03/07/2015 06:10 GMT+7

Mong hàng lưu niệm Việt đậm đà hồn cốt mỗi vùng miền

D.T (25 TUỔI)
D.T (25 TUỔI)

TTO - Hàng lưu niệm cho du khách ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào những mặt hàng quen thuộc như áo dài, nón lá, hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, tơ lụa, mây tre đan, các loại tranh thêu…

Chị Sùng Thị Mai, dân tộc Mông, đến từ huyện Quản Bạ (Hà Giang) thực hiện công đoạn quay sợi để tạo sợi xoắn dệt lanh truyền thống - Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, mẫu mã của những mặt hàng này ngày càng nghèo nàn và ngày càng xuất hiện nhiều mặt hàng không có xuất xứ ở Việt Nam.

Khách du lịch ở Việt Nam khó có thể tìm thấy những mặt hàng mang đặc trưng văn hóa của từng vùng.

Tôi kỳ vọng 20 năm nữa, sản phẩm lưu niệm đa dạng, mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử của từng vùng sẽ đủ sức hấp dẫn du khách.

Hàng lưu niệm của các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ không trùng lắp nhau và sản phẩm đó phải mang được đặc trưng vùng miền của nó. Chẳng hạn đến Bến Tre thì phải mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa. Bên cạnh đó, cần luôn luôn đầu tư đổi mới mẫu mã, kiểu dáng và cách bài trí để du khách không bị nhàm chán khi trở lại.

Tôi kỳ vọng 20 năm nữa, du khách đến Việt Nam sẽ bỏ ra hơn 50% chi phí cho việc mua sắm chứ không dừng ở mức 10-15% như hiện nay.

Tôi mong muốn ngành hàng thủ công mỹ nghệ sẽ phát triển và kéo theo sự hồi sinh của các làng nghề truyền thống.

Khi đó, chúng ta có thể kết hợp tour tham quan làng nghề và mua sắm, vừa đảm bảo cho du khách có những mặt hàng đẹp với giá cả luôn ở mức tốt nhất.

Tôi kỳ vọng 20 năm nữa, những sản phẩm gắn liền với đất nước - con người Việt Nam như tre, đất, rơm, lục bình… qua đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo của nghệ nhân sẽ trở thành những mặt hàng lưu niệm mang tính thẩm mỹ cao và có tuổi thọ bền bỉ theo thời gian. Khi đó, Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu từ chính quê hương mình và làm giàu lên từ nó.

Ở các vùng quê miền Tây Nam bộ ngày trước, người dân thường trộn rơm, tro, đất với một tỉ lệ nhất định để xây nhà. Tôi nghĩ có thể sử dụng phương pháp này để xây những căn nhà nhỏ lưu niệm đặc trưng Tây Nam bộ. Sau đó, tìm cách bảo quản để đảm bảo tuổi thọ và dễ di chuyển.

Hiện nay chưa có mặt hàng lưu niệm đặc trưng cho TP.HCM. Theo tôi, nên làm những mô hình các công trình kiến trúc nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn… để bán cho khách du lịch. Kèm theo đó nên tạo ra những mặt hàng giới thiệu Sài Gòn xưa và nay kiểu như: một mặt là khám lớn Sài Gòn thời Pháp thuộc và mặt kia là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM hiện nay… Đó sẽ là một kênh rất hữu hiệu để quảng bá lịch sử tới du khách.

Muốn thực hiện điều đó, tôi xin đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất: Khảo sát nhu cầu và thói quen mua sắm hàng lưu niệm của du khách khi đến Việt Nam (khách thường mua loại mặt hàng nào, mong muốn của du khách là gì?...).

Thứ hai: Từ khảo sát đó, từng địa phương liên hệ với thực tế đặc trưng văn hóa của mình để xây dựng mặt hàng phù hợp. Ví dụ: Tiền Giang nổi tiếng với chợ nổi Cái Bè và là vùng đất giàu cây ăn trái thì nên chăng phác họa hình ảnh cô gái mặc áo bà ba chèo thuyền trên sông Cửu Long. Trên chiếc thuyền là những sản phẩm cây ăn trái đặc trưng. Ở bước này cũng cần khảo sát những sản phẩm, nguyên liệu sẵn có của địa phương có thể biến thành các mặt hàng lưu niệm.

Thứ ba: Xây dựng chuỗi cửa hàng cung cấp hàng lưu niệm ở các điểm du lịch trọng điểm. Những chuỗi cửa hàng này chỉ bán những mặt hàng lưu niệm của địa phương mình và không được phép bán thêm bất kỳ sản phẩm khác của bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Việt Nam. Chuỗi cửa hàng này được xây dựng theo màu sắc giống nhau ở các địa phương và tùy từng vùng mà có thiết kế phù hợp. Nhân viên có đồng phục phù hợp và đảm bảo bán đúng giá.

Thứ tư: Xây dựng các chế tài phù hợp để đảm bảo đầu ra của các sản phẩm đặc trưng. Có chính sách hỗ trợ thích đáng cho các nghệ nhân.

Thứ năm: Hằng năm, thiết kế các lễ hội gắn với văn hóa từng vùng hoặc nếu không thể tổ chức thường xuyên các lễ hội thì tổ chức các trò chơi dân gian, thay đổi liên tục các mặt hàng lưu niệm để đảm bảo không nhàm chán.

Thứ sáu: Nhân rộng mô hình và từng bước xóa bỏ những mặt hàng không phù hợp tồn tại trong các chợ, các khu bán hàng khác.

Thứ bảy: Tiến hành quảng bá sản phẩm, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam để thu hút khách du lịch.

Tôi nghĩ muốn thực hiện được điều này, trước hết cần thực hiện thí điểm ở một địa phương nhất định. Sau đó tiến hành rút kinh nghiệm và nhân rộng ở các địa phương khác.

Việt Nam là đất nước có nền văn hóa đa dạng, phong phú. Nếu biết cách khai thác hiệu quả, hàng lưu niệm sẽ trở thành một kênh quảng bá tốt cho hình ảnh của quốc gia. Và nếu du lịch biết khai thác đúng thế mạnh của một đất nước đẹp như tranh kết hợp với các mặt hàng lưu niệm luôn đổi mới thì chắc chắn Việt Nam sẽ là một điểm đến đầy hứa hẹn.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (Ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

 

D.T (25 TUỔI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp