Bé Khoai chuẩn bị vào lớp 1, thường xuyên hỏi mẹ: “Sao ở khu phố mình nhà bác Tuấn có xe hơi, nhà bác Hà bốn tầng, bạn Kiệt có iPhone sành điệu... Lớn lên con sẽ xây nhà mình ba tầng. Nhà mình giờ nghèo thế, con chán lắm!”.
Khi biết so sánh, một số trẻ bị cuốn hút bởi những món đồ chơi, đồ dùng hào nhoáng... Từ từ, những cái trẻ thích sẽ có giá trị vật chất to lớn hơn. Nhưng không phải lúc nào phụ huynh cũng có thể giúp trẻ hiểu, chấp nhận hoàn cảnh thực tế của gia đình để không đua đòi và tôn sùng các giá trị vật chất.
Từ chuộng hình thức đến mắc lỗi
Mẹ của Mai Mai, học sinh lớp 7 (Q.3, TP.HCM), hẫng hụt khi nghe anh trai kể con gái mình qua nhà năn nỉ các bác nhận cho Mai Mai được ở nhà chung để sung sướng giống anh chị (có nhà lầu, xe hơi đưa đón đi học...) và bé còn kể tội mẹ là “không thương con, hay mắng chửi, đánh đập” khiến nhiều lúc Mai Mai có ý định bỏ nhà đi! Khi trao đổi với em gái mình, người bác mới biết những gì cháu kể hoàn toàn là do tưởng tượng nhằm đáp ứng mong muốn được làm “con nhà giàu”.
Một câu chuyện khác là của bé Thảo Linh. Từ ngày chơi với nhóm bạn con nhà khá giả, Thảo Linh (Biên Hòa, Đồng Nai), học lớp 4, đã thích chải chuốt, chưng diện hơn... Ba mẹ đi làm ăn xa, Thảo Linh ở với bà ngoại. Ban đầu bà ngoại tin lời cháu giải thích nào là áo quần này bạn mặc không vừa nên cho, nào là mẹ cháu gửi tiền về nên cháu mua thêm... Đến khi cô giáo chủ nhiệm mời đến trường, bà mới tá hỏa khi cô cho biết bé là thủ phạm của mấy vụ ăn cắp vặt trong lớp!
Làm giàu đời sống trẻ theo cách khác...
Khi trẻ bắt đầu quan tâm đến của cải, vật chất và biết yêu cầu, đòi hỏi thì điều cha mẹ cần quan tâm là giáo dục cho con biết rõ về hoàn cảnh của gia đình.
Nhưng quan trọng là cha mẹ cần thương con đúng cách, biết từ chối và đồng thời giải thích cho con hiểu những nhu cầu của trẻ có hợp lý hay không; không nên đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ vì dễ tạo cho trẻ thói quen sống đua đòi, ích kỷ. Cũng không nghiêm khắc cấm đoán, la mắng một cách cứng nhắc vì như thế rất khó dạy con có thái độ sống đúng đắn.
Một điều đáng suy nghĩ khác là phụ huynh đôi lúc mắc bệnh “sính hình thức” nên trong chuyện giáo dục con đôi khi vô tình tạo cho trẻ ý nghĩ so sánh với người khác. Có những bậc cha mẹ hay đòi hỏi, bắt buộc con phải giống bạn, phải hơn bạn...
Sợ con thua kém bạn bè, họ làm mọi cách để con bằng bạn bằng bè, lâu dần khiến trẻ ảnh hưởng cách sống đó, hễ thấy bạn có gì mới, cái gì lạ là muốn có cho bằng được. Để không bị cuốn theo lối suy nghĩ và hành động mang nặng giá trị vật chất, trẻ cần được trang bị đủ sức mạnh nội tâm.
Một số phương cách cha mẹ có thể đồng hành với trẻ là: cho trẻ đọc sách, tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm thông qua các buổi đi thăm trại trẻ mồ côi hay trường khuyết tật để giúp trẻ nhận thấy mình là người may mắn và hiểu được giá trị của cuộc sống.
Nhất là đối với những bé thường có mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Khuyến khích trẻ biết giữ gìn những món đồ chơi, những quyển vở, sách giáo khoa, truyện tranh và quần áo cũ để tặng các bạn nhỏ bất hạnh nhân những chuyến thăm. Những việc làm tuy nhỏ bé này nhưng sẽ hình thành ở trẻ những giá trị lớn.
Để con trẻ không mặc cảm Cho con học trường mầm non tư thục ở một quận trung tâm là cả sự cố gắng của vợ chồng tôi. Tuy thu nhập của hai vợ chồng tôi thuộc nhóm trung bình khá, nhưng do mới tích cóp mua nhà nên việc trích ra khoản 5-6 triệu đồng/tháng cho con đi học không phải đơn giản, do phải tiết kiệm đủ đường. Mới 4 tuổi, con trai tôi rất thường đặt câu hỏi. Một trong những chủ đề khiến tôi “đau đầu” để trả lời, đó là mỗi khi con trai tôi hỏi: “Sao nhà mình không có xe hơi như nhà bạn Pun? Sao mẹ không mua cho con mấy bộ lego hoành tráng như của anh Tin đó?”... Còn nhiều câu hỏi nữa con trai hay hỏi tôi về những gì một số bạn trong lớp (cả bạn hàng xóm) có mà con không có. Con trẻ đâu biết một bộ lego tàu hỏa hoành tráng mà con thích có giá bằng cả một tháng học phí của con. Hôm rồi con được dự sinh nhật một bạn học cùng lớp. Thông thường sinh nhật của con, tôi chỉ mang bánh kem vào lớp để con cùng thổi nến, hát mừng với các bạn và sau đó ăn bánh ngọt với nhau. Nhưng hôm đó, bạn học của con đã có một buổi sinh nhật rất linh đình ngay tại sân trường. Một chú hề đến thổi bong bóng. Chiếc bánh kem có hình Doraemon yêu thích (như sinh nhật con) thay vì một tầng thì có tới ba tầng. Có xiếc, có kịch... và có cả những phần quà tặng kèm giá trị cho bọn trẻ. Con về thắc mắc và nói: “Vì sao sinh nhật bạn Trí hay vậy mẹ? Bạn nào cũng được tặng bong bóng, tặng quà. Mai mốt mẹ làm cho con giống vầy nha”! Để giải thích cho con hiểu nhà mình không giống bạn Pun, bạn Trí, anh Tin... hay nhiều bạn bè gia đình có điều kiện khác là điều tôi trăn trở nên thường ậm ừ cho qua. Song đến khi con vào lớp 1 hay lớn hơn, hiểu biết nhiều hơn, đi học gặp gỡ nhiều bạn có điều kiện hơn, con sẽ nghĩ gì khi so sánh mình với các bạn? Hồi 6 tuổi, tôi cũng từng ao ước có một chiếc bút máy Hero mà cô bạn lớp trưởng có, đã khóc suốt một đêm khi biết rằng cây bút máy đó rất mắc tiền nên ba mẹ không thể mua. Nhưng lúc ấy điều kiện kinh tế nói chung còn khó khăn, những khát khao trẻ con cũng thoảng qua rất nhanh vì xung quanh hầu hết... nghèo như nhau! Còn giờ đây, giữa bạn bè được ba mẹ cho dùng hàng hiệu (từ quần áo tới đồ chơi, dụng cụ học tập...) thì những đứa trẻ thành thị như con tôi ít nhiều so đo và tôi sợ nếu mình không giúp con hiểu thì con sẽ đeo mang nỗi mặc cảm ấy, hoặc tệ hơn nữa là đam mê những thứ vật chất ấy sinh ra những hành động không hay. Tôi phải làm sao đây...? TRẦN LINH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận