Chiều 25-1, Đại hội XII biểu quyết thông qua danh sách đề cử Ban chấp hành Trung ương |
Đó là sự đổi mới mạnh mẽ hệ thống chính trị và chính sách kinh tế, thực thi đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, quyết liệt trong bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Một là mở rộng dân chủ trong Đảng. Tất cả những người có tài, có đức, được nhân dân lựa chọn, đánh giá là thích hợp, trải qua quá trình tuyển chọn, tranh cử công khai, minh bạch, đều cần được bổ nhiệm.
Phải có cơ chế “Dân bầu - Đảng cử” như vậy mới phục vụ được cho sự phát triển xã hội, đổi mới hệ thống chính trị.
Nhất thiết phải có nhiều ứng cử viên cho mỗi chức vụ, tranh cử bằng quan điểm, đường lối, chính sách rõ ràng để các đại biểu dự đại hội lựa chọn. Không nên chỉ giới thiệu một người cho một chức vụ.
Các bước chuẩn bị nhân sự, giới thiệu của Bộ Chính trị là cần thiết, tất cả phải trình ra đại hội và đại hội có toàn quyền đồng ý hay phủ quyết. Cơ chế của chúng ta lâu nay đã tạo ra một số đại biểu đi dự đại hội dễ tán thành phương án được đưa ra mà không bàn thảo, cân nhắc kỹ lưỡng.
Số người có đủ năng lực, bản lĩnh để lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình, thuyết phục được người khác rất hiếm. Tất nhiên, lần này tôi rất mong các đại biểu đều sẽ có tiếng nói thật tâm của mình.
Tôi cho rằng dân chủ là nút thắt cần phải mở để có lối thoát cho mọi vấn đề. Tham nhũng là một ví dụ. Chính việc công khai, minh bạch mọi khâu, mọi chuyện trên cơ sở dân chủ sẽ triệt tiêu những mầm mống, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tham nhũng.
Hai là làm rõ những lý thuyết mơ hồ. Tôi mong muốn những lý thuyết giáo điều, lạc hậu sẽ được dứt khoát cởi bỏ, không còn là những lực cản trên đường phát triển của đất nước.
Lên cầm quyền một năm, Lênin đã nhận ra sai lầm của chế độ hợp tác xã và công hữu ruộng đất và ông phát biểu một câu giản dị mà sâu sắc: “Hãy để người nông dân suy nghĩ trên luống cày của mình”.
Ông cũng từng nói: “Cách mạng không thể xuất khẩu”. Mỗi đất nước, dân tộc đều có những đặc thù riêng của mình, không thể sao chép mô hình, cách làm của nhau.
Những điểm còn mơ hồ phải được làm rõ, và nếu không phù hợp cũng phải kiên quyết loại bỏ.
Ví dụ như chúng ta hay nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phạm trù xã hội chủ nghĩa ở đây có ý nghĩa, đặc thù như thế nào cần được làm rõ nội hàm và được giải thích cặn kẽ.
Chúng ta thật sự chưa có một nền kinh tế thị trường đầy đủ (đã được đề cập trong dự thảo văn kiện Đại hội XII - BTV) và cũng chưa thực hiện được bao nhiêu.
Ba là đường lối đối ngoại để bảo vệ đất nước.
Việc khẳng định “ba không” (không cho bất kỳ nước nào lập căn cứ quân sự; không liên minh quân sự; không liên kết với nước nào để chống lại nước thứ ba) phù hợp với điều kiện Việt Nam thật sự được sống trong hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, không bị nước nào đe dọa, xâm lược, quan hệ với các nước đều tốt đẹp, tiềm lực quân sự đủ để tự bảo vệ đất nước, chủ quyền quốc gia.
Bối cảnh hiện nay không phải như vậy. Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế, chiếm đảo, chiếm biển, đâm tàu, làm thương vong ngư dân... Hành vi của Trung Quốc đã vượt giới hạn gây hấn, khiêu khích mà là đe dọa, xâm chiếm chủ quyền.
Nếu chúng ta không hành động mạnh mẽ thì khó bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Theo tôi, trên mặt trận ngoại giao phải kiên quyết dựa vào luật pháp quốc tế để yêu cầu làm rõ vấn đề đường chín đoạn của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải thừa nhận và tôn trọng lãnh hải và chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Về quân sự, ngoài việc trang bị, củng cố lực lượng tự thân, cần xác định Việt Nam sẽ có nhiều biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia hợp pháp của mình. Trên Biển Đông, nhiều nước có cùng lợi ích chiến lược với Việt Nam nên chúng ta có thể phối hợp với họ bảo vệ đất nước mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận