26/08/2016 00:16 GMT+7

“Món quà” cho cộng đồng

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Sáng 25-8, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức lễ vinh danh người hiến tạng và mừng trường hợp thứ 500 được ghép thận. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn đầu cả nước với 518 ca được ghép thận, tính đến chiều 24-8-2016.

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến trao kỷ niệm chương cho người sống hiến tạng - Ảnh: Trúc Vy
Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến trao kỷ niệm chương cho người sống hiến tạng - Ảnh: Trúc Vy

Ca thứ 500 được ghép thận là một phụ nữ 31 tuổi. Người cho thận là chị ruột của bệnh nhân. Cả hai chị em cùng làm việc tại TP.HCM, đều đã có gia đình. Ca ghép đã diễn ra vào ngày 15-6-2016 và hiện hai chị em đều mạnh khỏe.

Bốn phụ nữ sinh con sau ghép thận

Báo cáo về hai trường hợp đầu tiên được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 12-1992, TS.BS Thái Minh Sâm, trưởng khoa ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết cả hai ca đều thành công tốt đẹp.

Trường hợp thứ nhất, sau hai năm được ghép thận, bệnh nhân sang định cư tại Mỹ và được theo dõi sau ghép thận tại Mỹ. Sau 10 năm, thận ghép bị loại thải và bệnh nhân đã đi ghép lại lần thứ hai.

Ca thứ hai, bệnh nhân được nhận thận ghép từ người cha ruột 59 tuổi. Sau 13 năm, thận ghép cũng bị loại thải và bệnh nhân đã ghép thận lần hai. Hiện tại thận ghép lần hai vẫn hoạt động tốt. Người cha cho con gái thận giờ đây đã 83 tuổi và vẫn khỏe mạnh.

Trong hơn 500 ca được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, phần lớn có nguồn thận là người sống cho (khoảng 90%), trong đó cha mẹ cho con và anh chị em ruột cho nhau chiếm đa số. Tỉ lệ người chết não hay ngừng tim cho thận còn rất thấp (10%), trong khi theo số liệu của các nước phát triển trên thế giới thì tỉ lệ này chiếm từ 50% trở lên.

Với người sống cho thận, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ tiến hành ghép cho những người có mối quan hệ huyết thống, nếu không có mối quan hệ huyết thống thì phải có một mối quan hệ đặc biệt như chồng vợ cho nhau, ni cô cho phật tử... để tránh tình trạng mua bán tạng phủ.

Chiều 25-8, chị H.N.B. - 37 tuổi, ở Tân Phú, TP.HCM, một trong bốn phụ nữ đã sinh con sau khi được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy - hồ hởi khoe: “Chị khỏe lắm!”.

Nhớ lại lần ghép thận từ năm 2007 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị B. bảo nếu không có lần ghép thận đó, chắc chắn chị không thể có bé Khoai Lang - tên gọi ở nhà của con gái chị, bé khỏe mạnh và năm nay đã vào lớp 1.

Món quà cho người nhận

PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết qua việc triển khai ghép thận và đặc biệt là ghép từ người cho chết não, bệnh viện đã xây dựng đơn vị điều phối ghép tạng từ năm 2014.

Đơn vị này đã góp phần tích cực trong việc tăng cường nguồn tạng hiến từ người cho chết não, phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để thực hiện các ca ghép tạng xuyên Việt thời gian qua.

Ngoài ra, sự thành công từ chương trình ghép thận của bệnh viện cũng làm tiền đề để bệnh viện triển khai các hoạt động ghép tạng và mô khác như ghép gan, ghép giác mạc, ghép tủy xương và đang chuẩn bị các đề tài ghép tim và ghép phổi.

PGS Sơn cũng nhấn mạnh ghép mô - tạng không thể thực hiện thành công được nếu không có người hiến tạng. Nguồn tạng hiến từ người cho sống không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, do đó hiến tạng từ người cho chết não hay ngừng tuần hoàn là một phương cách có thể làm cân bằng được sự thiếu hụt trên.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết số người đến đơn vị này đăng ký hiến tạng ngày càng tăng. Có những ngày đơn vị này tiếp nhận hơn 20 người đến đăng ký hiến tạng. Có những người từ Đắk Lắk, Tiền Giang, Cà Mau... cũng gọi đến để được tư vấn đăng ký hiến tạng.

Tuy nhiên, đơn vị điều phối ghép tạng sẽ chỉ lấy tạng của những người này khi họ qua đời. Dù đã có hơn 2.300 người đăng ký hiến tạng, nhưng đến nay bệnh viện mới chỉ nhận được tạng từ 9 người cho đã bị chết não.

Đăng ký hiến tạng chỉ có ý nghĩa họ hiểu biết, mong muốn thực hiện điều này, chuyện thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nguyên nhân gây tử vong có hiến tạng được hay không, có được sự đồng thuận của người nhà hay không...

Theo PGS Sơn, ghép thận là giải phóng bệnh nhân ra khỏi máy thận nhân tạo; ghép tim, gan, phổi là đem lại một cuộc sống mới cho bệnh nhân; ghép tủy chữa được nhiều bệnh máu; ghép giác mạc giúp đem lại ánh sáng cho bệnh nhân...

Chính vì vậy, ghép tạng mang lại một cuộc sống có chất lượng cho người nhận. Ghép tạng không chỉ là món quà mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng. Số liệu này cho thấy nhu cầu thực tế đang ngày càng vượt xa số lượng được ghép thành công.

PGS Sơn cho rằng vẫn cần phải nỗ lực không ngừng để có thể vận động số người sống, người chết não và tim ngừng đập hiến tạng ngày càng tăng cao hơn nữa để đem lại cơ hội sống cho hàng vạn bệnh nhân đang khắc khoải chờ ghép tạng.

Nhu cầu ghép thận tăng dần

Theo TS Thái Minh Sâm, tại Bệnh viện Chợ Rẫy số lượng bệnh nhân ghép thận tăng dần theo thời gian.

Năm 2015, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận cho 81 trường hợp. Từ đầu năm đến tháng 8-2016, bệnh viện đã ghép thận cho 60 trường hợp.

Hiện còn nhiều bệnh nhân đăng ký chờ ghép thận và dự báo số bệnh nhân được ghép thận trong năm nay sẽ nhiều hơn năm trước, do số bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối ngày một tăng.

Sau ghép thận, tỉ lệ thận còn hoạt động và tỉ lệ tử vong của bệnh nhân tại bệnh viện cũng tương đương với số liệu các nước trên thế giới. Tỉ lệ thận ghép còn hoạt động sau 1 năm là 99%, sau 5 năm là 98%, sau 10 năm là 95% và sau 20 năm là 79%.

Tỉ lệ sống còn của những người nhận thận sau 1 năm là 99%, sau 5 năm là 97%, sau 10 năm là 94% và sau 20 năm là 92%.

Trong số hơn 500 bệnh nhân được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trên 50 trường hợp đã có con sau khi ghép, trong đó có 4 bệnh nhân là nữ.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp