Ông Bùi Hồng Quang - Ảnh: NGỌC HÀ
Ông Bùi Hồng Quang, người dân khu phố 1, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM, cho rằng phần đông cử tri vốn không có khiếu ăn nói, chỉ trình bày những gì mình nghĩ, mình thấy thì đại biểu Quốc hội phải có khả năng chắt lọc, tổng hợp để đưa tiếng nói của phần lớn người dân lên diễn đàn Quốc hội, đưa nó trở thành những chính sách hợp lòng dân, đáp ứng được nguyện vọng của người dân...
Chuyển tải nguyện vọng của cử tri
Nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, tôi chứng kiến nhiều đại biểu chất vấn rất thẳng thắn những người có trách nhiệm về các vấn đề thời sự, dân sinh. Những câu hỏi, cách đặt vấn đề của đại biểu Quốc hội rất gần với suy nghĩ của người dân, cử tri thấy có mình trong các nội dung chất vấn của đại biểu.
Đại biểu là cầu nối chuyển tải nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan chức năng - Ảnh: NGỌC HÀ
Và nhất là các đại biểu đã theo tới cùng vấn đề mình đặt ra ở những kỳ họp trước mà kỳ họp sau vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Tôi mong các đại biểu Quốc hội khóa tới đều có tinh thần chất vấn mạnh mẽ và theo đuổi vấn đề đến cùng như vậy.
"Tôi muốn thấy các đại biểu dấn thêm một bước nữa, tức những vấn đề đã được tranh luận, được thừa nhận là sai sót, là lỗ hổng, là khuyết điểm… của chính quyền, của các cơ quan hành pháp phải được thay đổi, sửa sai" - ông Quang mong muốn.
Nếu vấn đề nào được đưa vào nội dung của luật hoặc các văn bản mà Quốc hội thẩm định, thông qua hoặc cho ý kiến thì các văn bản đó cũng phải thể hiện đúng tinh thần, nội dung đã thay đổi, sửa sai.
Tôi mong các đại biểu Quốc hội phải có tinh thần dấn thân vì việc chung. Có thể có những vấn đề phản ánh đúng nguyện vọng của người dân nhưng khi đưa ra diễn đàn chung thì người đại biểu đó chưa được số đông ủng hộ, chưa được nhiều đại biểu khác thấu hiểu, thậm chí sẽ có những quan điểm trái chiều. Rất mong các đại biểu đừng sợ sệt, đừng e dè, đừng quên vị trí của mình là đại diện cho người dân mà tiếp tục đấu tranh vì việc chung.
Truyền thông trở lại
Ngoài việc chuyển tải ý kiến, nguyện vọng của người dân đến những địa chỉ cần thiết, tôi mong các đại biểu tăng cường vai trò giám sát và truyền thông ở chiều ngược lại cho người dân. Tôi tham dự nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều vụ việc được cử tri ý kiến nhiều lần, nhắc đi nhắc lại qua nhiều kỳ.
Cuối buổi tiếp xúc cử tri thì đại biểu luôn có lời hứa sẽ làm cầu nối để chuyển tải những nguyện vọng, ý kiến, thắc mắc, thậm chí khiếu nại của người dân đến cơ quan chức năng.
Thực tế, nhiều vấn đề chưa được giải quyết, giải quyết chưa đến nơi đến chốn hoặc người dân không hài lòng về cách giải quyết. Tuy nhiên, chiều truyền thông ngược lại, tức thông tin từ đại biểu đến cử tri - những người bỏ phiếu bầu cho đại biểu - không được thông nên cử tri không biết câu chuyện của mình, tâm tư, nguyện vọng hay vấn đề mình nêu ra được giải quyết tới đâu, có ai lắng nghe chưa.
Theo tôi, các đại biểu Quốc hội và HĐND cần lên tiếng mạnh mẽ hơn để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy chính quyền và trong xã hội hiện nay. Theo dõi các kỳ họp Quốc hội và HĐND TP, tôi thấy ít đại biểu đề cập đến vấn đề này.
TP Thủ Đức mới thành lập, đang trong giai đoạn lên kế hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, các đại biểu HĐND TP Thủ Đức phải có khả năng đóng góp, phản biện để cùng chính quyền xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển TP đúng như kỳ vọng là đô thị sáng tạo, thông minh.
Bên cạnh đó, đại biểu cùng người dân giám sát, theo dõi việc triển khai, xây dựng các dự án hạ tầng trên địa bàn TP mới. Việc các đại biểu dân cử thông tin lại với người dân sẽ góp phần ổn định tư tưởng và tăng lòng tin cho dân đối với chính quyền và đại biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận