Phóng to |
Martin Yan thăm chợ Xóm Mới (Nha Trang) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Từ những ngày giữa tháng 9, chương trình thực tế “Taste of Vietnam” (Hương vị Việt Nam) với sự trở lại của Martin Yan đang có một hành trình khám phá ẩm thực sôi nổi dọc theo chiều dài đất nước. Đợt ghi hình đầu tiên với lịch trình dày đặc đã bắt đầu từ ngày 12-9 đi qua nhiều thành phố, vùng miền: Nha Trang, Bến Tre, Tiền Giang, TP.HCM, Huế...
Gần 10 ngày di chuyển liên tục và nói không ngừng nghỉ, đến ngày thứ bảy Yan đã thật sự tắt tiếng! Ai cũng thương cho “ông già” đã hơn 60 tuổi mà còn quá nhiệt tình với các món ăn ngon nên quyết định bỏ một vài địa điểm để ông có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng chỉ vừa biết tin này, ông đã giãy nảy: “Không được, cảnh quay lúa sáng đẹp lắm, tôi không bỏ qua đâu, tối nay về tôi sẽ uống... nước giá!”.
Sau mỗi món ăn là một câu chuyện
Cầm trên tay đĩa bánh khoái vàng giòn, thơm nức mùi tôm thịt cháy cạnh, Yan rỉ tai người viết bài: “Tôi cá với bạn, món này dù bạn có mang đến đâu người ta cũng sẽ thích”. Với kinh nghiệm hơn 30 năm đứng bếp và đã góp một phần không nhỏ đưa món ăn Trung Hoa đến gần hơn với khán giả Mỹ, ông bắt đầu chia sẻ những “túi bí mật” của riêng mình trong nguyên tắc quảng bá đã áp dụng nhiều năm qua. “Về cơ bản, nền ẩm thực nơi nào cũng gồm những món chiên giòn, hấp, xào, hầm... Tôi để ý thấy người trẻ ở đâu cũng rất mê ăn đồ chiên, có thể vì sự giòn rụm của nó làm người ta vui miệng khi ăn, và từ đó thấy ngon hơn. Thứ hai là người ta chỉ thấy hứng thú với những món ăn dễ làm, nguyên liệu có thể tìm thấy bất cứ đâu. Vậy nên thử gây chú ý bằng những món ăn đơn giản, tốt cho sức khỏe xem sao. Và quan trọng, ẩm thực ra đất khách cũng như một con người bước ra thế giới: bạn không chỉ cần cho nó một cái tên, những lời hoa mỹ đi kèm, mà nhất thiết phải cho nó một nguồn gốc khiến người ta phải nhớ, phải yêu. Cũng giống như khi tôi vừa bước chân vào quán bánh khoái này, tôi chỉ nghĩ nó là một loại bánh bột bình thường. Nhưng khi tôi biết chủ quán này đã tiếp nối nghề làm bánh từ mẹ, mẹ cô tiếp nối từ bà nội, và họ đã có 31 năm sinh ra chỉ để... làm bánh thì tôi biết món ăn này chắc chắn phải có mặt trong danh sách cùng tôi đi khắp nơi!”.
Yan kể chuyện, suốt những năm ở Mỹ, đi đâu nhắc đến Việt Nam ông cũng nghe người ta nói về phở, kể chuyện phở và... ăn phở! Nhưng sau nhiều lần nghiên cứu và đi ăn phở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, ông nhận ra: ngay cả phở cũng có ba bảy đường... phở, và mỗi miền vị phở lại càng khác nhau! “Câu chuyện đó nhắc nhở tôi món ăn của các bạn đa dạng vô cùng. Phở chỉ là một ví dụ! Tôi muốn thế giới biết: mỗi cây số, thành phố tôi đi qua ở VN đều có một món đáng ăn và nên thử, như thế này này!”. Vừa nói ông vừa xuýt xoa cho cả cây nem nướng còn nóng hổi vào miệng nhai một cách thích thú.
Yan từng gánh vải ra chợ Bến Thành ngồi bán, vào chợ cá nạo cá thác lác với tiểu thương. Hơn một tuần nay, sáng nào ông cũng dậy lúc 5g để... lang thang ngoài chợ trời, quán xá vỉa hè, trưa thì vào sân chùa cuộn lá lốt đậu phụ làm món chay, tối lui tới nhà hàng chế biến hải sản, “ông già vui vẻ” Martin Yan chỉ đang muốn khẳng định một điều: ông thật lòng háo hức và say mê với những món ăn Việt, chứ không đơn thuần chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”! “Không có một món ăn nào bước ra thế giới mà không mang theo sau lưng một câu chuyện. Tôi phải đi để hiểu và kể câu chuyện ấy bằng chính những trải nghiệm của mình” - Yan tâm đắc.
Góp tên Việt trên bản đồ món ngon
Chuyện “xưa như trái đất” rằng Yan mê ẩm thực Việt, luôn mơ ước được sống ở đây như quê hương thứ hai đã được người ta nói nhiều. Nhưng ít ai biết sau chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam cách đây gần chục năm, Yan đã có ý định xây dựng và thực hiện một chương trình về ẩm thực Việt do chính ông làm chủ xị. Đã chuẩn bị đầy đủ về người và... của, rồi vì nhiều lý do, chương trình cuối cùng đã không thể diễn ra như kế hoạch. Yan một mình bỏ tiền túi bồi thường hợp đồng cho những chuyên gia, thiết bị, máy móc đã “lỡ” ký kết và ngậm ngùi chờ đợi! Cứ ngỡ sau lần ấy Yan sẽ nản chí hoặc e dè..., nhưng không ngờ ông lại càng đến nhiều hơn, nhận bất kể sô lớn nhỏ tại đây để có cơ hội thực hiện tiếp kế hoạch dang dở ấy.
Cô Bùi Thị Sương - giảng viên ẩm thực tại Trường Du lịch Sài Gòn - kể lại: “Cách đây vài năm, tôi có dịp đến Mỹ và có ghé thăm Yan tại nhà riêng ở California. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là trong ngôi nhà nhỏ tọa lạc trên quả đồi, Yan nuôi cá, trồng rau thơm... như một lão nông thật sự. Chúng tôi trò chuyện nhiều về ẩm thực và Yan luôn nhắc đến Việt Nam như một sự trăn trở mà ông chưa làm được...”.
Cô Sương chợt nhớ: “Khi đến tham gia Tuần lễ ẩm thực châu Á tại Thụy Điển tôi... tủi thân ghê lắm! Mình muốn nấu món Việt mà nguyên liệu gì cũng thiếu thốn. Trong khi Chính phủ Thái Lan cho xây hẳn một siêu thị Thái bán đầy đủ nguyên liệu làm món Thái ở đây, một đất nước khá xa xôi. Người Thụy Điển cũng thích và biết nhiều đến món Thái hơn món Việt, dù thực tế món Việt dễ ăn và dễ hợp khẩu vị của nhiều người!”.
Người Việt Nam khéo léo đến mức dù đôi mắt không thể nhìn vẫn... ung dung trở thành Vua đầu bếp số một tại Mỹ (như với Christine Hà trong Master Chef 2012). Món ăn Việt phong phú đến mức chỉ với nguyên liệu là dừa mà festival dừa vừa diễn ra đầu tháng 9 qua tại Bến Tre đã ghi nhận đến hơn 180 món. Thực tế chúng ta không thiếu gì cả, chỉ thiếu một chính sách hỗ trợ và quảng bá ẩm thực bài bản, dài lâu và mang tính định hướng, như lời chia sẻ của nhiều chuyên gia ẩm thực. Nhưng một người nước ngoài như Martin Yan còn quan tâm và hết lòng quảng bá cho ẩm thực Việt thì chẳng cớ gì chúng ta lại không nắm bắt những cơ hội nóng hổi vừa đến để góp tên Việt trên bản đồ món ngon...
Cơn mưa bất chợt nặng hạt khiến chợ Đông Ba, Huế lụp xụp và trơn trượt đúng ngày Yan có chuyến “vi hành” đến đây để thưởng thức... mắm ruốc - một trong những gia vị Việt đầy thử thách đối với hầu hết khách nước ngoài. Lật giở từng thùng mắm ruốc, tôm chua... dậy mùi, Yan cười thật tươi: “Hôm nay Yan đi ăn mắm!”.
“Hãy chỉ cho tôi biết” Sà vào hàng bánh cuốn đắt khách Thanh Vân, Hà Nội, một vị khách người châu Á đứng tuổi tự “gọi món” đĩa bánh cuốn nhân thịt gà rồi nhanh chóng bưng đĩa ra chiếc bàn nhựa ngoài vỉa hè. Nếu không có một êkip đứng quanh chăm chú ghi hình, chụp ảnh... khách hiếu kỳ qua đường khó nhận ra người đang vừa ăn vừa thuyết minh món bánh cuốn chính là đầu bếp người Mỹ gốc Hoa Martin Yan. Nổi tiếng trong hơn 40 năm qua với câu nói “If Yan can, so can you” (Nếu Yan có thể nấu ngon thì bạn cũng vậy) và càng nổi tiếng hơn khi quyết định có những “hành trình ẩm thực” vượt ra khỏi những lớp dạy nấu ăn ở Mỹ, Yan chỉ ở Hà Nội vỏn vẹn hai ngày (21 và 22-9) với một lịch trình có thể được “ốp” vào bất kỳ vị khách quốc tế nào: tập thể dục ở công viên tượng đài Lý Thái Tổ, ăn phở Bát Đàn, thăm Quốc Tử Giám, thưởng thức chả cá Lã Vọng, đi xích lô, xem múa rối nước, uống cà phê vỉa hè, trò chuyện với người bán hàng rong bên cầu Long Biên... Dành nụ cười tươi cho bất kỳ ánh mắt nào nhìn mình, nhưng lại rất chú tâm nghe cách chấm miếng bánh vào bát nước mắm, Yan dặn trợ lý: “Lần sau hãy chỉ cho tôi biết sớm nhé!”. Cho đến khi các đầu máy quay đã đóng lại, đám đông giãn ra, vị đầu bếp nổi tiếng vẫn nán lại thưởng thức hết phần ăn rồi hoan hỉ khoe chiếc đĩa sạch bong với chủ quán. “Cảm ơn bà, hành trình của tôi đặc biệt hơn bởi tình yêu, nhiệt huyết và năng lượng tràn đầy khi được quảng bá ẩm thực phương Đông, trong đó có Việt Nam!” - Yan tạm biệt bà chủ trước khi tiếp tục lên xe với điểm dừng tiếp theo: Sa Pa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận