách lên và xuống xe. Đến trạm, xe luôn dừng hẳn trước khi cửa mở ra.
Bạn Phương Ngọc, sinh viên năm 2, thích đi xe buýt điện do xe chạy êm, ít rung lắc của động cơ - điều mà những ai hay say xe sẽ dễ chịu hơn.
Đi xe buýt điện cũng là cách chung nhau giảm lượng khí thải vào môi trường, hành khách văn minh luôn hướng đến điều này. Tiếc rằng ở TP.HCM xe buýt điện còn quá ít.
Để xe buýt hấp dẫn hơn
Để cải thiện chất lượng dịch vụ trên các chuyến xe buýt sinh viên cần có sự đồng thuận và hợp tác của nhiều bên liên quan. Đó là chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý giao thông, các doanh nghiệp vận tải, các trường đại học, các tổ chức xã hội và chính các sinh viên.
Mỗi bên cần phải có trách nhiệm với việc tạo ra thay đổi theo hướng văn minh trên mỗi chuyến xe buýt.
Cần có truyền thông, tuyên truyền, vận động về văn minh trên xe buýt, kể cả tôn vinh những nghĩa cử đẹp trên xe. Cần có những sáng kiến, đổi mới và cải tiến để nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn, tiện lợi và hấp dẫn hơn.
Cải thiện chất lượng dịch vụ trên các tuyến xe buýt dành cho sinh viên văn minh là một việc thời sự và ý nghĩa. Đây là một cách góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của sinh viên với hành trình đến trường mỗi ngày, góp phần vào sự phát triển bền vững của giao thông và đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận