Bạn trẻ uống bia trong khu vực làng đại học Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Tuổi Trẻ đã trao đổi với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - trưởng khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM, một chuyên gia tâm lý đã có những nghiên cứu, tìm hiểu xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Theo thống kê của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tại Việt Nam năm 2009, tỉ lệ người có sử dụng rượu bia chiếm 33,5%, trong đó số người lạm dụng rượu lên tới 18%. Hơn thế nữa, người sử dụng rượu bia đang “trẻ hóa”: 1/3 số người bắt đầu uống trước tuổi 20; tỉ lệ có uống rượu trong độ tuổi 14 - 17 là 34% và trong độ tuổi 18 - 21 là 57%.
Năm 2014, chúng tôi cũng thực hiện nghiên cứu “Thực trạng biểu hiện hành vi nghiện rượu bia của nam sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi tại Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu không quá làm tôi bất ngờ nhưng mang đến nhiều trăn trở”.
TS Huỳnh Văn Sơn - Ảnh: Thanh Đạm |
“Uống rượu bia không phải là hành vi đáng lên án nếu vẫn được kiểm soát. Tôi cũng không đồng thuận với cách nghĩ hay cách nói miệt thị người sử dụng bia rượu thường xuyên và thậm chí là nghiện bia rượu. Người trẻ đừng nên mặc định Việt Nam là phải nhậu. Đừng mặc định rằng việc sử dụng rượu bia trở nên quá bình thường hay thậm chí là không có không được thì tình hình sẽ phần nào được cải thiện |
Người uống bia rượu dần “trẻ hóa”
* Theo ông, những nghiên cứu, khảo sát về việc sử dụng rượu bia ở người trẻ bộc lộ những vấn đề gì khiến người ta lo ngại?
- Trong 670 người trẻ được khảo sát với hơn 60% là sinh viên và gần 40% là người trẻ tuổi trưởng thành thì hơn 50% “sử dụng rượu bia một cách bình thường” và “có xu hướng lạm dụng rượu bia”, hơn 20% “nghiện nhẹ”, 16% “nghiện vừa” và khoảng 5% rơi vào mức độ “nghiện nặng”, số người uống rượu bia hơn một năm chiếm 93% với gần 60% uống nhiều hơn 3 lít/lần.
Việc tiếp cận rượu bia từ rất sớm ở giới trẻ là một thực trạng đáng lo ngại, dự báo sự xuất hiện các tỉ lệ nghiện rượu bia trong một bộ phận người trẻ. Đồng thời từ việc tiệc tùng trong nhà, thì việc trở thành tay nhậu ở quán bia hè phố, bia hơi bình dân... thật không khó để các bạn trẻ làm quen.
Nói cách khác, sử dụng rượu bia ở người trẻ không chỉ là chuyện của hành vi mà nó còn gắn suy nghĩ - nhận thức, cảm xúc - thái độ cũng như hành vi cụ thể của con người vào kiểu hành vi nghiện.
Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi, điều nổi lên là quan niệm của người trẻ về uống rượu bia. Đa số cho rằng “uống rượu là cách xã giao và nó là phương tiện không thể thiếu khi đi làm” và “uống rượu giúp tôi giao tiếp bản lĩnh hơn với bạn bè”.
Điều này một mặt chỉ ra mục đích uống rượu bia của người trẻ là hướng về mặt giao tiếp, xã giao trong công việc hoặc cuộc sống, mặt khác phản ánh thực tế về “văn hóa nhậu trong gặp mặt và kinh doanh” đang ăn sâu vào suy nghĩ, nếp sống của người Việt ngay từ khi còn rất trẻ.
Nhưng đằng sau nó còn có nguyên nhân là để giải sầu, để tìm niềm vui do không biết giải trí cái gì. Đó còn là cách để tạo sự “tự tin ảo”, để vừa lòng bạn bè... Và thậm chí có một vài nơi phải uống để lấy lòng sếp, phải luyện để minh chứng mình hết lòng...
Cái đau là có vài sếp hay một vài văn hóa “làng” cho rằng chỉ bổ nhiệm những người biết uống rượu bia!
Dần dần, những bạn trẻ sẽ mặc định điều đó là phù hợp. Hỏi sao không đau cho cả một cái nhìn toàn cục và định hướng xa hơn ở tương lai?
Cuộc sống thiếu sự thu hút
* Nghiên cứu của PGS.TS chỉ ra một thực tế rằng giới trẻ hiện nay tiếp cận với rượu bia khá sớm. Nhìn từ góc độ tâm lý thì thói quen rượu bia phản ánh điều gì ở giới trẻ?
- Việc con người tìm đến rượu bia có hàng loạt lý do. Nhưng cũng có người cho rằng chẳng vì lý do gì. Tuy nhiên ngay cả khi người ta cho rằng chẳng rõ lý do gì thì ắt hẳn cũng còn có những khoảng trống đằng sau.
Chính là sự buồn tẻ, sự thách thức “đi vắng”, chính sự sẻ chia nghẽn mạch, chính sự thu hút của cuộc sống hiện tại quá thấp làm cho người ta giải khuây theo kiểu riêng của mình.
Cũng không thể phủ nhận có người đến với rượu bia để giao tiếp, để thể hiện sự trưởng thành. Tuy nhiên lối nghĩ này cho thấy một sự nhận thức khá giản đơn nếu như không muốn nói là ngây ngô. Người ta trưởng thành không phải chỉ ở bên ngoài, ở hành vi hay sự thể hiện.
Và càng không có việc cầm ly bia uống thản nhiên và vô tư để khẳng định mình đã trưởng thành hay bản lĩnh. Đó là suy nghĩ mang tính cảm tính, chủ quan.
* Người Việt nằm trong số các quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới, người Việt uống bia nhiều nhất ASEAN. Những cái nhất này gợi lên cho ông điều gì?
- Thống kê về tình hình tiêu thụ rượu bia gần đây nhất cho biết người Việt tiêu thụ khoảng 3 tỉ lít bia/năm, “được” xếp vào hàng “cường quốc” về tiêu thụ bia trên thế giới. Những cái nhất oái oăm này dẫn đến nhiều điều đáng trăn trở.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, trong đó không thể bỏ qua “nghiện rượu”, “say rượu” - cũng có nguy cơ trở thành hàng top trên thế giới. Ngoài ra phải kể đến tai nạn giao thông vào những ngày lễ tết, cuối tuần...
Bên cạnh đó, cũng dễ dàng nhìn thấy một thực tế đáng suy ngẫm khi không ít bạn trẻ và cả người trưởng thành thiếu cân bằng trong cuộc sống khi duy trì thói quen cuối tuần là bia rượu mà không quan tâm đến hình thức giải trí khác. Hơn thế nữa, thói quen “không say không về” và văn hóa cụng ly, văn hóa “dzô” trở thành điểm đến trong suy nghĩ và nhận thức của khá nhiều người.
Mặt khác, chính các bạn trẻ cũng mặc định ăn nhậu như một kiểu văn hóa cần tuân thủ bởi nó trở thành nét chung của một bộ phận (không phải thiểu số) người Việt. Những điều này là những quan niệm cần thay đổi.
Kết quả khảo sát 470 sinh viên nam và người trưởng thành trẻ tuổi ở TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Cần phải làm điều gì đó Nên tìm đến sự giúp đỡ của cơ quan y tế, chuyên gia trị liệu thực hành khi bản thân có dấu hiệu nghiện rượu bia để được tư vấn cai nghiện kịp thời. Đồng thời phải chia sẻ và nhắc nhở bạn bè và đồng nghiệp xung quanh về tác hại của nghiện rượu bia. Xã hội cũng nên tăng cường các văn bản pháp luật trong việc quản lý rượu bia, thuế rượu bia, xử phạt hành vi sử dụng rượu bia... một cách rõ ràng và cụ thể hơn, nhất là khâu kiểm tra thực hiện. Các cơ quan truyền thông nên xây dựng chương trình tuyên truyền về hành vi nghiện rượu bia với hình thức mới lạ, sáng tạo gây hiệu ứng về tri giác và chú ý nhiều hơn, đặc biệt là tác hại của nghiện rượu bia, cách phòng tránh và biện pháp can thiệp. |
Uống sớm, uống nhiều và quan niệm lệch chuẩn Nghiên cứu “Thực trạng biểu hiện hành vi nghiện rượu bia của nam sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi tại Việt Nam” năm 2014 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được thực hiện trên 670 người trẻ là nam giới (trong số đó có 470 người ở TP.HCM và 200 người ở miền Trung, hơn 60% là sinh viên, gần 40% là người trưởng thành trẻ tuổi khác). Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh - giảng viên khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết sở dĩ chọn độ tuổi thanh niên để khảo sát vì đây là lứa tuổi khởi đầu cho những bước lập thân lập nghiệp đầy thử thách mà cũng vô cùng ý nghĩa của cuộc đời. Khi khảo sát về quan niệm uống rượu bia ở người trẻ, hai quan niệm “uống rượu là cách xã giao và nó là phương tiện không thể thiếu khi đi làm” và “uống rượu giúp tôi giao tiếp bản lĩnh hơn với bạn bè” được lựa chọn nhiều nhất. Ngoài ra người trẻ còn bị chi phối bởi các quan niệm “uống rượu là cách thể hiện mình đã trưởng thành”, “rượu giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, sự căng thẳng hay những nỗi buồn bất tận”. Thậm chí nhiều bạn còn cho rằng “trong tương lai, xã hội không thể sống thiếu rượu”. Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh cho biết giới trẻ cũng thể hiện sự lệch chuẩn trong một số tình huống khi họ đưa ra những lựa chọn tiêu cực như “không đồng tình với việc cấm uống rượu bia” và “không quan tâm đến những phàn nàn của người khác về hành vi uống rượu bia của mình”, ”lấy tiền của người khác để uống rượu”, “mượn tiền để uống rượu”, “cáu gắt khi bị người khác ngăn cấm”... |
Tình huống: “Bạn đang chuẩn bị nộp báo cáo công việc hoặc xem lại bài thuyết trình cho ngày mai, bỗng dưng bạn bè đến rủ bạn đi uống rượu bia, bạn sẽ hành động như thế nào?”
|
Tình huống: “Bạn đang ngồi học hoặc làm việc nhưng bạn đang thèm rượu bia, bạn mang rượu bia ra uống thì ngay lập tức bị người khác nhắc nhở. Bạn sẽ phản ứng như thế nào?”
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận