06/07/2018 14:13 GMT+7

Mong manh con chữ nơi cù lao nghèo

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Ngày hè, trong khi nhiều bè bạn cùng trang lứa được vui chơi, Bùi Thị Tuyết Xuân và Nguyễn Văn Khởi, học sinh lớp 8, Trường THCS Phú Thuận B (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) lại cặm cụi phụ giúp gia đình.

Mong manh con chữ nơi cù lao nghèo - Ảnh 1.

Căn nhà Khởi xuống cấp nặng nhưng chẳng có tiền để sửa sang - Ảnh: NGỌC TÀI

Với những đứa trẻ cù lao Long Phú Thuận khi nhà không "tấc đất cắm dùi" đã gieo neo, lúc những trụ cột trong gia đình trong cơn bạo bệnh lại càng ngặt nghèo. Con đường đến trường của các em chưa bao giờ chông chênh đến thế.

Em chẳng dám ước mơ

Những ngày đầu tháng bảy, trời chợt nắng chợt mưa. Quanh co theo con đường đất nhỏ chúng tôi mới tìm được đến nhà của Bùi Thị Tuyết Xuân. Hai chị em đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi đang lủi thủi ở nhà một mình.

Mong manh con chữ nơi cù lao nghèo - Ảnh 2.

Xuân làm việc nhà và chăm sóc em trong lúc cha mẹ chữa bệnh vắng nhà - Ảnh: NGỌC TÀI

Tự bảo ban nhau đã quá quen thuộc với cả hai đứa trẻ. Nhất là từ khi cha Xuân mang căn bệnh suy thận mãn khi phát hiện đã là giai đoạn cuối. Nghịch cảnh bệnh đau không chỉ cướp đi của chị em Xuân vòng tay chở che của cha mẹ mà còn cả một tương lai phía trước.

Trong ánh mắt của Tuyết Xuân luôn ẩn chứa một nỗi buồn rười rượi. Em kể: "Từ ngày 5-5 tới giờ cha nằm suốt trên bệnh viện. Mẹ theo chăm cha. Hai chị em lâu rồi không được gặp mặt cha mẹ".

Hỏi Xuân dự định tương lai thế nào, em chực khóc: "Hoàn cảnh gia đình em thế này em chẳng dám ước mơ gì. Cha em giờ yếu lắm. Em sợ….".

Ngày trẻ, ông Bùi Chế Linh (cha Xuân) là một họa sĩ tài hoa của xã. Dù không có đất canh tác nhưng sự khéo léo, giỏi giang của vợ chồng ông đã mang lại cho chị em Xuân một tuổi thơ đủ đầy.

Xuân vẫn còn nhớ những mùa hè bốn năm trước hai chị em được cha mẹ cho đi chơi đây đó. Lúc rỗi việc ông Linh cũng thường ôn bài cùng con hoặc dạy hai em những nét vẽ đầu đời. Niềm vui ấy, sự ấm áp ấy chị em Xuân đã từng có được nhưng từ ngày cha bệnh nặng, mọi thứ chợt tan biến.

Trong căn nhà đã lâu không có sự bảo ban của người lớn chỉ còn đó những bức tranh vẽ trên tường. Đó là gốc mai, ao sen khoe sắc mà cha Xuân thường hay ví hai đứa con mình như nhành mai, đóa sen trong lòng của cha mẹ.

Nhìn những bức tranh ấy và nghịch cảnh hiển hiện phía trước của hai đứa trẻ bà Bùi Thị Chum không khỏi thở dài: "Khi nào cha bây về". Xuân lẳng lặng trả lời: "Không biết khi nào cha mới về bà ơi".

Xuân luôn là học sinh khá của lớp ngoài ra em còn là liên đội phó của trường. Thầy Bùi Thanh Hải, Tổng phụ trách đội Trường THCS Phú Thuận B, chia sẻ sức học của Xuân rất tốt có thể do hoàn cảnh gia đình nên em bị ảnh hưởng ít nhiều.

Căn nhà siêu vẹo của cậu học trò nhất khối

Mong manh con chữ nơi cù lao nghèo - Ảnh 3.

Hoàn cảnh khó khăn nhưng Khởi luôn học rất giỏi - Ảnh: NGỌC TÀI

Nếu như học lực của cậu học trò Nguyễn Văn Khởi (nhất khối 8, Trường THCS Phú Thuận B) làm bạn bè thán phục thì căn nhà của em lại làm cho chòm xóm phải thót tim mỗi khi giông gió.

Căn nhà cất từ mấy chục năm trước lại phải vượt qua nhiều mùa lũ liên tiếp nên hầu như cột kèo đã mục, vách phênh thủng nhiều mảng lớn.

Khởi là con út trong nhà cha mẹ đều đã ngoài 50 tuổi. Ông Nguyễn Văn Lực cha Khởi thì bị lãng tai cùng nhiều chứng bệnh lặt vặt trong người. Trong khi bà Trần Thị Phịch (mẹ Khởi) do thời trẻ lao lực với chồng nên cũng bệnh nhiều không kể hết.

Khoảng 2 năm nay bà Phịch yếu đi thấy rõ, chẳng những đi lại khập khiễng mà trí lực cũng quên trước quên sau phải ở nhà không thể đi làm tiếp. Lắm lúc lên cơn đau nhức, bà Phịch chẳng thể nấu cơm và tự lo cho mình.

Mong manh con chữ nơi cù lao nghèo - Ảnh 4.

Ngoài giờ học Khởi dành thời gian chăm sóc mẹ. Ảnh: NGỌC TÀI

Gặp cảnh cha già con mọn, mà Khởi lại học quá giỏi thành ra ông Lực có phải cực nhọc hơn nữa cũng ráng vượt qua. Làm thuê cho chủ các ao cá có khi ông quần quật mấy ngày mới về nhà một lần.

"Dù nghèo con nó cũng ráng học, cha mẹ nào đành đạn cho con nghỉ. Mà có nghỉ học rồi lại khổ như vợ chồng tui thì sao", ông Lực cho biết.

Tiền công mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, ông Lực dành quá nửa để lo thuốc thang cho vợ, số còn lại dùng xoay sở trong nhà có khi còn không đủ. Nên căn nhà dù biết đã không còn an toàn cho cả nhà bốn người cũng đành bấm bụng mà ở.

Không ai kèm cập hay nhắc nhở học hành, Khởi lại học rất giỏi. Tám năm ròng Khởi đều đạt học sinh xuất sắc, lãnh thưởng tập xài không hết. Em chia sẻ bí quyết để đạt học sinh giỏi nhất khối là ngoài học trên lớp em sẽ thường xuyên đến thư viện đọc sách hoặc mượn về nhà để học thêm.

Cũng nhờ chăm chỉ mà em còn được đưa vào đội học sinh giỏi môn toán của trường. Kỳ thi vừa rồi em đạt giải khuyến khích. Ước mơ của cậu học trò nhất khối là được làm giáo viên dạy toán và ráng làm giúp mẹ chữa bệnh.

Chính ước mơ sáng trong đã giúp Khởi luôn phấn đấu học hành. Còn với cha mẹ Khởi, em là niềm an ủi và tương lai phía trước của hai vợ chồng già.

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Cậu bé "tí hon" còn một trái thận với ước mơ làm cầu thủ

TTO - Bị bệnh phải cắt bỏ một trái thận, mẹ mất sớm, ba làm thợ hồ theo công trình rày đây mai đó, Nguyễn Tấn Phát - học sinh lớp 5, trường Tiểu học Cầu Xáng (TP.HCM) lớn lên cùng cô ba của mình.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp