Người giúp việc tên Nana đau buồn chờ ngóng thông tin từ gia đình chủ tại sân bay - Ảnh: Lê Nam |
Sáng 29-12, khi chúng tôi vừa xuống sân bay quốc tế Juanada (Surabaya, Indonesia), ngay lập tức ở bên phải đường băng, hai chiếc máy bay quân sự mang cờ Indonesia chuẩn bị cất cánh đi tìm chiếc máy bay xấu số của AirAsia.
Bước ra ngoài sân bay nhìn sang phía tay trái của nhà ga, tôi thấy một dãy lều bạt được dựng lên với cơ man nào là người, quân đội, cảnh sát, bảo vệ, nhà báo... đó chính là trung tâm xử lý khủng hoảng của chuyến bay xấu số AirAsia mang số hiệu QZ 8501.
“Tôi mất chúng nó rồi sao?”
Mặt cúi gằm vào bức ảnh, người run lên từng cơn, bà Nana (48 tuổi) chốc chốc lại lấy khăn giấy lau những dòng nước mắt liên tục lăn xuống.
Bà Nana giúp việc ở nhà ông bà Hernanto Tanus 18 năm nay, do bà chưa có người con nào nên xem ba đứa nhỏ nhà Tanus như con của mình. Nấc lên từng hồi, bà Nana kể cả nhà lên kế hoạch sang Singapore thăm con gái Chiras, cùng nhau đón năm mới ở Singapore rồi cùng về căn hộ ở Nirwana (Surabaya).
“Thế mà giờ chẳng còn ai về nữa... - vừa khóc bà vừa lấy tay vuốt lên tấm ảnh khuôn mặt của cậu bé Justin Giovani (9 tuổi) nhỏ nhất nhà trong ảnh đang dùng ngón tay trỏ vào má trái làm duyên - Tôi cũng không biết tin cả nhà cho đến khi bé Chiras từ Singapore về tối hôm 28-12 gọi cho tôi thì tôi mới biết, tôi chạy ngay ra đây. Cầu trời cho mọi người còn quay về nhà. Tôi nhớ họ lắm”.
Ở một góc khác, ông Wuntarjo mở điện thoại ra đưa cho chúng tôi xem ảnh cô em gái xinh xắn Natalina 33 tuổi trên chuyến bay xấu số.
“Hôm 23-12, con nhỏ gọi cho tôi khoe đã dành dụm được tiền cho chuyến du lịch sang Singapore đón năm mới, tôi nghe mà mừng cho nó. Vậy mà...” - ông kể.
Ngay trong sáng 28-12, bạn của Natalina gọi cho ông báo tin chuyến bay của cô mất tích. ông đã lặng đi hồi lâu rồi ngay lập tức cùng vợ và con trai chạy đến sân bay nghe ngóng thông tin.
Ông nói: “Tôi ở đây từ sáng 28-12, tôi sẽ ở đây mãi cho đến khi biết được tin tức của em mình. Chỉ mong em tôi nguyên vẹn trở về nhà an toàn, tôi thương nó lắm. Nhà chỉ có hai anh em, nó chưa có chồng!”...
Ở gần cửa ra vào khu cách ly có tiếng khóc thét lên của một phụ nữ, bà đổ gục vào hai người phụ nữ tóc muối đã nhiều hơn tiêu, da nhăn nheo, teo tóp.
“Tôi mất chúng nó rồi sao?” - bà Gunawan tay bấu chặt vào vai hai người phụ nữ kia lắc lắc.
Ông Gunawan Arkan, chồng bà, cứng rắn hơn nhưng đôi mắt cũng nhỏ lệ. Người con trai 38 tuổi của ông cùng vợ và hai cháu nội một trai 11 tuổi, cháu gái 7 tuổi đến giờ không biết đang ở đâu: “Làm sao hai cái thân già này không đau?” - ông nhìn xa xa, mắt long lanh lệ.
Vẫn nuôi hi vọng
Thân nhân của hành khách xấu số đã đến trung tâm này đêm 28-12 và phần lớn họ đều được bạn bè, người thân thông báo hoặc bản thân họ đọc, xem và biết được tin máy bay mất tích.
Bên trong khu cách ly của người thân nạn nhân trên chuyến bay xấu số, mọi người được chăm sóc đồ ăn, thức uống, bánh kẹo... nhưng chúng tôi gần như chẳng thấy ai động đến những thứ này.
Họ chỉ ngồi lặng yên nhìn nhau rồi nhường ghế cho những người thân nghe tin vừa mới đến.
Cái phòng tưởng chừng to nhưng chỉ đến chiều là đã chật cứng vì lượng thân nhân đổ về nghe ngóng tin tức, chờ đợi phép mầu ngày càng nhiều.
Với họ, giờ đây tin tức của chiếc Airbus A320 số hiệu QZ 8501 là quan trọng nhất trong giờ phút này, nhưng cái tin mà họ cần nghe nhất lại chẳng có.
Chiều 29-12, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla dẫn đầu đoàn quan chức chính phủ đã đến sân bay quốc tế Juanada và cùng chủ tịch AirAsia Tony Fernedes gặp gỡ đại diện người thân hành khách trên chuyến bay mất tích.
Ðồng nghiệp Tom Philips đại diện tại Thượng Hải của tờ The Daily Telegraph (Anh), người đã theo dõi sự kiện MH370 của Malaysia, đánh giá cao sự xuất hiện này cùng sự chuẩn bị tương đối chu đáo cho thân nhân hành khách.
Ông nói hồi vụ MH370 của Malaysia chính quyền chẳng có hành động gì ngay lập tức, đại diện chính phủ cũng chẳng thấy đâu. “dù chưa có tin tức gì tốt và người thân của họ vẫn đang buồn bã, suy sụp nhưng sự xuất hiện của ông phó tổng thống đã cho thấy người thân của họ không bị bỏ rơi” - Philips nói.
Chia sẻ với báo giới ngay sau buổi gặp gỡ thân nhân hành khách trên máy bay, phó tổng thống Indonesia cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu tất cả các lực lượng: hải quân, không quân, quân đội, cảnh sát, cảnh sát biển và cả ngư dân... vào cuộc tìm kiếm.
“Rất khó triển khai tìm kiếm trên biển nhưng tổng thống đã chỉ đạo người dân Indonesia phải làm mọi việc có thể, thật nhanh và không giới hạn để tìm cho bằng được chiếc máy bay và hành khách” - phó tổng thống nhấn mạnh.
Phó tổng thống cho biết cuộc tìm kiếm vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi tìm thấy QZ 8501. Hiện 15 chiếc máy bay và rất nhiều tàu thuyền đang được huy động để tìm kiếm chiếc máy bay này.
“Chúng tôi luôn hi vọng tìm thấy những hành khách còn sống sót nhưng cũng phải chuẩn bị tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ “Liệu Indonesia có cần sự hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực trong việc tìm kiếm máy bay mất tích?”, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho biết: “Chúng tôi có nhận được sự hỗ trợ bằng máy bay, tàu tìm kiếm của Singapore, Malaysia, Úc, Anh, Pháp, Mỹ và rất sẵn lòng để hợp tác với các quốc gia đẩy nhanh công việc tìm kiếm”.
Cuộc gặp kết thúc, nữ phóng viên Mori Haruka của tờ The Daily Jakarta Shimbun gấp camera lại rồi nói AirAsia được rất nhiều người Nhật trẻ như cô lựa chọn, bạn thân cô cũng đi trên các chuyến bay của hãng này vì giá rẻ và thuận lợi.
“Ðây là một cú sốc rất lớn cho nhiều người trong đó có tôi, nhưng không vì thế mà mọi người ngừng đi máy bay. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn và hàng không vẫn là lựa chọn nhanh chóng, thuận lợi nhất” - Haruka nói. Quay lại sân bay chờ xe buýt về khách sạn, tôi vẫn nhìn thấy những hàng dài hành khách đang xếp hàng chuẩn bị làm thủ tục lên máy bay của Hãng AirAsia đi Bandung (Indonesia). Vâng họ vẫn đi, cuộc sống cứ tiếp diễn. Và chúng ta vẫn hi vọng một phép mầu đến với cuộc đời này!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận