13/04/2019 10:34 GMT+7

'Mỗi ngày tôi đều tự hỏi: Cầu chừng nào mới xong, xe chừng nào bớt kẹt?'

KIM NGÂN
KIM NGÂN

TTO - Chen giữa dòng người xe qua cây cầu sửa đã lâu chưa xong, qua bao con đường kẹt xe ngày càng kinh hoàng, nghĩ về chất lượng cuộc sống cư dân đô thị khi chuyện đi lại mỗi ngày thành khổ sở và bất an.

Mỗi ngày tôi đều tự hỏi: Cầu chừng nào mới xong, xe chừng nào bớt kẹt?  - Ảnh 1.

Các phương tiện di chuyển chậm trên đường lên xuống cầu Kênh Tẻ do vướng công trình (ảnh chụp chiều 12-4) - Ảnh: T.T.D.

Tôi vẫn đi về từ quận 7 vào nội thành TP.HCM. Cầu Kênh Tẻ (nối quận 7 và quận 4) từ mấy năm nay đã và đang là nỗi kinh hoàng cho mọi người. Nay tình trạng này có lẽ chẳng còn gì để nói!

Cầu bao giờ mới xong?

Từ ngày bắt đầu thi công mở rộng cầu Kênh Tẻ, kẹt xe càng thêm nghiêm trọng, thành nỗi ám ảnh hằng ngày khi lưu thông qua đây. Dân tình bực dọc vì thi công quá chậm. 

Cầu hai làn đường vốn đã chật, nay còn rào chắn mỗi bên, có lúc hơn một làn đường khiến đi lại vô cùng khó khăn. 

Phụ nữ như tôi rất sợ giữa rừng xe các loại lớn nhỏ tranh hơn tranh thua lỡ té hay quẹt vô các tấm tôn chắn đầy góc cạnh kia... Đường chật, xe đông, có khi còn lo bị xe buýt "nựng"!

Đọc báo, thấy ông giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) động viên: "Chúng tôi đang cố gắng gấp rút, đẩy nhanh tiến độ để dự án có thể hoàn thành vào tháng 7 tới theo đúng kế hoạch. 

Mong người dân thông cảm về những bất tiện bất khả kháng trong quá trình thi công", tôi nghĩ đây không còn là những bất tiện mà là nguy cơ tai nạn giao thông, là thời gian, công sức lao động phung phí vì kẹt xe, thật sự là nỗi khổ mỗi ngày ở đô thị. 

Chất lượng cuộc sống càng tệ đi, ngay từ nhu cầu thiết yếu: mong con đường đi học, đi làm thuận tiện, an toàn.

Tôi vẫn nhớ tháng 10-2016 thành phố chủ trương cho phép đầu tư dự án cầu Nguyễn Khoái vượt dòng kênh Tẻ, nối khu Nam vào khu vực trung tâm thành phố, dự kiến là cây cầu thứ hai bắc qua dòng kênh Tẻ, là niềm hi vọng của cư dân từ Q.7 vào nội thành như tôi. 

Nhưng đến nay cầu mới chưa xây, cầu cũ lại rào chắn sửa chữa, mở rộng. Nghịch lý xe đông hơn, cầu hẹp hơn. 

Thành phố ngày càng đông người, xe, công trình cầu đường ì ạch, giao thông vốn khó thành nỗi ám ảnh mỗi ngày.

Hơn thua nhau ở chất lượng cuộc sống

Cuộc sống hơn thua ở chỗ có được chất lượng hay không, đến đâu. Còn nhớ thuở đi học cuối những năm 1980, tình cờ đọc trên báo Tuổi Trẻ rằng bên Pháp có một bộ tên là Bộ Chất lượng cuộc sống. Tại sao người ta lại nâng chất lượng cuộc sống lên tới tầm bộ?

Những năm đó đường còn thênh thang, chủ yếu là xe đạp. Đường Nguyễn Văn Cừ, con đường đến trường của tôi cây dài bóng mát. 30 năm đã qua, con đường vẫn chừng đó, nhưng đã qua mấy làn sóng xe máy cũ từ nước ngoài rồi đến xe lắp ráp trong nước. 

Số lượng xe máy ngày càng tăng. Giờ đến làn sóng xe bốn bánh và làn sóng xây nhà phố nhiều tầng, cao ốc cùng khắp, trong khi diện tích đường sá tăng không nhiều.

Chuyện hiểm nguy trên cầu Kênh Tẻ chỉ là một thí dụ nhỏ của thực tế khó về giao thông. 

Còn biết bao ví dụ hiểm nguy khác, tỉ như đường sá "ổ gà ổ voi", ngập nước, mật độ xe tải, xe container... trên một con đường như đường Huỳnh Tấn Phát, cũng ở quận 7 này. 

Giữa thực tế khó, ai ra đường, dù lái xe hai hay bốn bánh, cũng có thể dễ là nạn nhân của những bất trắc vô chừng. Tỉ như cái nắp cống nhô lên trên mặt đường cũng có thể khiến ai đó "đo đường". 

Hay những cú bóp kèn "chết người" của một số lái xe quen thói, trong đó có không ít các tài xế xe buýt (và xe tải) nhiều khi để thị uy.

Đọc báo thấy những thông tin tai nạn, những hình ảnh kẹt xe hàng giờ để vượt qua đoạn đường ngắn, những vụ tai nạn từ cống hở, nắp cống cao hơn mặt đường, bao người lấn đường, ép xe người khác, bao tiếng còi xe đầy đe dọa khiến con đường đến công sở, đưa trẻ đến trường mỗi ngày chồng chất thêm bất an, mệt mỏi. 

Chất lượng cuộc sống giảm sút, thấy rõ nhất từ chuyện đi lại hằng ngày.

Báo chí có thông tin: “Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu quận 7 rà soát lại quy hoạch và các dự án để tạo ra sự kết nối, đồng bộ, xây dựng không gian sống có chất lượng...”, tôi xin có đôi lời về việc “xây dựng không gian sống có chất lượng”.

Giờ mới hiểu thấu tại sao người ta lập ra một bộ để lo chất lượng cuộc sống! Còn chất lượng cuộc sống của mỗi người chúng ta đã bao giờ được quan tâm đúng tầm đúng mực, trước hết từ nhu cầu đi lại?

Giảm tai nạn giao thông: từ khâu đào tạo, xe hay tài xế?

TTO - Quá nhiều vụ tai nạn liên tiếp. Giải pháp quan trọng cần thực hiện chặt chẽ hơn bao giờ hết là siết khâu đào tạo lái xe, việc đăng kiểm xe và kiểm tra thường xuyên sức khỏe tài xế.

KIM NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp