Điều bất cập này được nhiều ý kiến nhắc tới tại chương trình "Đồng hành cùng doanh nghiệp" do Liên đoàn Lao động TP.HCM vừa tổ chức nhân Tháng công nhân 2024. Cùng tham dự có Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy.
Ông Nguyễn Thành Tài - giám đốc nhân sự Công ty Đại Đồng Tiến - nói nhiều người gắn bó với công ty 10 - 20 năm có nhu cầu mua nhà ở xã hội, họ mong có một mái ấm, nơi ở bình thường khi bám trụ ở TP.HCM lâu dài. "Khoảng 30 - 32% ở công ty có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng không biết tìm hiểu ở đâu" - ông Tài cho biết.
Bà Trần Thị Diệu Thúy nói đây đúng là câu chuyện dài mà "nói cái này thì vướng cái kia". Người thu nhập thấp là người không đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng nhiều gia đình công chức và công nhân ở TP phải cố gắng có thu nhập ở mức chịu thuế mới đủ nuôi sống gia đình.
"Họ rơi vào tình thế không có điều kiện mua nhà ở bình thường nhưng lại không thuộc diện được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội" - bà Thúy nêu.
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ Huỳnh Thị Thu Hà kiến nghị phải thay đổi mức giảm trừ gia cảnh vì tình hình lạm phát, mức sống ngày càng tăng tại TP.HCM, áp một mức chung cho các địa phương là không phù hợp.
Bà Hà dẫn chứng tính từ năm 2009 khi Luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời đến nay, lương tối thiểu vùng đã tăng 15 lần nhưng mức giảm trừ cá nhân mới điều chỉnh hai lần, từ 4 thành 9 triệu và hiện tại là 11 triệu đồng. Tương tự, mức giảm trừ người phụ thuộc cũng chỉ hai lần, từ 1,6 lên 3,6 và hiện tại là 4,4 triệu đồng/người.
Về chính sách hỗ trợ mua nhà ở, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết hiện có hai kênh hỗ trợ người lao động vay mua nhà là Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Chính sách xã hội cho người thu nhập thấp vay, còn gói 130.000 tỉ đồng của các ngân hàng cho nhà đầu tư vay xây dựng nhà ở xã hội và cho người mua vay mức lãi suất tương đối thấp.
"Nhà cho người thu nhập thấp giá phải rẻ mà hiện hầu như chưa có dự án để công nhân vay mua" - ông Lệnh nói.
Tháo gỡ chính sách là cần song điều kiện thực tế tại TP.HCM rất khác các địa phương. Nhiều đề xuất của doanh nghiệp và Công đoàn tại TP.HCM nêu ra khó áp dụng toàn quốc.
"Nhưng không thể không đề xuất vì nếu không đề xuất, chính sách sẽ đi ngược lại thực tiễn của TP.HCM" - bà Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận