11/10/2016 16:48 GMT+7

Mỗi ngày hồ Tây hứng 10.000m3 nước thải sinh hoạt

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết trước thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã có thống kê mỗi ngày hồ Tây phải “hứng” cỡ 10.000m3 nước thải sinh hoạt đổ xuống.

Mặc dù thành phố Hà Nội đã đầu tư hệ thống và nhà máy xử lý nước thải hồ Tây nhưng hiện các đơn vị, nhà hàng kinh doanh quanh hồ Tây vẫn chưa đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý. Ngoài ra, vẫn còn nhiều cống nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống hồ Tây - Ảnh: XUÂN LONG
Mặc dù TP Hà Nội đã đầu tư hệ thống và nhà máy xử lý nước thải hồ Tây nhưng hiện các đơn vị, nhà hàng kinh doanh quanh hồ Tây vẫn chưa đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý. Ngoài ra, vẫn còn nhiều cống nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống hồ Tây - Ảnh: XUÂN LONG

Cũng theo thống kê, trong số 24 cửa cống xả xuống hồ Tây hiện có 8 cống lớn, trong đó cống xả nước thải sinh hoạt lớn nhất xả trực tiếp ra hồ Tây được gọi với tên cũ là cống Tàu Bay, nằm trên đường Nguyễn Đình Thi.

Chỉ tính riêng cống này, mỗi ngày đã xả xuống hồ Tây cả nghìn m3 nước thải sinh hoạt.

Ngoài ra, hệ thống nước thải sinh hoạt của các nhà hàng, đơn vị kinh doanh quanh hồ Tây hiện nay cũng “góp phần” xả nước thải sinh hoạt xuống hồ.

Đáng nói, theo UBND TP Hà Nội, tại hồ Tây đã có hệ thống và nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dù nhà máy xử lý nước thải hồ Tây tại phường Nhật Tân đã được xây dựng xong nhưng hiện vẫn chưa có nước thải để xử lý.

Nguồn nước thải của các đơn vị quanh hồ Tây thải ra vẫn chưa đấu nối vào hệ thống và nhà máy xử lý.

Theo tìm hiểu, tại thời điểm năm 2010, UBND TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải hồ Tây với công suất 15.000 m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng do liên doanh Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền cùng Công ty CP đầu tư và phát triển môi trường SFC Việt Nam làm chủ đầu tư theo hình thức BT.

Đến năm 2015, thành phố đầu tư trên 300 tỉ đồng xây dựng mở rộng hệ thống thu gom nước thải giai đoạn 2 đảm bảo công suất cho Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây. Dự án này cũng được giao cho Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền đầu tư theo hình thức BT.

Tuy nhiên, dù hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải hồ Tây đã hoàn thành nhưng vẫn còn rất nhiều đơn vị, nhà hàng kinh doanh quanh hồ Tây chưa đấu nối nguồn nước thải sinh hoạt đưa về nhà máy này xử lý.

Cụ thể, ở thời điểm ngày 30-9, trước khi xảy ra hiện tượng cá chết một ngày, Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền đã có văn bản gửi đến Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Sen về việc đấu nối hệ thống nước thải của nhà hàng Sen vào hệ thống thu gom.

Theo văn bản của Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền ngày 30-9 thì ở thời điểm này khu văn hóa ẩm thực Sen Tây Hồ vẫn đang xả nước thải chưa qua xử lý xuống hồ Tây.

Tương tự, ngày 3-10, tức là sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, tại buổi làm việc của liên ngành quận Tây Hồ với Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền, đơn vị chủ nhà máy xử lý nước thải hồ Tây cho biết ngay cả Công ty cổ phần dịch vụ giải trí Hà Nội (công viên nước hồ Tây) cũng chưa đấu nối nguồn nước thải vào hệ thống xử lý.

Phía Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền cũng cho biết “hiện tại chưa có đơn vị nào trên địa bàn quận Tây Hồ thực hiện thỏa thuận đấu nối xử lý nước thải với Công ty Phú Điền”.

Về việc chưa có đơn vị nào đấu nối nguồn nước thải vào hệ thống xử lý, theo UBND quận Tây Hồ, có nguyên nhân từ việc các đơn vị chưa thống nhất được về giá phí xử lý nguồn nước thải.

Theo kết quả điều tra của UBND quận Tây Hồ, ở thời điểm trước khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, mỗi ngày hồ Tây “hứng” khoảng 10.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống hồ.

Do phải hứng lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống nên chất lượng môi trường nước hồ Tây đã thay đổi rõ rệt, độ đục nước hồ khá cao, có chỗ chuyển màu đen và gây mùi hôi khó chịu về mùa hè.

UBND quận Tây Hồ cũng nhận định chất lượng nước thải tại cống trước khi đổ vào hồ đều ở mức ô nhiễm nặng, thể hiện ở các giá trị COD, BOD, SS, phenol và vi khuẩn E coliform đều cao quá giá trị giới hạn cho phép.

Hiện tại, sau hơn 10 ngày xảy ra hiện tượng cá chết ở hồ Tây, các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình điều tra, xác định nguyên nhân.

Ngoài các cơ quan của TP Hà Nội, Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Khoa học - công nghệ, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ VN, Bộ Công an phối hợp điều tra nguyên nhân cá chết.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp