TTXVN dẫn báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết thời gian gần đây, tình hình sạt lở ven biển trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhanh, phức tạp.
Theo đó, tại bờ biển Tây, tình trạng sạt lở đang diễn ra nhanh, ở mức nguy hiểm, có nguy cơ phá vỡ đê biển và ảnh hưởng rất lớn khu dân cư ven đê với chiều dài 57.000m, bắt đầu từ vàm Tiểu Dừa, huyện U Minh đến cửa sông Bảy Háp, huyện Phú Tân.
Đặc biệt, các đoạn từ Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh dài 25.000m; từ Ba Tỉnh đến Mũi Tràm dài 17.000m; Sông Đốc đến cửa Bảy Háp dài 15.000m.
Tại các vị trí sạt lở rất nguy hiểm này, đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, một số đoạn không còn rừng.
Riêng đối với bờ biển Đông, qua khảo sát hiện có 48.000m bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm và 24.500 m sạt lở ở mức độ rất nguy hiểm.
Hiện nay, do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường dâng cao làm cho bờ biển Đông bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều đoạn mất hết đai rừng phòng hộ và lở sâu vào đất liền từ 50 - 80m trên đoạn bờ biển dài hơn 10.000m.
Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do tác động của dòng chảy ven bờ và thủy triều, đặc biệt là sóng to, gió lớn.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn tỉnh có khoảng 150km bờ biển bị sạt lở, xảy ra cả ven biển Đông và biển Tây.
Bình quân sạt lở từ 20 - 25 m/năm ở bờ biển Tây, đặc biệt có những nơi lên đến 50 m/năm.
Ở biển Đông, bình quân mỗi năm sạt lở từ 45 - 50m. Trung bình mỗi năm, bờ biển của Cà Mau sạt lở khoảng 450ha; nhiều đoạn sạt lở vào sát chân đê biển, đe dọa đến 100.000ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận