Người dân vội vã rời siêu thị Rạch Miễu (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) trước giờ đóng cửa vào chiều 27-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bên cạnh thời gian hoạt động chỉ bằng 1/3 so với ngày thường, nhà bán lẻ vẫn gặp khó về giao nhận, thời gian đưa hàng lên kệ.
Người mua xếp hàng sớm
Từ 7h sáng 27-7, tại Co.opFood khu dân cư Chu Văn An (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều bà nội trợ chờ đợi gần 30 phút mới đến lượt mua sắm. "Không ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau nên nhiều người phải tranh thủ đi vào ban ngày, đặc biệt là buổi sáng" - bà Hồng, người mua sắm ở đây, nói.
Giờ đóng cửa cũng được các siêu thị thực hiện nghiêm. Gần 16h, chị Hoàng Oanh (ngụ Q.Phú Nhuận) vừa xong cuộc họp online với công ty vội chạy ra siêu thị Co.opmart gần nhà thì được bảo vệ thông báo siêu thị ngưng nhận khách và cổng vào bắt đầu khép. Đúng 16h, những vị khách cuối cùng vội vã bước ra khỏi điểm bán.
Theo các siêu thị, trong ngày 27-7 lượng khách đến siêu thị khá ổn định, sức mua không tăng hay có hiện tượng đổ dồn vì một số nơi bắt đầu phát phiếu đi mua sắm cho người dân. Các hệ thống Lottemart, AEON Việt Nam, MM Mega Market... ghi nhận lượng khách đến siêu thị giảm rõ rệt do hạn chế về việc di chuyển giữa các phường, các quận.
Hàng lên kệ bị "hụt hơi"
Do 6h sáng mới bắt đầu đi lại nên đến khoảng 8h nhiều siêu thị mới có xe chở thịt đến giao hàng. Tại nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh ở khu vực TP Thủ Đức, Q.Bình Thạnh, khá nhiều mặt hàng trong tình trạng mới nhập về, vẫn còn trong bao, nhân viên chưa kịp đưa lên quầy kệ, phổ biến nhất là mặt hàng rau, củ.
Chị Trang (ở đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình) nói sáng sớm mới ra cửa hàng tiện lợi gần nhà đã hết các thực phẩm thiết yếu, chỉ còn rau củ. Thực phẩm khô vẫn khan hiếm. Theo ghi nhận, tại nhiều điểm bán trong sáng 27-7 hàng hóa trống kệ khá nhiều do hàng tươi sống không về kịp. Nhân viên tại một cửa hàng Vinmart trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) cho biết hàng tươi sống chưa có là do xe chở hàng về trễ, xe đi nhiều nơi bỏ hàng nên khả năng khoảng 10h thì rau, củ, thịt mới về đến cửa hàng.
Đại diện Central Retail Việt Nam xác nhận trong ngày 27-7 nhân viên các điểm bán đều "rối" vì hàng chưa kịp về siêu thị nhưng khách đã chờ sẵn bên ngoài và chỉ chờ mở cửa để ùa vào mua. Đặc biệt, các xe rau, củ, thịt do phải đi qua nhiều chốt chặn và bị giới hạn thời gian nên hàng giao trễ. Siêu thị cũng cần thời gian để pha lóc, phân loại dán tem giá lên sản phẩm. Ngay một số bộ phận như bánh mì, khu thực phẩm chế biến sẵn, nhân viên phải luôn có mặt ít nhất 2 - 3 tiếng trước giờ mở cửa để chế biến nhưng hiện nay cũng không thể đến sớm được.
Lo ngại vì mỗi chốt một kiểu
"Chưa bao giờ bán lẻ lại lúng túng như thế này vì quy định thời gian. Luồng xanh được thiết lập nhưng hiện nay mỗi nơi đang áp dụng một kiểu", đại diện Central Retail Việt Nam nói. Đại diện AEON Việt Nam cho hay giấy tờ mà các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào thành phố cần xuất trình chưa được triển khai đồng bộ tại các chốt, dẫn đến một số nhà cung cấp giao hàng trễ hoặc không thể giao hàng.
Tương tự, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết trong sáng 27-7 một số mặt hàng về trễ hơn ngày thường do một số xe của đơn vị chở hàng thiết yếu, có mã QR được Sở Giao thông vận tải cấp để ưu tiên luồng xanh nhưng lực lượng chức năng vẫn không cho vào TP.HCM.
Theo một nhà bán lẻ, khoảng 21h ngày 26-7, tại khu vực Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân), dù tài xế đã xuất trình các giấy tờ liên quan và thông tin là xe chở hàng thiết yếu nhưng nhân viên tại trạm này vẫn không cho vào."Theo quy định của UBND TP, xe chở hàng thiết yếu vẫn được phép lưu thông vào khung giờ 18h - 6h nhưng nhiều trạm kiểm soát ở quận, huyện khá cứng nhắc", vị này thông tin.
"Quy định hiện nay không cho phép các điểm bán mở cửa từ 18h - 6h. Hiểu theo văn bản này thì có nghĩa siêu thị không được phép mở cửa, dù là để nhập hàng vào. Nếu 6h mới được nhập hàng thì sẽ có cửa hàng phải đến trưa mới có đủ mặt hàng để bán, trong khi các hệ thống có đến hàng trăm điểm bán", đại diện Bách Hóa Xanh băn khoăn.
Bộ Công thương đề xuất thay "hàng hóa thiết yếu" bằng hàng "cấm lưu thông"
Bộ Công thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông nhằm hạn chế cách hiểu mỗi nơi mỗi kiểu, đang gây nhiều khó khăn.
Theo Bộ Công thương, nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông - vốn là danh mục 19 hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật - được ban hành từ tháng 5-2014 trên cơ sở hướng dẫn từ nghị định số 59/2006 (trừ những hàng hóa được Thủ tướng Chính phủ cho phép).
Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp "thẻ xanh" để lưu thông ở địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.
Sản phẩm thiết yếu "bao la quá"
Theo một đơn vị bán lẻ, từ sáng 27-7, tại một số quận huyện xuất hiện tình trạng các sản phẩm như kem đánh răng, bột giặt… bị lực lượng tại chốt kiểm soát không cho giao đến người dân vì cho rằng đó là sản phẩm không thiết yếu.
Xếp hàng từ sáng sớm chờ vào mua sắm bên trong siêu thị sáng 27-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều nhà bán lẻ phản ảnh từ ngày 26-6 đến nay, tình trạng mỗi chốt kiểm soát áp dụng một kiểu định nghĩa "sản phẩm thiết yếu" càng khiến khâu vận chuyển khó khăn hơn.
"Cần tạo luồng di chuyển hàng hóa rõ ràng đến tay người dân. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng công bố rõ danh sách các mặt hàng được gọi là thiết yếu, được mua bán, giao nhận, và yêu cầu các quận huyện thực hiện theo. Có như thế mới thay đổi tình trạng đứt gãy trong giao nhận hiện nay", đại diện một nhà bán lẻ nêu ý kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận