20/09/2018 10:09 GMT+7

Mỗi trường THPT soạn 1 bộ đề mẫu

DUY THANH thực hiện
DUY THANH thực hiện

TTO - Đây là một trong những nội dung mới của nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2018-2019 vừa được Sở GD-ĐT Phú Yên hướng dẫn đến các trường THPT.

Mỗi trường THPT soạn 1 bộ đề mẫu - Ảnh 1.

Học sinh Phú Yên thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 - Ảnh: THÚY HẰNG

Ông Ngô Ngọc Thư, phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết: Để làm quen với hình thức mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019, sở yêu cầu mỗi trường THPT biên soạn, phản biện chéo và gửi về sở 1 bộ đề thi trước ngày 30-11 để phổ biến toàn tỉnh cho giáo viên, học sinh tham khảo.

Ông Thư cho biết "mục đích của việc các trường phải biên soạn 1 bộ đề là để học sinh làm quen với dạng đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Đây cũng là hình thức ôn tập để học sinh nắm chắc kiến thức hơn, đồng thời diễn tập, thi thử để các em không bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức. 

Thực ra hằng năm, Bộ GD-ĐT cũng gửi cho các sở 1 bộ đề thi mẫu, chúng tôi đều gửi cho các trường THPT tham khảo. Còn việc làm các bộ đề thi mẫu, thi thử thì Sở GD-ĐT Phú Yên đã thực hiện 4-5 năm rồi và đã xây dựng ngân hàng đề thi.

Tuy nhiên, để tăng cường hơn, năm nay sở yêu cầu toàn bộ hơn 30 trường THPT phải biên soạn, phản biện nhằm xây dựng 1 bộ đề thi mà được cập nhật hình thức, nội dung mới nhất. Từ cơ sở đó hình thành nên một ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT "nóng". 

Sở sẽ kiểm tra, thẩm định những bộ đề để đảm bảo tính chính xác, có chất lượng, sau đó gửi cho tất cả các trường để tổ chức thi thử, ôn luyện thêm. 

Sở GD-ĐT tỉnh cũng yêu cầu các trường tăng cường ra đề kiểm tra, thi học kỳ với nhiều câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước, nhất là các môn khoa học xã hội và nhân văn. Đây cũng là nội dung mới vì các bài thi, bài kiểm tra chú ý hơn kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức của học sinh chứ không chỉ học rồi trả lời kiến thức giáo khoa. 

Dạng đề mở đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, cả trong tự nhiên lẫn xã hội, nhất là xã hội mà môn ngữ văn là rất rõ".

* Được biết Phú Yên cũng yêu cầu các trường đánh giá học sinh theo những hình thức mới chứ không chỉ là làm bài kiểm tra, vì sao như thế?

- Trước nay, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh chỉ là theo điểm số của bài kiểm tra, nay chúng tôi có hướng dẫn mới nhằm tiến dần đến việc đánh giá suốt quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá khác thay cho bài kiểm tra hiện hành, tùy vào quy định chung của hiệu trưởng từng trường. Chẳng hạn đánh giá học sinh qua các hoạt động trên lớp qua hồ sơ học tập, báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm... 

Chúng tôi thấy rằng cách đánh giá này sẽ gợi mở, kích thích học sinh năng động và hứng thú hơn trong học tập thay vì chỉ chăm chú vào nội dung trong sách giáo khoa.

* Lãnh đạo một số trường bày tỏ băn khoăn về việc đánh giá học sinh theo các hình thức mới, nhất là quy chuẩn đánh giá...

- Thực ra việc đánh giá học sinh theo các hình thức như nêu trên thay vì làm bài kiểm tra đã được nhiều nước áp dụng, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích, nhưng theo tôi biết chưa có nhiều địa phương triển khai. Vấn đề này cũng đã được sở tổ chức tập huấn cho các trường rồi, nhưng năm nay mới triển khai áp dụng. 

Vì là lần đầu tiên áp dụng nên sở khuyến khích các trường có đủ điều kiện thì thực hiện đại trà cho học sinh, còn thiếu điều kiện thì xem xét cộng điểm cho học sinh có đề tài, sản phẩm tốt... hoặc có 5 bài kiểm tra thì áp dụng 2 bài đánh giá theo hình thức mới, 3 bài kiểm tra truyền thống. Riêng các trường miền núi, vùng khó khăn thì chưa áp dụng. 

Hiệu trưởng các trường sẽ xây dựng các phương án đánh giá học sinh theo hình thức mới trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD-ĐT.

* Thầy Huỳnh Tấn Châu (hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, TP Tuy Hòa):

Phải thẩm định kỹ bộ đề do trường xây dựng

Theo tôi, việc mỗi trường THPT xây dựng 1 bộ đề thi để giao lưu học tập, có thêm nguồn tư liệu cho học sinh và giáo viên tham khảo là rất tốt.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải làm bộ đề ấy có chất lượng cao, đạt chuẩn, đúng tinh thần của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Có như thế khi tiếp cận, học sinh và giáo viên trường khác mới có hứng thú, còn ngược lại thì người ta không quan tâm. Điều này đòi hỏi Sở GD-ĐT phải thẩm định thật kỹ.

Tôi cũng thấy việc thay thế hình thức kiểm tra đánh giá học sinh là rất tốt, tạo điều kiện để học sinh năng động, tích cực, phát triển năng lực, phẩm chất của mình. Ở đây chỉ băn khoăn là cơ sở pháp lý như thế nào, khi thay thế việc kiểm tra truyền thống thì cơ sở nào để chấm điểm, chấm ở mức nào...

* Thầy Nguyễn Bảo Toàn (phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên, huyện Đông Hòa):

Trường biên soạn đề không phải dễ...

Tôi thấy ý tưởng về việc mỗi trường làm 1 bộ đề thi tốt nghiệp THPT là rất tốt, vì giúp giáo viên và học sinh nhiều lắm. Nhưng quan trọng là cách tổ chức thực hiện và chất lượng, hình thức của đề.

Theo tôi, mỗi trường THPT biên soạn 1 bộ đề đủ chuẩn dùng để làm đề tham khảo, coi như đề mẫu, là rất khó. Đó là năm 2019 này theo quy định trong đề thi có kiến thức của 3 năm học lớp 10, 11 và 12, vậy thì tỉ lệ đơn vị kiến thức của mỗi khối là bao nhiêu?

Quy trình biên soạn cũng khó, tôi từng tham gia biên soạn câu hỏi để làm ngân hàng đề thi của Bộ GD-ĐT thì thấy rằng 1 câu hỏi phải có 10 phản biện, ở trường THPT thì điều này khó đáp ứng.

DUY THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp