26/04/2022 08:42 GMT+7

Mong được ở nhà thuê tươm tất

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Đó là nguyện vọng của nhiều người lao động tại cuộc tiếp xúc với HĐND TP.HCM về vấn đề nhà ở cuối tuần qua. Ở nhà thuê, mong muốn thật khiêm nhường, bởi với thu nhập của họ, không thể đủ để mua nhà ở xã hội.

Họ đang ở trọ, ở thuê nhưng đa số là tạm bợ trong khi họ có quyền và xứng đáng có được nơi ở thuê tươm tất.

Giá nhà ở xã hội, dù được nhiều ưu đãi nhưng cũng lên đến 1 - 1,6 tỉ đồng/căn, ngoài tầm tay của hàng vạn người lao động với thu nhập 5 - 10 triệu đồng/tháng. Chỗ ở thuê tươm tất, vừa túi tiền, có lẽ là lựa chọn của nhiều người lao động. 

Thế nhưng nhiều năm qua, với hàng triệu người lao động nhập cư, thị trường nhà cho thuê, nhà trọ đều do tư nhân đảm nhận. Kinh doanh nhà trọ được đầu tư theo kiểu lựa cơm gắp mắm, vừa với thu nhập của người lao động. 

Vì thế, chất lượng nhà trọ cũng chỉ là tạm bợ, chỉ là chỗ ngả lưng sau giờ làm việc, hiếm hoi mới gọi là "tạm được".

Năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã tham gia công tác quản lý, nâng cấp nhà trọ bằng cách ban hành hướng dẫn về xây dựng phòng ở, nhà ở cho thuê với nhiều tiêu chí cụ thể: diện tích phòng trọ không nhỏ hơn 10m2, diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2/người, có cửa sổ...

Tuy vậy, có tiêu chí không có nghĩa là sẽ có phòng trọ đạt chất lượng mà tùy vào vốn liếng của chủ nhà trọ và đặc biệt là khả năng chi trả của người thuê. Nhà trọ "sang" quá, giá thuê cao lại nằm ngoài khả năng của người đi thuê. Do vậy, phần lớn nhà trọ đang hoạt động không thể đáp ứng tiêu chí này.

Khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM cuối năm 2021 cho thấy với hơn 551.000 phòng trọ (hơn 1,41 triệu người ở), có đến hàng ngàn phòng trọ không đủ chuẩn về diện tích, kể cả nước sạch, điện đóm. 

Đầu năm 2022, TP.HCM cũng đề xuất gói 100 tỉ đồng hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà trọ nhưng khó triển khai. Chủ nhà trọ lắc đầu bởi nếu căn cứ theo tiêu chí về diện tích, hệ thống điện nước của Nhà nước... họ sẽ không được xét cho vay. 

Đa phần chủ nhà mong muốn có nơi ở tốt hơn cho người thuê nhưng xem ra tuân thủ tiêu chí lại cản trở họ khi cải tạo, nâng cấp.

Rõ ràng, muốn nâng cấp nhà trọ cho người lao động, chính quyền phải đầu tư nhiều hơn, tham gia sâu hơn với nhiều chính sách hỗ trợ để các thành phần kinh tế phát triển thị trường nhà cho thuê. 

Làm sao để giúp cho chủ đầu tư nhà trọ giảm được tối đa chi phí để không tăng giá cho thuê, có ưu đãi để các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động xây những chung cư gần nhà máy cho công nhân của họ thuê. 

Đó là cách tăng nguồn cung nhà cho thuê, tạo ra sự cạnh tranh và nâng cấp chất lượng nhà cho thuê nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với thu nhập của đại đa số người lao động có thu nhập thấp.

TP.HCM đang đầu tư xây nhà ở xã hội để bán cho người lao động, đó là một nỗ lực. Nhưng chỉ có thế, khó lòng nâng chất lượng nhà ở cho người đi thuê, mà số này cũng lên đến hàng triệu người. 

Không thể kéo dài tình trạng sau một ngày làm việc nhọc nhằn, công nhân trở về căn phòng trọ chật hẹp, bức bí ngày này qua tháng nọ.

Có chỗ an cư, làm chủ căn nhà là ước mơ của mọi người lao động. Nhưng cũng có nhiều người chỉ mong có một chỗ ở thuê tươm tất, vừa túi tiền. Nguyện vọng đó không thể không đáp ứng.

Nhà ở xã hội giá 1-1,6 tỉ, công nhân than không đủ tiền mua Nhà ở xã hội giá 1-1,6 tỉ, công nhân than không đủ tiền mua

TTO - Khoảng 500 nữ công nhân lao động thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã tham dự chương trình tiếp xúc cử tri nữ chủ đề "Chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động" do HĐND TP.HCM chủ trì sáng 24-4.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: công nhân nhà thuê
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp