Thấy quang cảnh hiện tại tôi rất vui nhưng nghĩ lại bóng dáng quá khứ thì lại rất buồn. Ngày ấy, trường vẻn vẹn chỉ có 12 thầy giáo (cả huyện khi đó chưa có một cô giáo cấp hai) thì đến nay nhẩm tính lại đã thấy trong số này có 2 người hy sinh trong chống Mỹ, 4 người từ trần, số còn lại đều đã nghỉ hưu từ lâu. Điều ấy đã buồn!
Nhưng không buồn bằng khi đến thăm trường, khi nghe tôi nhắc lại tên những người thầy giáo từng dạy ở trường này vào năm học xa xôi đó thì tuyệt nhiên, không một cô giáo, thầy giáo nào hiện đang dạy ở đây mà tôi gặp hôm ấy, nhớ được đến cả (kể cả với người viết bài này, hơn chục năm nay vẫn thường xuyên có bài trên 2 tờ báo của ngành là Giáo dục & Thời đại và Tài Hoa Trẻ).
Nhắc lại điều này tôi không dám trách gì những người thầy, người cô nói trên, bởi họ còn trẻ, năm chúng tôi dạy ở đây, họ chưa ra đời, mà chỉ ứơc ao một điều: giá mỗi nhà trường chúng ta xây dựng được một nơi gọi là “góc truyền thống” (không dám gọi là “phòng” sợ to tát quá) trong đó có trưng bày ảnh chân dung, vài nét về tiểu sử…của những thầy cô từng dạy ở trường (với những người đã khuất nên có bàn thờ, di ảnh, bát hương… Được như vậy hẳn sẽ làm ấm lòng những ai quan tâm đến tinh thần “tôn sư trọng đạo”!
Sau ngày giải phóng 30-4-1975, đến một số tỉnh ở miền Nam, tôi còn thấy một vài nơi có những ngôi miếu được gọi là “niệm sư từ” trong đó có bàn thờ, bài vị và ảnh chân dung những người thầy từng dạy ở địa phương nay đã từ trần. Tiếc rằng, sau đó nhiều nơi đã không còn coi trọng việc làm này nữa, đã để cho những ngôi miếu kia trở nên hương tàn khói lạnh, thật tiếc!
Có lẽ ngành giáo dục nên khôi phục lại nét đẹp này. Đó là với những người thầy đã khuất. Còn riêng với những người thầy hiện còn sống nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác thì thiết nghĩ mỗi trường cũng nên có một “góc truyền thống” như tôi vừa đề cập bên trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận