24/03/2017 11:00 GMT+7

​Món ăn cho người thoái hóa khớp

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Thoái hóa khớp là bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở người cao tuổi. Vị trí bị thoái hóa khớp có tỷ lệ cao nhất là cột sống thắt lưng 31%, cột sống cổ 14% và ở khớp gối 13%.

Nguyên nhân thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp gối có tỷ lệ mắc bệnh đứng hàng thứ 3, nhưng lại đứng đầu thoái hóa khớp ở các chi và là nguyên nhân hàng đầu gây hạn chế vận động và tàn tật ở người cao tuổi.

Người bị thoái hóa khớp gối thường bị đau sau khi vận động đi lại nhiều, mang xách nặng và thay đổi thời tiết… Đau ở khớp gối gây khó khăn khi đi lại, lên xuống cầu thang và cứng khớp buổi sáng kéo dài từ 5 - 30 phút.

Thoái hóa khớp gối được xác định do nguyên nhân ngoại nhân, nội thương và các nguyên nhân khác.

Nguyên nhân ngoại nhân (thay đổi thời tiết): khi thời tiết có những thay đổi đúng lúc cơ thể suy yếu thì tà khí gồm phong, hàn, thấp tà (gió, lạnh, ẩm thấp) sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể làm cho sự vận hành của khí huyết tắc lại, gây sưng, đau, tê nặng ở khớp.

Nguyên nhân nội thương (yếu tố thể tạng, cơ địa): khi con người về già hoặc người mắc bệnh lâu ngày làm cho tạng can, tạng thận bị hư suy, khí huyết giảm sút dẫn đến thận hư không chủ được cốt tủy gây đau nhức trong xương khớp. Tạng can hư không nuôi dưỡng được gân, gân yếu nên co duỗi cứng hoặc yếu, teo, đi lại khó khăn. Khi bệnh nặng khớp có thể bị biến dạng, gân cơ bị teo. Nguyên nhân này thường gặp ở những trường hợp đau khớp ở người có tuổi, bệnh mạn tính như: đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, béo phì…

Nguyên nhân khác (môi trường sống): Điều kiện sống và làm việc thường xuyên trong môi trường ẩm thấp, thường xuyên ngâm nước, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, vận động quá mức, mang xách nặng là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp…

Điều trị thoái hóa khớp bằng liệu pháp điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng nhằm giảm đau cho người bệnh và duy trì chức năng vận động của khớp. Với mỗi bệnh nhân, mỗi mức độ bệnh cần được khám và hướng dẫn điều trị phù hợp.

Ngoài điều trị giảm đau và phục hồi chức năng thì nguyên tắc ăn uống là rất quan trọng với người có thoái hóa khớp. Khi đang phát cơn, khớp sưng đau rõ rệt, có khi kèm nóng, đỏ nên ăn uống thanh đạm, chủ yếu các thức ăn giải nhiệt, thông ẩm như dưa hấu, bí xanh, ngó sen, đậu phụ...; kiêng ăn các thức cay nóng, nướng giúp trợ hoả hoặc mỡ béo, ngọt, các thức ăn sinh ẩm như ớt, rượu, thịt mỡ, thịt dê...

Thoái hóa khớp là bệnh có tổn thương sụn khớp nên cần ăn nhiều thức ăn giàu chất sụn và có lợi cho việc sửa chữa khôi phục sụn khớp như vây cá, tai lợn, gân móng khuỷu, xương sườn và các thực phẩm có mai vỏ, như cua, tôm tép, trứng ngâm dấm...

Một số món ăn bài thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh

Bài 1: Bí xanh 500g, xương sườn lợn 250g, nấu canh ăn, nên ăn nhạt, dùng chữa giai đoạn phát cơn, chủ yếu là giai đoạn sưng, ít nóng đỏ, hoặc giai đoạn giải trừ bệnh để giữ gìn sức khỏe, phòng tái phát.

Bài 2: Mướp tươi 250g, đậu phụ 250g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn, dùng chữa giai đoạn phát cơn cấp tính có sưng, nóng đỏ đau ở mức độ nhẹ.

Bài 3: Đậu xanh 100g, ý dĩ nhân 50g, đường cát, hoa quế vừa đủ, nấu canh ăn điểm tâm, sớm tối ngày 2 lần, dùng chữa giai đoạn cấp tính, sưng nóng đỏ đau rõ rệt, hạn chế cử động.

Bài 4: Hồng táo 10 quả, ý dĩ nhân 50g, không dùng đường nấu canh ăn điểm tâm, chia 2 lần sớm tối ăn hết, dùng chữa giai đoạn giải trừ dần, sưng đau không còn rõ nữa, chỉ còn mệt mỏi.

Bài 5: Ý dĩ nhân 50g, đậu xanh 25g, bách hợp tươi 100g. Bách hợp tẽ cánh, xé bỏ màng trong, dùng chút muối tinh bóp nhẹ, rửa sạch để bỏ vị đắng, đậu xanh và ý dĩ nhân rửa sạch, đun sôi, đun nhỏ lửa tới khi đậu nhừ, sau thêm bách hợp cùng nấu tới đặc. Khi ăn thêm chút đường trắng, sớm tối mỗi lần ăn 1 bát con, dùng chữa âm hư, nóng trong, khớp gối sưng nóng đỏ đau nhiều.

Bài 6: Bột bạch phục linh 20g, xích tiểu đậu 50g, đại táo 10 quả, gạo tẻ 100g. Xích tiểu đậu nấu chín tới khoảng 50%, rồi thêm gạo tẻ và đại táo vào nấu cháo, khi sắp đặc, thêm bột phục linh vào nấu thành cháo đặc, dùng chữa khớp gối sưng lan, hơi nóng.

Bài 7: Nam ngũ gia bì 50g, gạo nếp 500g, ngũ gia bì rửa sạch, thêm nước ngâm no, sắc nước, cứ 30 phút lấy nước sắc một lần, cộng lại 2 lần, đem nước đó nấu với gạo nếp thành cơm nếp hơi khô, để nguội, thêm men rượu vừa đủ, trộn đều, lên men thành rượu cái. Mỗi ngày lượng vừa đủ ăn trong bữa ăn, dùng chữa giai đoạn giải trừ dần, có đau mỏi không chịu được gió lạnh.

Bài 8: Đậu tương 30g, hồng trà 2g, muối ăn 0,5g, nước 500ml. Nấu đậu tương tới chín, lấy nước, thêm hồng trà, muối ăn đun sôi. Mỗi lần uống 100ml, chia 4 lần, sau ăn đậu tương, mỗi ngày 1 thang, có tác dụng thông ẩm tiêu sưng, dùng chữa khớp gối sưng khá rõ nhưng không nóng đỏ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp