12/06/2018 18:19 GMT+7

Món quà sinh nhật của ông Trump

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Có một câu rất đáng chú ý trong tuyên bố chung Mỹ - Triều, đó là "việc xây dựng niềm tin lẫn nhau có thể thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Chỉ một câu ngắn này đã đủ làm rõ mọi chuyện...

Món quà sinh nhật của ông Trump - Ảnh 1.

Cú bắt tay đầu tiên của ông Kim Jong Un và ông Donald Trump đã giảm bớt tính biểu tượng bởi trong ngày 12-6, người ta không đếm được bao nhiêu lần hai nhà lãnh đạo đã bắt tay nhau một cách thắm thiết - Ảnh: REUTERS

"Lịch sử" là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong ngày hôm nay, 12-6. 

Thật khó để có thể dùng từ khác để nói về cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm Mỹ -Triều, về cú chạm mặt đầu tiên sau gần 70 giữa một "ông kẹ" của Đông Bắc Á và một siêu cường thế giới đã từng ở hai bờ chiến tuyến.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ cùng chung nỗi niềm này. Người ta không đếm xuể có bao nhiêu lần nhà lãnh đạo 72 tuổi nhắc đến chữ "tuyệt vời" và "phi thường" trong cuộc họp báo chiều 12-6 ở Singapore, vài tiếng sau cuộc gặp với chủ tịch Ủy ban quốc vụ Triều Tiên Kim Jong Un.

Ông Trump rõ ràng đã rất vui mừng, chẳng phải vì còn hai ngày nữa là đến sinh nhật của ông, hay chiếc bánh sinh nhật mà thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã dành tặng trong bữa trưa ngày hôm qua.

Ông liên tục cảm ơn các nhà báo và trả lời một cách hùng hồn những câu hỏi được đặt ra. Chỉ tiếc một điều rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã không tổ chức một cuộc họp báo như thế, nếu không chúng ta đã có đủ "thông tin hai chiều".

Dẫu sao, với những gì được tổng thống Mỹ đưa ra và dựa trên tuyên bố chung mà hai nhà lãnh đạo đã cùng đặt bút ký vào, có thể cảm nhận được một niềm tin và làn gió mát đang thổi qua bán đảo Triều Tiên.

Ký kết thỏa thuận lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên - Video: CNA

Trước cuộc gặp lịch sử, cả tổng thống Trump và ông Kim Jong Un đều đứng trước những áp lực vô hình. Tuy nhiên, sau ngày hôm nay, cả hai nhà lãnh đạo đã có thể nhẹ vai trút bớt gánh nặng và đem về nhà một mối quan hệ cá nhân mới toanh vừa xây dựng. 

Cần phải nói rằng ông Trump, vốn là dân làm ăn, rất xem trọng các mối quan hệ cá nhân. Cứ nhìn vào chuyện thân sơ giữa đương kim tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo Nhật, Hàn hay Trung Quốc và Canada thì sẽ rõ.

Tổng thống Trump đã rất hài lòng về thái độ trong ngày gặp mặt của ông Kim Jong Un, một người thua ông gần 40 tuổi. Trong lúc nhà lãnh đạo Mỹ nói nhiều hơn, hành động nhiều hơn, ông Kim Jong Un lại ra chiều lắng nghe và tôn trọng.

Kim Jong Un là một người xuất chúng. Tôi cũng hiểu hơn rằng ông ấy yêu đất nước của mình rất nhiều, một nhà đàm phán xứng đáng và rất thông minh

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Với ông Trump, khi một mối quan hệ cá nhân đã được xác lập với nhà lãnh đạo Triều Tiên, điều đó dường như còn quan trọng hơn cả việc phải nhất quyết đạt được bằng mọi giá mục tiêu khó xơi: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách toàn diện, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng.

Sự thay đổi thái độ này chỉ mới xảy ra gần đây, sau những sóng gió suýt đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đến bờ vực phá sản. Một sự chuyển biến niềm tin đã xảy ra trong con người Trump khi ông nhận ra rằng không thể giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trong một cuộc gặp và đi đến quyết định cần có thời gian cho chuyện này.

Món quà sinh nhật của ông Trump - Ảnh 4.

Hình ảnh của một Kim Jong Un tự tin, khiêm nhường đã được xây dựng trên trường quốc tế - Ảnh: REUTERS

Tuyên bố chung Mỹ - Triều nhắc đến bốn điểm chính, tuy nhiên, chỉ có điều cuối cùng là giải quyết vấn đề trao trả hài cốt các tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) được xem là thiết thực nhất.  

Ba điều còn lại, bao gồm thiết lập một mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên, Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn và Mỹ - Triều cùng nhau kiến tạo hòa bình bị đánh giá là rất chung chung và cần nhiều thời gian để cụ thể hóa, hiện thực hóa.

Chính yếu trong cuộc gặp lần này, như ông Trump đã nói ngay từ đầu, đó là "thái độ". Nhưng Triều Tiên đã trao cho ông món quà sinh nhật là thứ còn quý hơn thế, đó là niềm tin giữa hai nhà lãnh đạo.

Thật khó để có thể tin một người có đủ niềm tin với người khác chỉ sau vài tiếng gặp mặt. Nhưng với tính cách "độc đáo" của ông Trump và ông Kim Jong Un (lời của ngoại trưởng Singapore trước cuộc gặp), điều khó tin đã trở thành sự thật.

Có một câu rất đáng chú ý trong tuyên bố chung, đó là "việc xây dựng niềm tin lẫn nhau có thể thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Chỉ một câu ngắn này đã đủ làm rõ mọi chuyện, đã đủ trịnh trọng để tuyên bố rằng Mỹ và Triều Tiên đã có đủ niềm tin lẫn nhau sau những thất bại và rào cản của quá khứ. 

Chẳng ai từ bỏ thứ được xem như "bảo kiếm hộ quốc" trước một quốc gia lớn hơn, mạnh hơn và liên tục tập trận lớn nhỏ quanh năm.

Món quà sinh nhật của ông Trump - Ảnh 5.

Tuyên bố chung ngày 12-6 giữa Mỹ và Triều Tiên nên được đón nhận một cách tích cực, không nên được đón nhận như một thỏa thuận bởi chẳng có điều khoản có qua có lại nào được thể hiện trên đó - Ảnh: REUTERS

Nhiều tín hiệu và chỉ dấu tích cực đã được phát đi sau cuộc gặp Trump - Kim, chẳng hạn việc tổng thống Mỹ đã nói về ý định giảm bớt hoặc ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Cần nhớ, Trung Quốc và Nga - hai quốc gia thuộc vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hồi năm rồi đã đưa ra đề xuất nếu Triều Tiên ngừng thử tên lửa và hạt nhân, Mỹ - Hàn cũng phải ngừng các cuộc tập trận chung. Vòng luẩn quẩn Mỹ - Hàn tập trận, Triều Tiên phóng tên lửa đã từng suýt đẩy bán đảo Triều Tiên đến bên miệng hố chiến tranh.

Ấy vậy mà trong cuộc họp báo chiều 12-6, tổng thống Trump cho rằng một trong hai lý do ông cân nhắc ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là vì "tôi nghĩ đó là một hành động khiêu khích và không phù hợp".

Đây được coi là một tín hiệu bất ngờ bởi việc gọi các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn từ trước đến nay luôn được phía Triều Tiên gọi là "hành động khiêu khích"!

Một số chuyên gia vẫn nghi ngờ chuyện Triều Tiên thực sự từ bỏ hạt nhân một cách dễ dàng như thế. Thậm chí như Adam Mount, nhà nghiên cứu cao cấp tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), đã chỉ trích ngôn ngữ được dùng trong thỏa thuận để nói về vấn đề phi hạt nhân hóa “yếu đuối” đáng kinh ngạc. 

“Nó không còn mạnh mẽ và thật sự yếu đuối đáng kể so với các cam kết của Triều Tiên trước đây về vấn đề hạt nhân… Thú thật, tôi hy vọng đã có thứ gì đó cứng rắn hơn thỏa thuận này” - ông Mount đánh giá trên đài CNN. 

Vị chuyên gia cũng nói thêm thỏa thuận được ký kết không hề đề cập tới quá trình phi hạt nhân hóa có khả năng xác nhận và không thể đảo ngược - thứ mà cả tổng thống Trump lẫn các quan chức an ninh và ngoại giao hàng đầu của ông liên tục nhắc đi nhắc lại như một điều kiện tiên quyết cực kỳ quan trọng cho mối quan hệ với Bình Nhưỡng.

Câu trả lời của ông Trump là niềm tin và thời gian - khi đã có đủ niềm tin, người ta sẽ có thêm sự kiên nhẫn trong những vấn đề đòi hỏi cần có thời gian.

Cũng có một sự nuối tiếc khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã không đạt được một hiệp ước hòa bình, chấm dứt tình trạng đình chiến trên bán đảo Triều Tiên. Thôi thì chúng ta cứ giữ niềm tin rằng khi ông Trump và ông Kim đã có niềm tin lẫn nhau, một bán đảo Triều Tiên hòa bình sẽ không còn là chuyện xa với sự đồng thuận của các bên khác như Trung Quốc và Hàn Quốc.

11 đời tổng thống Mỹ xử không xong Triều Tiên Mỹ - Triều Tiên có đủ niềm tin để đối thoại? Đường gập ghềnh từ đối đầu đến đối thoại thượng đỉnh Mỹ - Triều
DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp