26/06/2022 12:10 GMT+7

'Mong bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét từ công việc thực tế để đánh giá đúng'

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Ngoài việc mong muốn trung ương nên đánh giá đúng để phân bổ nhân sự sao cho hợp lý, một số bạn đọc cũng đề nghị trong thời buổi kỹ thuật số này, TP.HCM cần mạnh dạn cải cách để giảm tải nhân lực.

Mong bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét từ công việc thực tế để đánh giá đúng - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, chiều 23-6, trong buổi làm việc với UBND TP.HCM về vấn đề tổ chức bộ máy, nhân sự, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu làm rõ trách nhiệm việc dôi dư hơn 5.700 công chức, viên chức. Theo bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện TP.HCM là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được trung ương giao.

Tuy nhiên, ở góc độ địa phương, trao đổi với đoàn công tác Bộ Nội vụ về vấn đề nhân sự, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) - lại than thở: "Một số cán bộ, công chức phường bị chồng (hoặc vợ) cự nự, thậm chí ly hôn rất phổ biến vì thời gian dành cho gia đình rất ít. Thực tế có người 2-3 năm chưa nghỉ phép, chưa nghỉ thứ 7, chủ nhật".

Cũng liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy, trước đó một ngày, trong buổi làm việc với TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Trương Thị Mai cho biết tới đây trung ương sẽ phân cấp, phân quyền cho TP.HCM về nhân sự, tùy TP bố trí, chẳng hạn có thể tăng cường nhân sự cho TP Thủ Đức.

Và như vậy, hiểu thế nào về việc TP.HCM dư hơn 5.700 công chức, viên chức, hay đó là nhu cầu thực tế?

Xung quanh câu chuyện này, những ngày gần đây, các chuyên gia và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã có những ý kiến rất đáng quan tâm.

TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Trường đại học Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), cho rằng con số hơn 5.700 công chức, viên chức của TP.HCM "dôi dư" so với biên chế được giao, thật ra không phải là con số kinh khủng, đáng ngạc nhiên. Bởi theo bà Dung, trong nhiều lần khảo sát ở nhiều địa phương và quan sát thấy rằng công chức, viên chức ở TP.HCM, nhất là ở các cơ quan hành chính nhà nước, làm việc rất vất vả, với khối lượng công việc cao gấp nhiều lần so với nhiều tỉnh thành khác.

Cụ thể, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Thái Thị Tuyết Dung nói: "Nhiều cơ quan cho đến sau 17h30 vẫn sáng đèn, bãi để xe nhân viên vẫn còn nhiều. Tận mắt chứng kiến mật độ công việc dày đặc tại các cơ quan, đơn vị của TP, bất kỳ ai cũng sẽ thấy con số dôi dư trên không có gì đáng kinh ngạc, thậm chí còn suy nghĩ sao không tăng thêm biên chế cho khối các cơ quan hành chính, nơi giải quyết các công việc hành chính hằng ngày với người dân".

Đồng tình với ý kiến này, ở góc độ người dân, bạn đọc Lượng viết: "Tôi đã trực tiếp đi nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với hàng loạt tỉnh thành. Có thể nói TP.HCM công việc rất nhiều, ở bộ phận tiếp dân lúc nào cũng đông đúc, chờ đợi (dù rằng cũng có lúc chỗ này chỗ nọ ít việc, nhưng nhìn chung là nhiều việc)".

Dẫn chứng trường hợp cụ thể bản thân, bạn đọc Lượng bổ sung: "Có lần tôi đi nộp hồ sơ ở Hóc Môn, cán bộ giải quyết hồ sơ đến gần 6h tối vẫn cố gắng nhận giải quyết cho dân. Trong khi đó, một số tỉnh thành khác thông thường 7h30 có mặt thì 8h mới thấy những công chức đầu tiên vào cơ quan; 11h30 mới hết giờ làm nhưng khoảng 10h30 thông báo không nhận hồ sơ, tầm 11h là họ nghỉ rồi".

Đồng ý với nhận định này, bạn đọc Thanh Sang viết: "Thiết nghĩ trung ương không thể nào cứng nhắc giao khoán một con số để TP.HCM tự sắp xếp nhân lực mà không xét đến nhu cầu xã hội của TP. Về việc này TP phải có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm sử dụng biên chế sao cho hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của địa phương".

Cụ thể hơn, bạn đọc Duy bổ sung: "Bộ Nội vụ có xét đến cơ cấu dân số, số công chức hay không? Theo tôi biết thì dân số hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh đã tương đương nửa một tỉnh. Trong khi đó, cán bộ công chức cấp xã khoảng trên 30 người/xã".

Vì vậy, theo rất nhiều bạn đọc: Hãy đánh giá phân bổ công chức theo số lượng hồ sơ công việc mới đánh giá đúng!

Bạn đọc Tạ Quốc Vinh nêu quan điểm: "Theo tôi, Bộ Nội vụ cần rà soát, chỉ đạo lại các địa phương coi địa phương như thế nào để phân bổ cán bộ, công chức. Chứ cùng là cấp xã nhưng có địa phương thì ít dân cũng bằng số cán bộ địa phương nhiều dân, như vậy là không hợp lý. Ví dụ 1 cán bộ công chức phục vụ 10 người 1 ngày so với 1 cán bộ phục vụ 200 - 300 người 1 ngày mà lương cũng ngang nhau".

Ngoài việc mong muốn trung ương nên đánh giá đúng để phân bổ nhân sự sao cho hợp lý, một số bạn đọc cũng đề nghị trong thời buổi kỹ thuật số này, TP.HCM cần mạnh dạn cải cách để giảm tải nhân lực.

Về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Nhật Đãng viết: "Đưa mạnh công nghệ thông tin vào mới giảm được biên chế".

TP.HCM dư hơn 5.700 công chức, viên chức? - Phải nhìn vào TP.HCM dư hơn 5.700 công chức, viên chức? - Phải nhìn vào 'núi' hồ sơ và dân cư thực tế

TTO - TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng biên chế được trung ương giao, trong đó có 3.601 công chức và 2.104 viên chức. Nhưng đây thực sự có phải là con số dôi dư?


TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp