05/03/2017 10:00 GMT+7

Mộng ước không xa vời - nhạc kịch viễn tưởng của Phi Anh

DANH ANH
DANH ANH

TTO - Đêm diễn đầu tiên của vở Mộng ước không xa vời vừa diễn ra tại sân khấu của Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) đông kín khán giả.

Cảnh trong vở nhạc kịch mang yếu tố viễn tưởng - Ảnh: TUẤN ĐÀO
Cảnh trong vở nhạc kịch mang yếu tố viễn tưởng - Ảnh: TUẤN ĐÀO

Tình trạng “cháy vé” tiếp tục xảy ra giống như hai vở trước của dự án nhạc kịch Hope (Mộng ước) của đạo diễn 9X Nguyễn Phi Phi Anh. Toàn bộ vé cho bốn đêm diễn tiếp theo vào các ngày 6, 7, 8 và 9-3 đã được bán hết và đến tháng 4 tới vở diễn sẽ trở lại để hoàn thành kế hoạch 35 buổi diễn của dự án.

Ở đêm đầu tiên, hiện tượng khán giả xếp thành những hàng dài chờ vào khán phòng tiếp tục lặp lại. Tuy vậy, phản hồi của người xem khi đêm diễn khép lại rất khác biệt.

Nhiều người cho rằng vở diễn khó hiểu, nhiều chi tiết thiếu thực tế, dù có nhân vật David với trí tuệ siêu việt, là tiến sĩ khi mới 17 tuổi, nhưng không có nhân vật nào để lại dấu ấn riêng như bà Tị ở Đêm hè sau cuối hay ca sĩ Roxane ở Góc phố danh vọng.

“Các diễn viên hát rất tốt, nhưng nội dung và cách thể hiện như đánh đố người xem, làm tôi thấy hoang mang về ý đồ của người dựng vở” - khán giả Trần Anh Dũng nói. Ngược lại, một số khán giả cho biết họ thích Mộng ước không xa vời nhất trong số ba vở của dự án.

“Kịch bản độc đáo khiến tôi thổn thức với từng câu từng từ của vở kịch, nhất là khi được kể với những giọng hát ấm, vang” - khán giả Bùi Thùy Linh bày tỏ.

Sự khác biệt, va đập và cả... hoang mang trong cảm thụ của khán giả cũng bộc lộ ở lúc khép màn khi tiếng vỗ tay cất lên khá dè dặt, kể cả khi những diễn viên quen thuộc của hai vở diễn trước xuất hiện trở lại trên sân khấu để chào khán giả.

Thay vì gây thích thú vì sự kịch tính, hài hước, Mộng ước không xa vời mang nặng tiếng nói cá nhân của đạo diễn sinh năm 1991, đòi hỏi khán giả suy nghĩ nhiều hơn để “bóc tách” vở diễn.

Những màn nhảy múa và hát với biên độ mở rộng từ nhạc Âu, Mỹ đến nhạc Hong Kong, Nhật Bản vẫn đảm bảo tính giải trí, nhưng câu chuyện không còn được kể theo trật tự tuyến tính và không tuân theo logic thông thường.

Tất cả những mảng miếng, nhân vật, không gian ba chiều và thời gian quá khứ - hiện tại - tương lai đan xen chỉ như “vật trang trí” để biểu đạt góc nhìn của đạo diễn kiêm tác giả kịch bản về con người trong thế giới hỗn mang.

Dù có tên gọi gợi đến ước mơ, hi vọng, nhưng ngay từ đầu vở nhạc kịch viễn tưởng này đã mang đến chuỗi bi kịch của các nhân vật trong một bi kịch chung về ngày tận thế cận kề...

Phần kết của Mộng ước không xa vời dễ khiến khán giả thấy... chơi vơi, ngơ ngác, nhưng nếu xâu chuỗi toàn bộ các tình tiết thì có thể thấy đó là cách giải quyết vấn đề hợp lý, đầy đặn và thông minh.

Cũng theo đó, nếu coi ba vở diễn thuộc dự án Hope là một vở nhạc kịch dài thì vở cuối cùng là đoạn kết dồn nén, bức bối, thách thức cảm thụ của khán giả. Cả vở diễn là sự thể hiện cho ý tưởng nhiều khi hoài bão bị giết chết không phải vì biến cố, thử thách mà vì đời sống quá thanh bình...

DANH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp