07/12/2023 06:12 GMT+7

Món đồ 5-7 ngàn cũng phải xuất hóa đơn: Người buôn bán nhỏ than 'khó làm được'

Quy định xuất hóa đơn điện tử ngay sau khi bán hàng với đơn hàng có giá trị bất kỳ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ than khó thực hiện.

Khách tính tiền, chờ in hóa đơn tại một cửa hàng bán lẻ ở TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Khách tính tiền, chờ in hóa đơn tại một cửa hàng bán lẻ ở TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Nhưng nhiều doanh nghiệp khác cho rằng cần phải làm để tăng minh bạch trong kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh công bằng và chống gian lận, thất thu thuế.

Bán một chai nước lọc cũng phải xuất hóa đơn

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ quy định: Các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, dịch vụ ăn uống theo chuỗi không được xuất hóa đơn cuối ngày mà phải xuất theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.

Ông Trần Hải Đình, chủ một chuỗi cửa hàng đồ uống nhượng quyền tại TP.HCM, cho biết hiện nay cuối ngày công ty phải tổng hợp doanh thu bán hàng từ hệ thống máy tính tiền ở các cửa hàng rồi xuất hóa đơn tổng chuyển cho cơ quan thuế.

Quy định này mất thời gian nhưng thực hiện tương đối thuận lợi. Còn trường hợp xuất hóa đơn điện tử cho mỗi hóa đơn ngay sau khi bán thì sẽ tốn thêm thời gian, chi phí.

"Để làm điều này, đơn vị phải cần thêm nhân sự phụ trách, phải đầu tư thêm các phần mềm, máy móc liên quan, chưa kể phải có sự kết nối tốt với phần mềm của cơ quan thuế, đường truyền phải ổn định", ông Đình nhận định.

Ông Phan Công Thảo, chủ một cửa hàng trà sữa ở Gò Vấp, cho biết trước đây hóa đơn trên 200.000 đồng mới phải xuất, còn với quy định mới thì phát sinh giao dịch là xuất hóa đơn; điều này khiến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phát sinh thêm nhiều chi phí.

"Đôi khi khách vào mua một chai nước lọc chỉ 10.000 - 15.000 đồng nhưng phải xuất hóa đơn điện tử liền, trong khi một ngày có thể có đến hàng trăm hóa đơn ít tiền như vậy. Cơ quan thuế nên xem xét lại quy định này cho phù hợp với thực tế", ông Thảo nói.

Đại diện một đơn vị chuyên bán cà phê mang đi tại TP.HCM cho biết bán mang đi thường không có điều kiện cơ sở vật chất, khó lắp đặt các máy móc, không có nhân sự để xử lý các vấn đề về xuất hóa đơn điện tử, chưa kể giá bán trên mỗi đơn hàng chỉ 15.000 - 20.000 đồng.

Do đó nếu phải áp dụng quy định "xuất hóa đơn cho mỗi đơn hàng", khó khăn sẽ không nhỏ, thậm chí những điểm bán nhỏ gần như không thể làm được.

Ông Lâm Phương Toàn, chủ một chuỗi cửa hàng hoa tại TP.HCM, bày tỏ: "Tôi hiểu quy định mới là khi khách thanh toán, cửa hàng buộc phải xuất hóa đơn điện tử để báo cáo cơ quan thuế. Nếu như vậy, tôi bán một bông hoa hồng 10.000 đồng cũng phải xuất hóa đơn, quá cồng kềnh, tốn bộ nhớ lưu dữ liệu, khó thực hiện 100%".

Đơn cử như đợt lễ 20-10 vừa rồi, mặt hàng bán chạy nhất của shop là bó hoa mini giá khoảng 30.000 đồng. Cửa hàng bày luôn sản phẩm ra vỉa hè để hút khách qua đường. Khách mua chủ yếu đi xe máy tạt qua, ngồi luôn trên xe chọn và thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, vì đơn hàng nhỏ nên khách không có nhu cầu lấy hóa đơn để nhanh, gọn, tiện.

"Giờ nếu mình yêu cầu khách đứng đợi để in hóa đơn, thanh toán lâu sợ khách khó chịu bỏ đi", ông Toàn nói.

5,9 tỉ

Tính đến ngày 30-11, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là khoảng 5,9 tỉ hóa đơn (trong đó 1,7 tỉ hóa đơn có mã và hơn 4,2 tỉ hóa đơn không mã).

Doanh nghiệp lớn không lo

Giám đốc một thương hiệu sách chia sẻ vì doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh sách trên các sàn thương mại điện tử, hóa đơn từ lẻ tới sỉ được cập nhật liên tục trên hệ thống phần mềm công ty nên yêu cầu cập nhật hóa đơn trong 24 giờ với cơ quan thuế không quá căng thẳng.

Trong khi đó, hệ thống Lẩu gà 109 (TP.HCM) đã áp dụng xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế từ nhiều tháng qua và bước đầu dần quen.

Ông Trần Quốc Thịnh, người sáng lập chuỗi, cho biết với khoảng 150 - 180 hóa đơn mỗi ngày, công ty cũng tốn thêm chi phí nhân sự, móc móc để tuân thủ quy định. Chỉ có một số trục trặc nhỏ trong quá trình hoạt động.

Việc xuất hóa đơn điện tử tốn trung bình khoảng 1-3 phút/hóa đơn, nhưng do phải mua phần mềm từ bên thứ ba để kết nối với phần mềm cơ quan thuế, nên vẫn có trường hợp "cái xuất được, cái không".

"Trường hợp lâu quá khách ra về, đơn vị phải tìm cách liên lạc sau để xuất hóa đơn, chưa kể xuất sai phải thu hồi... làm phát sinh thêm các chi phí không đáng có", ông Thịnh chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-12, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết không gặp nhiều khó khăn với quy định này vì trước giờ đơn vị đã xuất hóa đơn theo từng giao dịch khi bán hàng. Tuy nhiên, các cửa hàng tiện lợi sẽ gặp vấn đề lớn.

"Để áp dụng, các cửa hàng tiện lợi phải đầu tư tiền để nâng cấp hệ thống và chi phí bỏ ra để trả tiền hóa đơn tính theo từng giao dịch sẽ rất lớn so với doanh thu", đại diện MM nhận định.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền góp phần quan trọng vào quản lý thuế công khai, minh bạch, bình đẳng cho các đối tượng tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Tính đến cuối tháng 11, đã có 37.542 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Số lượng hóa đơn có mã khởi tạo từ máy tính tiền hơn 72,7 triệu hóa đơn với tổng số tiền thuế là 4.208 tỉ đồng.

Kinh tế khó khăn, một cửa hàng hoa tại Gò Vấp (TP.HCM) làm các bó hoa giá rẻ bán dịp lễ, chủ tiệm hoa lo lắng nếu dự thảo có hiệu lực sẽ khó bởi khách không đủ kiên nhẫn đợi in hóa đơn - Ảnh: NHẬT XUÂN

Kinh tế khó khăn, một cửa hàng hoa tại Gò Vấp (TP.HCM) làm các bó hoa giá rẻ bán dịp lễ, chủ tiệm hoa lo lắng nếu dự thảo có hiệu lực sẽ khó bởi khách không đủ kiên nhẫn đợi in hóa đơn - Ảnh: NHẬT XUÂN

Đảm bảo kinh doanh công bằng, minh bạch

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Dũng, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết tâm lý chung của người bán hàng đều ngại phải xuất hóa đơn điện tử mỗi lần cho món hàng có giá trị thấp vì nhiều lý do như tốn kém thêm chi phí, hay phát sinh thêm việc, thậm chí là không muốn bị lộ doanh thu...

Nhưng sắp tới, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ sẽ không thể né tránh việc sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền khi cơ quan thuế sửa quy định.

"Hiện nay hầu hết doanh nghiệp, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đều đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của cơ quan thuế theo nghị định 123. Tuy nhiên hiện chưa có quy định bắt buộc hoạt động kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng phải sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền.

Chưa kể một số hộ kinh doanh còn e ngại chi phí để nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, đặc biệt là mô hình chuỗi, siêu thị", ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết để đẩy nhanh tiến độ triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền, trong thời gian tới Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế sẽ trình sửa đổi quy định nhằm bắt buộc người nộp thuế thuộc diện triển khai hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền phải thực hiện.

Song song đó, cơ quan thuế sẽ tiếp tục rà soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mô hình kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng để đưa vào kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2023.

"Ngoài việc quản lý thuế thì quy định các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, dịch vụ ăn uống theo chuỗi không được xuất hóa đơn cuối ngày, mà phải xuất theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế còn nhằm khuyến khích thói quen tiêu dùng văn minh, lấy hóa đơn khi mua hàng hóa và dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế", ông Dũng nói.

Mục tiêu của ngành thuế là đến hết năm nay sẽ phủ sóng 100% những doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng triển khai chương trình này. Cơ quan thuế cũng cho phép cửa hàng, siêu thị gửi hóa đơn cho cá nhân bằng Zalo và các kênh điện tử khác sẽ giúp giảm chi phí cho cửa hàng và tạo thuận lợi cho người mua hàng.

Không thể tránh né mãi được

Bộ Tài chính giải thích điều 90 Luật Quản lý thuế quy định: toàn bộ tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất hóa đơn điện tử, không phân biệt giá trị từng lần.

Căn cứ quy định trên, việc sử dụng hóa đơn điện tử được áp dụng từ 1-7-2022 và đến nay đã thực hiện thống nhất trên cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều người bán hàng không xuất hóa đơn điện tử và người mua hàng cũng không lấy chứng từ này khi mua hàng.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua Bộ Tài chính, ngành thuế đẩy mạnh tuyên truyền đến người bán hàng, người mua hàng về quyền lợi và nghĩa vụ của việc xuất hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.

Vì hóa đơn điện tử là chứng từ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ. Qua đó, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

EU thúc đẩy hóa đơn điện tử

Người dân mua sắm trong siêu thị tại TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người dân mua sắm trong siêu thị tại TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT) trong thời đại kỹ thuật số (ViDA) là một sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) nhằm điều chỉnh hệ thống thuế VAT phù hợp với thực tế công nghệ và kỹ thuật số mới. Giai đoạn áp dụng đầu tiên của ViDA sẽ bắt đầu từ tháng 1-2024 với việc lập hóa đơn điện tử bắt buộc.

Sự thay đổi trong cách lập hóa đơn điện tử ảnh hưởng đến cả nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và khách hàng. ViDA quy định thời gian lập hóa đơn sẽ nằm trong vòng hai ngày làm việc kể từ khi xảy ra giao dịch, không phải theo thời gian thực.

Quy định mới sẽ khác với giới hạn 45 ngày hiện tại để lập hóa đơn cho các doanh nghiệp nội khối. Ngoài ra tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hóa đơn trực tuyến là điều cần thiết để chống gian lận thuế nói chung và gian lận thuế VAT nói riêng.

Theo chuyên trang về hóa đơn EasyAP, ViDA cung cấp hệ thống một cửa cho phép doanh nghiệp kê khai và nộp thuế VAT đối với tất cả các giao dịch bán hàng trực tuyến (áp dụng cho người tiêu dùng trong EU) chỉ bằng một tờ khai.

Hệ thống này giúp giảm gánh nặng hành chính, đơn giản hóa việc quản lý thuế cho doanh nghiệp và tạo điều kiện tuân thủ các quy định về thuế.

Trước đây, một số doanh nghiệp nhỏ có thể được miễn thuế VAT nếu doanh thu hằng năm của họ không vượt quá một ngưỡng nhất định.

Với sự ra đời của ViDA, ngưỡng này được loại bỏ đối với những người cung cấp dịch vụ kỹ thuật số. Điều đó có nghĩa là tất cả sẽ phải tuân thủ nghĩa vụ thuế VAT bất kể quy mô của họ.

NGUYÊN HẠNH

Hóa đơn điện tử góp phần quan trọng trong chuyển đổi số quốc giaHóa đơn điện tử góp phần quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia

Cục Thuế TP.HCM đã ghi nhận những vướng mắc bất cập và các góp ý nội dung dự thảo về quy định xử lý với các trường hợp xử lý hóa đơn điện tử có sai, sót.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp